Hòa Thượng Thích Trí Quang Viên Tịch Tại Huế, Thọ 97 Tuổi
WESTMINSTER (VB) -- Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, bậc cao tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, một trong những nhà lãnh đạo khai sáng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào đầu năm 1964, cũng là nhà phiên dịch và trước tác về Kinh, Luật, Luận và nhiều thể tài Phật Giáo, đã viên tịch tại Chùa Từ Đàm, thành phố Huế, vào lúc 9 giờ 45 phút tối ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), thọ thế 97 năm, theo Thông Báo của Hòa Thượng Thích Hải Ấn, Trú Trì Chùa Từ Đàm, Huế, cho biết vào sáng Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019.
Được biết Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang đã về an trú tại Chùa Từ Đàm, Huế, mấy năm qua. Trước đó Hòa Thượng Thích Trí Quang từ Chùa Ấn Quang, Quận 10, Sài Gòn về an trú tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, sau khi Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch vào năm 1984.
Trong biến cố pháp nạn của Phật Giáo Việt Nam vào ngày 20 tháng 8 năm 1963 bị chính quyền cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mở cuộc lục soát chùa chiền và bắt bớ Tăng, Ni và Phật Tử trên toàn miền Nam, Hòa Thượng Thích Trí Quang đã vào lánh nạn tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Sau khi chính quyền cố TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Hòa Thượng Thích Trí Quang đã trở về Chùa Ấn Quang.
Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, HT Thích Trí Quang đã không tham gia vào bất cứ tổ chức Phật Giáo nào mà tập trung vào việc nghiên cứu, trước tác và dịch thuật kinh điển Phật Giáo.
Theo lời kể của Cố Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp GHPGVNTN sau năm 1975, sau khi Hòa Thượng định cư tại California, Hoa Kỳ, rằng chính quyền CSVN đã có lần đến mời HT Thích Trí Quang ra lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì được Hòa Thượng đưa ra mấy yêu sách mà một trong số đó là yêu sách chính quyền CSVN không được can thiệp vào bất cứ việc gì của Phật Giáo, hãy để cho Tăng, Ni và Phật Tử tự quyết định tất cả mọi sinh hoạt của Phật Giáo. Tất nhiên, yêu sách này của Hòa Thượng Thích Trí Quang đã không được chính quyền độc tài đảng trị CSVN đáp ứng.
Trong Tiểu Truyện Tự Ghi, Hòa Thượng Thích Trí Quang đã tự viết về cuộc đời của ngài như sau.
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.
Sinh chính quán của tôi là làng Diêm Điền, thuộc khu vực phía tây sông Nhật Lệ, nằm phía Bắc con đường cái quan nối liền cổng Quảng Bình, trung tâm thành phố Đồng Hới, đến tận của Vũ Thắng, ven chân dãy núi Hoành Sơn. Cả làng gốc Bắc, có lẽ di cư thời kỳ tiếp thu đất sính lễ công chúa Huyền Trân, giọng nói đặc biệt, không như cả vùng Quảng Bình gốc Nghệ Tĩnh. Gia đình theo Phật tử đời Cố. Cha pháp danh Hồng Nhật, mẹ pháp danh Hồng Trí, cùng là đệ tử của ngài Đắc Ân, Quốc Ân Tự, Huế, nguyên người Đức Phổ, đồng hương mẹ tôi. Cha tôi từng là nhân viên mật của một trong hai quân thứ Phan Đình Phùng ở Quảng Bình.
Tôi sinh giờ thìn, ngày 14-11 Quí Hợi 2467 (21-12-1923). Xuất gia vào giờ giao thừa vía Đức Di Lặc năm Bính Tý 2480 (1936). Bổn sư là ngài Hồng Tuyên, đồng sư với cha mẹ tôi, sáng lập và trụ trì Phổ Minh Tự, nơi được kể như tổ đình của Phật giáo Quảng Bình mà ngày nay hầu như không có gì.
Xuất gia một năm, năm sau Đinh Sửu 2481 (1937) tôi nhập học Phật Học Viện của Tổng Trị Sự Hội Phật Học, Huế. Thân giáo sư là ngài Trí Độ, trưởng giả Tâm Minh Lê Đình Thám cũng như một vị giáo sư nữa. Ngài Trí Độ thọ giáo với ngài Phước Huệ, Thập Tháp Tự, Bình Định, thọ Bồ tát giới với ngài Đắc Quang, Quốc Ân Tự, Huế - hai ngôi chùa này cùng do ngài Nguyên Thiều, vị Tổ khai sơn Phật giáo Nam Hà thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sáng lập.
