Chân Thật và Giả Dối
Vĩnh Hảo: Chân Thật và Giả Dối
Phương tiện kỹ thuật càng tinh xảo, con người càng dễ đi đến chỗ dối mình, dối người, hại mình, hại người, một cách tự nhiên, đến độ lòng chẳng có chút cắn rứt nào khi đã lỡ tạo ra những hậu quả xấu, làm khổ đau, thậm chí tổn hại đến sinh mệnh của kẻ khác.
Đa phần sự dối gạt, lừa đảo xuất phát từ lòng tham lam lợi lộc, danh vọng, quyền bính; nhưng trong một số trường hợp, có những người chỉ nói dối, làm dối, vì kỹ thuật khéo léo, “làm giả như thật,” đã cho phép, khuyến khích họ thi triển kỹ năng của họ, và lấy sự thi triển này làm điều thú vị trong cuộc sống. Ở trường hợp đặc biệt khác, kẻ nói dối vì lớn lên trong môi trường cần nói dối (như trong thương trường, quảng cáo chẳng hạn), đã nói khuếch đại, nói khoa trương, nói quá sự thật, nói để tô điểm nâng cao tự thân và món hàng muốn rao bán, nói sao cho lợi mình và tập đoàn, tổ chức của mình. Dối lâu thành thói quen, thành đặc tính, đến độ chính kẻ nói dối cũng tin tất cả điều dối đều là thật. Cũng bởi chính mình tin như thế, lời nói ra rất khẳng khái, nghe tựa như lời chân thực xuất phát từ con tim, khiến cho hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí cả triệu người tin theo. Thành công trong sự nói dối như thế, kẻ nói dối hài lòng, thỏa mãn, không ngại ngùng chi để tiếp tục nói dối, dối liên tục, triền miên… trước quần chúng, thiên hạ.
Hậu quả của sự dối trá như thế nào thì qua kinh nghiệm tự thân, cũng như qua sách vở, lời dạy của cổ nhân, thánh hiền, giáo chủ các tôn giáo… mọi người đều đã biết. Dối nhỏ, hại nhỏ; dối lớn, hại lớn. Không sao lường được hậu quả và sức lan truyền, tác hưởng của nó.
Người thực hành lời dạy của bậc chánh giác, luôn tôn trọng sự thực; và đạo lý của bậc chánh giác thường được mệnh danh là “đạo như thật.”
Người áp dụng “đạo như thật” trong đời sống, lấy sự chân thực làm nền tảng. Tính cách chân thực ấy đã được đức Thế Tôn minh thị và hướng dẫn thực hành bằng Bát Chánh Đạo — Con Đường Chánh Tám Ngành (1): đặt tất cả quan kiến, tư duy, ý niệm, lời nói, hành động, năng lực, và sức tập trung vào con đường chân thực, thánh thiện. Có thể hiểu là đặt chân lên con đường ấy là đặt chân lên con đường mà các Thánh giả đã đi qua: con đường thoát ly khổ đau sinh-tử, chứng nhập niết-bàn.
Tám Ngành đều quan trọng, nhưng ngành về lời nói (Chánh Ngữ: nói năng chân chánh) là mặt biểu hiện dễ nghe, dễ cảm nhận nhất trong sinh hoạt, quan hệ hàng ngày. Lời nói thốt ra tác động rất nhanh và trực tiếp đến người nghe, cho nên người xưa thường nhắc “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là ý khuyên nên cẩn trọng cái miệng, thận trọng lời nói, vì nó có thể hại mình, hại người (2). Ngày nay, người ta dùng bàn phím điện thoại hay máy vi tính để gõ, gửi lời nói, tin nhắn, hình ảnh qua Twitter, Facebook, Youtube, Snapchat, Google+, LinkedIn… đến hàng triệu người khác trong nháy mắt. Nhanh cấp kỳ như vậy thì càng nên cẩn trọng hơn, vì một khi lời nói hay tin nhắn đã buông ra rồi, khó mà rút lại được – dù sau đó có sửa lại đi nữa, phát ngôn ban đầu cũng đã lan đi khắp nơi rồi, biết đâu lại chẳng tác động, khơi mào cho một loạt những người tự tử, thúc đẩy cầm súng giết người hàng loạt, khởi động một cuộc chiến thảm khốc, hoặc gieo rắc thảm họa cho một số người nào đó không biết mặt biết tên.
Vì vậy đối với việc thông tin, truyền thông, hay giao tiếp bằng lời nói hàng ngày, người học Phật nhất thiết phải thực hành Chánh Ngữ; và không thể không biết về Chánh Ngữ mà Đức Phật đã dạy cụ thể như sau: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.” (3) Bốn điều Đức Phật dạy “từ bỏ” trong Chánh Ngữ, cũng chính là bốn dạng nói dối của giới thứ Tư (4) trong Năm Giới nền tảng của người phật-tử tại gia (5).
Đối với Chánh Ngữ, không những chính bản thân người con Phật thực hành mà còn phải khuyến khích người khác làm theo; không những thực hành Chánh Ngữ, còn phải tránh xa kẻ nói dối, không ủng hộ nói hùa theo kẻ xảo ngôn, ngụy ngữ.
Đối với giới Vọng Ngữ, người con Phật không tự mình nói dối, không xúi giục người khác nói dối, cũng không nghe người khác nói dối mà tán trợ, vui theo. Trong Năm Giới căn bản, cả ba hình thái: tự làm, xúi người làm, vui theo việc người làm, đều là phạm giới (6).
Nghiệm xét từ những lẽ trên, người con Phật trong giao tiếp với con người, xã hội, phải luôn tôn trọng sự thật, nói lời chân thật: không vì danh lợi mà nói lời xu nịnh người quyền thế; không vì an toàn và lợi ích cá nhân mà ca tụng, tâng bốc đảng phái chính trị xấu-ác; không vì cảm tính riêng hoặc chạy theo phong trào mà ca tụng hoặc bênh vực những lãnh tụ không xứng đáng; không vì bảo vệ vị thế, tài sản của mình mà ngoảnh mặt với sự thật, quay lưng trước thống khổ vô vàn của sinh dân.
Không sống với sự thật thì thường là sống dối. Ngợi ca, ủng hộ người ngoa ngụy dối trá, chính là tòng phạm của dối trá.
Người con Phật chân chính sống với giáo lý như thật, không sống với hư ngụy, giả dối.
California, ngày 22 tháng 6, năm 2019
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info