Có Thể Biến Thiên Đàng Thành Địa Ngục và Địa Ngục Thành Thiên Đàng
trích Tư Tưởng số 1, 01-05-1970,
Chuyên đề về: CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO QUÊ HƯƠNG.
L.T.S.: Ngày 18-1-1970, trong kỳ đại hội “Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu” lần thứ chín tại Việt Nam, Thượng tọa Thích Quảng Độ, Phó Khoa Trưởng Phân khoa Phật học Viện Đại Học Vạn Hạnh, đại diện cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã đọc một bài thuyết trình mà chúng tôi xin đăng ở đây. Chúng tôi nhận thấy tiếng nói của Thượng tọa cũng là tiếng nói chân thành của những vị lãnh đạo Viên Đại Học Vạn Hạnh và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: tiếng nói vạch trần Sự Thật, tố cáo sự Lường Gạt Giả Dối đang ngự trị trong lòng những kẻ tự nhận là có “thiện chí nhất”. Những dòng đăng dưới đây mang một âm hưởng kỳ lạ đâm thấu vào trái tim của chúng ta, những người đang chết và sẽ chết cho một Tình Thương lớn rộng khả dĩ chuyển hóa Địa ngục thành một Thiên đường trên mặt đất này.
“Tâm là chủ tế, có thể biến thiên đường
thành địa ngục và địa ngục thành thiên đường”
JOHN MILTON
Trước hết tôi xin ngỏ lời cảm ơn ông Chủ Tịch Hội Đồng Tinh Thần đạo BAHA’ I và ban tổ chức đã có nhã ý mời tôi tham dự “Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu” lần thứ chín tại Việt Nam hôm nay với tư cách thuyết trình viên Phật Giáo, đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đây không những là sự hân hạnh cho cá nhân tôi mà còn là một vinh dự cho cả Giáo Hội chúng tôi nữa.
Thưa quý vị, như quý vị đã biết qua chương trình, đề tài của Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu lần thứ chín hôm nay là: “MỤC ĐÍCH CỦA TÔN GIÁO LÀ XÂY DỰNG SỰ THỐNG NHẤT VÀ HÒA HỢP”. Tưởng không cần nói quý vị cũng biết rằng đây là một đề tài rất hợp thời, rất thực tế, và sự hiện diện của qúy vị nơi đây hôm nay đã nói lên cái ý chí thiết tha của quý vị đối với mục đích cao đẹp ấy.
Nhưng, khi được yêu cầu thuyết trình về đề tài kể trên, tôi cảm thấy hơi bối rối, ngỡ ngàng, ngượng ngùng và khó nói. Tôi có cảm tưởng như mình là một cậu học trò lớp Nhất đang cặm cụi làm một bài luận văn có tính cách luân lý, trong đó thầy giáo bảo tả cảnh hòa hợp hạnh phúc của một gia đình trong khung cảnh đầm ấm một buổi tối: cha đang đọc sách, mẹ ngồi may thêu, các anh chị đang làm bài và các em nhỏ thì vui đùa ngoan ngoãn. Nhưng, trên thực tế, nhìn vào cảnh gia đình tôi thì, hỡi ôi! hoàn toàn trái ngược: cha mẹ giận nhau, các anh chị cãi lộn và các em nhỏ thì la khóc om xòm! Tôi đành phải gác bút vì thiếu cảm hứng.
Cũng thế, thưa qúy vị, làm thế nào chúng ta có thể nói về thống nhất và hòa hợp một cách ổn thỏa trong khi xung quanh ta, trên tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt, từ chính trị, xã hội, văn hóa cho đến tôn giáo, nhìn vào đâu ta cũng chỉ thấy diễn ra toàn những cảnh chia rẽ, phân hóa, toàn những âm mưu, tranh chấp, những thủ đoạn và nghi kỵ ? Tôi không dám đề cập đến các tôn giáo bạn mà đa số qúy vị hiện diện ở đây là đại biểu, tôi chỉ xin nói ngay trong nội bộ Giáo Hội của chúng tôi cũng chưa có sự hòa hợp và thống nhất. Thật là một điều mỉa mai chua xót cho tôi khi phải đứng đây, đại diện cho Giáo Hội, để thuyết trình về đề tài THỐNG NHẤT và HÒA HỢP. Đây là một nỗi đau lòng không những đối với riêng Giáo Hội chúng tôi mà đối với cả quý vị nào (tôi xin mạn phép tự tin như thế) vẫn dành cho Giáo Hội chúng tôi mối thiện cảm sẵn có của mình.