Nhập học Phật Học Viện từ năm 2481 (1937) đến năm 2487 (1943) thì có một kỳ thi khác thường. Phật Học Viện có học trình 10 năm : ba năm sơ đẳng, ba năm trung đẳng, hai năm cao đẳng, hai năm siêu đẳng. Mỗi năm có một kỳ thi, đề tài lấy trong kinh sách đã học năm đó. Kỳ thi 2487 (1943) là tốt nghiệp trung đẳng, đột nhiên có quyết định thi hết kinh sách đã học từ năm ấy trở lui. Có vài môn thi vốn không học như thi viết luận Hoa văn, thi nói Nghi lễ mà các điệu tán là chính. Viện cho biết thi tuyển sẽ khó khăn, và trúng tuyển kỳ thi này là trúng tuyển tốt nghiệp. Học trình hai năm cao đẳng và hai năm siêu đẳng sẽ dồn lại làm một và không thi nữa. Kỳ thi này tôi có số điểm cao nhất. Và hai năm sau, Ất Dậu 2489 (1945) tại Đại Tòng Lâm Kim Sơn, cách một con sông sau chùa Thiên Mộ, cơ sở mới của Phật Học Viện, lễ tốt nghiệp được tổ chức, chỉ vài ngày trước ngày Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Sau kỳ thi 2487 (1948), Phật Học Viện tổ chức lễ phát nguyện cho Sa Di giới do ngày Đắc Quang chứng minh, ngài Trí Độ cho mỗi người một pháp hiệu với chữ Trí đứng đầu. Cái tên Trí Quang có từ đó. Mùa hè năm ấy, ngài Hồng Tuyên chính thức cho tôi pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, lại tập chúng cử tôi làm Trú trì của Phổ Minh. Mùa hè 2489 (1945), sau khi làm lễ tốt nghiệp, tôi về Phổ Minh thì đến Vu Lan xảy ra Cách Mạng Tháng Tám. Giao thừa vía Đức Di Lặc năm sau, Bính Tuất 2490 (1946), ngài Hồng Tuyên tổ chức truyền thọ Tỷ Kheo giới và đắc pháp cho tôi với hiệu Thiền Minh. Mùa xuân năm ấy, lần đầu tiên, tôi thảo đề án thống nhất Phật Giáo VN, kèm theo một hiến chương cũng được dự thảo, gửi đến Chủ Tịch Hồ Chí Minh qua đường bưu điện. Nhưng mùa hè năm ấy, ngài Trí Độ được Phật giáo Bắc mời ra lập Phật Học Viện. Tôi cũng được mời đi với ngài. Khi ra Quán Sứ, việc đầu tiên là thầy Tổ Liên cho tôi biết Chủ Tịch Hồ Chí Minh có mời thầy và trao đề án nói trên. Nhưng lúc bấy giờ đang tiến hành thành lập Phật Học Viện nên chưa ai có thì giờ và cơ hội làm gì về đề án đó.
Phật Học Viện của Phật giáo Bắc thành lập cũng khá qui mô, đặc biệt tuyển sinh chu đáo, trên một tháng mà đã khai giảng được hai lớp chính. Tăng Ni tu học thật đáng trọng. Nhưng không mấy chốc mà đến tháng 9 kháng chiến toàn quốc. Tôi về quê nhà Quảng Bình, có tin chắc chắn Pháp sẽ đổ bộ nên mồng 8 tháng 2 năm sau, Đinh Hợi 2491 (1947), tôi xin ngài Hồng Tuyên truyền thọ Bồ tát giới. Bấy giờ đang tản cư, người chạy giặc, đồ dấu giặc, nên một thầy một trò trước bàn Phật chỉ còn tượng Ngài với bát nhang mà thôi, ngài Hồng Tuyên truyền thọ Bồ tát giới cho tôi, với lời kết thúc buổi lễ như vầy: Nguyện rằng đời đời kiếp kiếp tôi với thầy được làm thầy làm bạn với nhau, truyền thọ cho nhau Bồ tát giới của Phật.