Từ đó suy rộng ra, tất cả các tôn giáo và các giáo phái trên dải đất này đã có sự thống nhất và hòa hợp chưa? Xin thưa ngay rằng: CHƯA! Rồi trên toàn thế giới, đã có sự hòa hợp và thống nhất giữa các tôn giáo và các giáo phái chưa? Cũng thưa là: CHƯA! Vậy, nếu mục đích của các tôn giáo là xây dựng sự thống nhất và hòa hợp cho nhân loại thì sứ mệnh ấy các tôn giáo vẫn chưa hoàn thành được, và sẽ mãi mãi không bao giờ hoàn thành nếu các tôn giáo cứ giữ cái nguyên trạng như hiện nay.
Thưa quý vị, viễn tượng của một thế giới hòa đồng, thanh bình, thống nhất và tiến bộ là niềm mơ ước không những của nhân loại ngày nay đang quằn quại trong hố sâu chia rẽ, trong vực thẳm chiến tranh, mà còn là niềm mơ ước của các đấng Giáo Chủ và các bậc hiền triết từ ngàn xưa. Nhưng, nếu nhân loại đặt trọn niềm tin ở các tôn giáo để thể hiện giấc mơ cao đẹp ấy thì nhân loại sẽ thất vọng. Bởi lẽ, thay vì đoàn kết nhân loại thành một khối cùng chung một lý tưởng thì các tôn giáo, hay nói đúng hơn là các nhà tôn giáo, lại chia nhân loại thành những nhóm kình địch nhau vì những tín điều, những nghi thức và luôn cả vì triết lý và thần học. Với những thứ ấy, các nhà tôn giáo đã gieo rắc cho loài người một chứng bệnh mà không một nền y học nào tự cổ chí kim, từ Đông qua Tây đã có thể chữa trị được: đó là bệnh cuồng tín. Chúng ta phải can đảm và thành thực mà nhìn vào sự thật này: chưa có một sức mạnh nào đã làm cho con người có lòng rộng lượng, bao dung và vị tha như tôn giáo đã làm, mà cũng chưa một sức mạnh nào đã khiến cho chúng ta trở nên cố chấp, hẹp hòi và ích kỷ như tôn giáo; chưa một sức mạnh nào làm cho con người nhân từ hiền hậu như các tôn giáo đã mang lại, mà cũng chưa một sức mạnh nào khiến chúng ta trở nên tàn ác, hiểm độc như tôn giáo. Những lời thương yêu trìu mến và cao thượng nhất đã phát xuất từ cửa miệng các nhà tôn giáo,- mà những lời độc địa, sâu cay và thấp kém nhất cũng đã được thốt ra từ cửa miệng các nhà tôn giáo.
Tất cả chúng ta đã từng được nghe những danh từ kêu và đẹp như hòa bình, tình thương, bác ái, bình đẳng, tình huynh đệ và thế giới đại đồng v.v… nhưng những danh từ cao đẹp ấy của các bậc giáo chủ và hiền triết thủa xưa đã bị lạm dụng một cách thái quá đến nỗi chúng chỉ còn là những tiếng nói ở đầu môi chót lưỡi, là một trò chơi chữ chứ tuyệt nhiên không còn một thực chất hay một ý nghĩa nào nữa cả. Người ta cũng đã từng hô hào toàn thể các quốc gia trên thế giới nói chung, và đặc biệt là các tôn giáo nói riêng, hãy xích lại bên nhau, hãy nắm lấy tay nhau, hãy học hỏi, tìm hiểu để thông cảm lẫn nhau, và dĩ nhiên đây là một điều rất tốt, chúng ta nên làm và phải làm. Nhưng, khi nhìn qua các trang sử hay tìm hiểu những sự kiện đang diễn biến xung quanh ta, đôi khi kinh nghiệm cho thấy những người hiểu nhau nhiều nhất lại là những người tranh chấp nhau hơn ai hết. Đó là chưa kể có khi nắm tay nhau nhưng trong tay áo vẫn dấu sẵn con dao để, nếu cần, sẽ đâm lén sau lưng nhau. Câu tục ngữ Việt Nam “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” là một chứng minh cụ thể. Như vậy, sự hiểu biết tự nó cũng chẳng mang lại hòa hợp bao nhiêu. Đây không phải là một sự kiện mới lạ mà là một điều đã từng diễn ra trong lịch sử.
Thưa quý vị, tôi vẫn biết vì chúng ta chưa có sự thống nhất và hòa hợp nên mới cần phải xây dựng. Nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là: tại sao chúng ta chia rẽ? Tại sao chúng ta không hòa hợp được với nhau? Về vấn đề này, theo đức Phật, chúng ta chia rẽ, bất hòa là do tính cố chấp mà Phật gọi là biên kiến, nghĩa là, chỉ thấy và chấp chặt có một bên. Chúng ta ít khi nào thấy toàn diện một vấn đề. Tôi là Phật tử. Tôi đang ngồi dưới cái đáy giếng nhỏ bé của tôi và cho đó là toàn thể thế giới. Bạn là tín đồ Thiên Chúa. Bạn đang ngồi dưới cái đáy giếng nhỏ bé của bạn và cho đó là toàn thể thế giới của bạn. Bạn khác là tín đồ của Hồi giáo, Ấn độ giáo, Do thái giáo và đạo Baha’i v.v… cũng đều như thế cả. Vậy, Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt và nhiệm vụ của quý vị cũng rất nặng nề nhưng mà cao cả: đó là làm thế nào để gột rửa cho sạch cái biên kiến và thế giới đáy giếng ấy trong tâm hồn của mỗi chúng ta và tín đồ thuộc các tôn giáo. Nếu làm đưọc việc đó quý vị sẽ là những đại ân nhân, là ánh sáng soi đường không những cho dân tộc Việt Nam nhỏ bé này đang khao khát một sự đoàn kết nhất trí để sống còn, mà cho cả loài người trong cái thế giới tuy có thừa tri thức nhưng lại rất ngu tối này.
Thưa quý vị, như tôi vừa trình bày ở trên, thống nhất và hòa hợp là niềm mơ ước của cả nhân loại, nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Vấn đề này, vẫn theo đức Phật, muốn có sự hòa hợp, chúng ta phải bồi dưỡng một tinh thần rộng lượng, bao dung, hay, nói theo danh từ Phật giáo, là tinh thần hỷ xả. Nghĩa là, chúng ta phải sẵn sàng thừa nhận giữa chúng ta có những điểm bất đồng và dị biệt. Nói thế, mỏi nghe, có vẻ như mâu thuẫn. Thật vậy, đã là bất đồng, dị biệt thì sao gọi được là thống nhất ? Nhưng, thưa quý vị, đời là cả một trường mâu thuẫn mà con người, muốn có được sự sống nhịp nhàng với tâm hồn bên trong và cảnh vật bên ngoài, luôn luôn phải điều hòa thích ứng. Khác với khoa học nói một thứ ngôn ngữ chung mà tất cả mọi dân tộc đều hiểu, tôn giáo là sản phẩm có tính cách địa phương, nhưng, cũng như khoa học, tình yêu tôn giáo lại không phân chia ranh giới, chủng tộc và quốc gia, do đó, đối với các tôn giáo, sự điều hòa ấy càng khó khăn gấp bội. Làm thế nào chúng ta điều hòa được tình yêu nhân loại với quyền lợi quốc gia? Chúa phán phải thương yêu kẻ thù, hễ bị tát vào má trái hãy chìa nốt má phải. Phật thì dạy hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, phải tôn trọng Phật tính mà không được giết hại. Nhưng trong trường hợp một cuộc chiến tranh xâm lược xảy ra, nếu thương yêu kẻ thù và tôn trọng Phật tính thì dân tộc sẽ sống trong nô lệ và tủi nhục; còn nếu chống trả để bảo vệ tự do, bảo vệ quyền sống thì tình yêu kẻ thù và tôn trọng Phật tính sẽ bị xâm phạm và thương tổn. Chúng ta phải chọn đường nào? Nên điều hòa ra sao? Dĩ nhiên, các bậc Thánh nhân cũng đã đề xướng những phương pháp đề kháng bất bạo động, nhưng đó chỉ là thứ vũ khí của một số rất ít người thật can đảm và dũng cảm, không phải ai ai cũng có thể sử dụng được thứ vũ khí ấy, mà, trái lại, vũ khí của những kẻ hèn nhát và khiếp nhược luôn luôn là bạo lực, là đàn áp và khủng bố.