Thọ Bồ tát giới rồi, không đầy một tháng sau Pháp đổ bộ Đồng Hới, tôi tham gia kháng chiến. Nhưng tháng 10 năm ấy, mẹ tôi bịnh nặng, bốn anh em tôi đều đi kháng chiến, người thứ ba tử trận một tuần sau ngày Pháp đổ bộ, hai người thứ nhất và thứ tư ở xa, tôi ở gần nhà nhất nên phải về nuôi mẹ. Hôm tôi về đúng vào ngày 23 tháng 10, mãn tang cha tôi mất từ năm Ất Dậu. Năm sau, Mậu Tý 2492 (1948), tôi vào Huế, giảng dạy cho Phật Học Viện Báo Quốc. Năm sau nữa, Kỷ Sửu 2493 (1949), lần đầu tiên có quyết định Tăng sĩ đảm nhận Tổng trị sự Hội Phật Học, thầy Đôn Hậu hội trưởng, tôi phó. Cuối năm ấy, lần đầu tiên tôi vào Sài Gòn, ăn Tết Canh Dần 2494 (1950) tại đây. Dịp này cũng làm được vài việc : chung sức vận động hợp nhất ba Phật Học Đường Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang (sau đổi Ấn Quang), thành lập Phật Học Viện Nam Việt, lại chung sức vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Rồi về Huế, làm chủ bút tạp chí Viên Âm tái bản. Cuối năm ấy bắt đầu vận động thống nhất Phật Giáo VN, có một phần do kích thích tố Phật Giáo Đồ Thế Giới Hữu Nghị thành lập tại Tích Lan, Phật Đản Tân Mão 2495 (1951), Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc, gồm cả hai tập đoàn Tăng sĩ và cư sĩ của ba miền, họp tại Từ Đàm, Huế, và Tổng Hội này gặp đủ thứ ma chướng : trong nhà có ba tập đoàn thiếu hoan hỷ, ở ngoài thì chính quyền Trần Văn Hữu làm khó, chính quyền Nguyễn Văn Tâm sau đó càng làm khó hơn; bảng hiệu văn phòng bị hạ, ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị buộc nạp khuôn dấu, nhân viên Quản Trị Trung Ương người phải lánh, người bị tù. Tôi mạo hiểm nắm việc. Sau một năm xuôi ngược, đầu năm Quí T?2497 (1953), Tổng Hội được thừa nhận và đúng 10 năm sau, chính Tổng Hội này là chủ chốt trong Pháp nạn Quí Mão 2507 (1963). Trong khi vận động cho Tổng Hội Phật Giáo VN được thừa nhận, có sự đề phòng không thành nên Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập bởi ba tập đoàn Tăng sĩ của ba miền, họp tại Quán Sứ, Hà Nội, năm Nhâm Thìn 2496 (1952).
Giáp Ngọ 2498 (1954), kháng chiến chống Pháp kết thúc. Miền Nam ông Ngô Đình Diệm đứng ra. Việc này được biết rõ khi hội nghị Genève sắp kết thúc. Lần chót, trước khi Nam Bắc phân cách, mẹ con tôi đã nói chuyện với nhau khá nhiều. Rốt cuộc mẹ tôi bảo, vậy là miền Nam "quạ lang" vẫn hoành hành! Thôi thì con đi mà lo báo bổ cho Phật. Tôi đi, và Ất Mùi 2499 (1955), nhận chức vụ Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học, vận động đổi tên Phật Học ra Phật Giáo, đưa Tổng Hội Phật Giáo VN vào đặt trụ sở ở Sài Gòn. Rồi nghỉ việc cho đến Quí Mão 2507 (1963) nhận lại chức vụ nói trên. Với chức vụ này, Phật Đản năm ấy tôi phát động, và chung sức lãnh đạo, việc chống chế độ Ngô Đình Diệm.
Hòa Thượng Trí Quang đã phiên dịch và trước tác nhiều Kinh, Luật, Luận như sau:
- Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim,
- Dị Tông Luận,
- Kinh Vu Lan,
- Kinh Viên Giác,
- Trí Quang Tự Truyện,
- Tiểu Truyện Tự Ghi,
- Người Cư Sĩ Tại Gia,
- Khuyên Phát Bồ Đề Tâm Văn,
- Luận Đại Trượng Phu,
- Bồ Tát Giới,
- Thức Xoa Ma Na Giới,
- Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni,
- Tỳ Kheo Giới và Tỳ Kheo Ni Giới,
- Kinh Duy Ma,
- Kinh Di Giáo,
- Kinh Địa Tạng,
- Kinh Kim Quang Minh,
- Lược Giải Tâm Kinh,
- Kinh Thắng Man,
- Kinh Giải Thâm Mật,
- Kinh Bốn Mươi Hai Chương,
- Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật,
- Kinh Pháp Hoa,
- Nhiếp Đại Thừa Luận,
- Người Xuất Gia, ...
Trong Thông Báo của Hòa Thượng Thích Hải Ấn về sự viên tịch của Hòa Thượng Thích Quang có nói đến 6 di huấn của Hòa Thượng Thích Trí Quang về tang lễ của ngài như sau:
1 - Sau giờ chết rồi độ 6 giờ là liệm.
2 - Liệm rồi các Pháp tử lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang.
3- Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu.
4- Chuyển đến lò thiêu; thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tường và đại tường.
5- Mỗi lễ chỉ tụng một trong các kinh: Địa Tạng, Kim Cương, Bồ Tát Giới, Pháp Hoa, và Thủy Sám.
6- Mỗi lễ đều không thông báo và mời an dự cả.