Như vậy, thừa nhận có sự bất đồng và dị biệt là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hòa hợp giữa chúng ta. Bởi lẽ, chúng ta không thể trông đợi có một nền triết học, một nền thần học cũng như một nghi thức duy nhất cho tất cả các tôn giáo. Tôi xin đưa ra một thí dụ (chỉ thí dụ chứ không ngụ ý phê phán bất cứ tôn giáo nào). Chẳng hạn, thế giới quan Phật giáo là thế giới quan DUYÊN KHỞI, nghĩa là, đức Phật cho hết thảy sự vật trong hiện tượng giới đều do nhân duyên, tức những mối quan hệ, kết hợp mà thành, không thừa nhận có một nguyên lý cố định, hay một đệ nhất nguyên lý. Trong khi đó, thế giới quan của Thiên Chúa giáo và hầu hết các tôn giáo khác đều cho thế giới hiện tượng là do một vị nhân cách thần sáng tạo, như vậy là thừa nhận có một đệ nhất nguyên lý. Đó là thế giới quan THẦN QUYỀN. Thế thì, nếu các Phật tử không bảo các bạn Thiên Chúa tin ở một đấng toàn trí, toàn năng, có quyền thưởng phạt là dị đoan thì các bạn Thiên Chúa cũng đừng nên cho các Phật tử chỉ tin ở nghiệp lực con người, ngoài con người ra không ai có trách nhiệm gì đối với hành vi của con người, là vô thần, là ma quỷ. Người ta thường cho những kẻ vô thần là những kẻ không tin tưởng ở Thượng đế, nhưng Phật giáo chủ trương những kẻ vô thần là những kẻ không tin tưởng ở chính mình. Nếu các bạn tin rằng Thượng đế giáng trần qua hình thể chim bồ câu thì cũng đừng nên bảo người Ấn Độ giáo tin Thượng đế biểu hiện bằng hình thể con bò là mê tín, là cổ quái, cần phải đạp đổ nó đi. Theo một ý nghĩa nào đó, những điểm dị đồng trên đây đã khiến cho chúng ta trở thành cố chấp hay biên kiến mà, rủi ro thay, đã hơn một lần làm cho thế giới phải điêu linh tàn tạ. Nhưng đó là chuyện dĩ vãng. Ngày nay, với đà tiến bộ của tư tưởng nhân loại, rồi ra người ta sẽ đem tất cả những cái gì của César trả lại cho César.
Chân lý được biểu hiện bằng nhiều danh từ. Có tôn giáo gọi nó là Thượng đế, cũng có tôn giáo mệnh danh nó là Jehova, là Alla, là Phạm Thiên, là Chân Như, Phật tính v.v… vậy chân lý là một mà tôn giáo chỉ là những con đường khác nhau dẫn đến chân lý ấy. Thế thì, người ta đã đứng ở đâu ta cứ để họ đứng nguyên ở đó, nếu ta không giúp được họ tiến lên theo con đường họ đã chọn thì thôi, chứ đừng nên bắt họ phải theo con đường của mình. Cái mà dân tộc Việt Nam mong muốn nhất hiện nay không phải là tín ngưỡng này hay chủ nghĩa nọ, vì tôi có thể tự hào mà nói rằng, Việt Nam ta ngày nay có thừa khả năng xuất cảng tôn giáo, và một ngày nào đó, rất có thể chúng ta sẽ đi đến tình trạng lạm phát tôn giáo. Thật là mỉa mai cho chúng ta, không một tôn giáo nào không giảng dạy tình huynh đệ, thương yêu, vậy mà trong khi chúng ta có thừa tôn giáo thì chúng ta lại thiếu một điều — một điều quan trọng và cần thiết nhất, đó là một tinh thần hòa hợp dân tộc, tinh thần đồng chủng đồng bào, tinh thần thương yêu đùm bọc, nói tóm lại là một tinh thần “gà cùng một mẹ” để nắm tay nhau xây dựng lại cuộc sống thanh bình và an lạc cho tất cả.
Đức Phật nói: “Tâm bình, thế giới bình”. Nghĩa là, nếu tâm chúng sinh luôn luôn hướng tới hòa bình và thành thật mong muốn hòa bình thì tự nhiên thế giới sẽ hòa bình. Ngày nay, chúng ta thường nghe hàng ngày người ta hô hào hòa bình, hò hét hòa bình, đi tìm kiếm hòa bình mà bóng dáng hòa bình vẫn xa mờ trong bụi khói. Tại sao vậy? Vì rằng ngoài miệng người ta kêu gọi hòa bình, nhưng trong thâm tâm người ta luôn luôn nghĩ đến việc chuẩn bị chiến tranh; bề ngoài người ta khoác bộ áo của con cừu, nhưng dưới lớp áo cừu hiền lành ấy người ta che dấu toàn những móng vuốt của con sói. Thế giới luôn luôn ở trong tình trạng máu lửa là vì thế. Một hôm, một vị tông đồ hỏi chúa Ky-Tô làm thế nào để thấy được Thượng đế, chúa Ky-Tô không nói gì cả, bèn dẫn vị tông đồ ra bờ sông rồi nắm đầu dìm vị tông đồ xuống nước. Một lúc lâu, vị tông đồ ứ hơi muốn chết và hết sức vùng vẫy để thoát lên mặt nước. Chúa Ky-Tô thấy đã cấp bách lắm mới buông tay thả vị tông đồ ra. Khi lên khỏi mặt nước, chúa Ky-Tô hỏi: “Khi tôi dìm ông dưới nước, ông thấy thế nào?”– Vị tông đồ trả lời: “Con thấy không còn muốn một thứ gì trên đời ngoài một chút không khí để thở, vì không khí lúc đó chính là sự sống của con”. Chúa Ky-Tô nói: “Vậy cái ý chí muốn được thấy Thượng đế, của ông đã mãnh liệt đến mức độ ấy chưa? Nếu thế thì tự ông sẽ thấy Thượng đế, ngoài ra, không còn có cách nào khác”. Rồi gần đây, thi hào Milton cũng đã có những vần thơ rất sâu sắc. Ông nói: “Tâm là chủ tể, có thể biến thiên đường thành địa ngục, và địa ngục thành thiên đường” (The mind is its own place. And can make a hell of heaven. And heaven of hell). Như vậy, ai dám bảo Đông là Đông, Tây là Tây, Đông, Tây không bao giờ gặp nhau?
Thưa qúy vị, tôi nhắc lại những thí dụ ấy là chỉ muốn nói lên rằng, công cuộc xây dựng thống nhất và hòa hợp cũng thế, nó đòi hỏi chúng ta phải hướng vào nội tâm. Mỗi chúng ta phải tự hỏi lòng mình xem có thành thật mong muốn không. Vì tâm làm chủ tất cả hành động của chúng ta. Chúng ta chia rẽ, tranh chấp, đố kỵ, tị hiềm chỉ vì tâm ta chứa đầy tham, sân, si. Từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm của ta đều do động cơ danh lợi thúc đẩy. Bởi thế, công cuộc xây dựng thống nhất và hòa hợp chỉ có thể thành tựu một cách viên mãn và tốt đẹp khi nào nó được bắt nguồn từ cõi lòng tha thiết chân thành của mỗi cá nhân. Với ý hướng và niềm tin mãnh liệt ấy, tôi thành tâm nguyện cầu cho mục đích của Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu năm nay sẽ được thể hiện ngay từ chiều sâu thẳm và thầm kín nhất của tâm hồn mỗi chúng ta.
Thích Quảng Độ