NHẬN THỨC PHẬT GIÁO VỀ THỜI GIAN
View: 1090 - Hoà Tâm 7/01/2019 11:01:40 pm
Thời gian gắn liền với cuộc sống và hiện hữu khắp nơi nơi. Thời gian trải dài từ vô thỉ (không có lúc khởi đầu) cho tận mãi đến vô chung (không có điểm chấm dứt). Thời gian là một ý niệm, không phải là vật hữu hình nên giác quan không thể trực tiếp cảm nhận được. Nhưng thời gian luôn luôn biểu lộ qua mỗi niệm sinh diệt của ta. Chừng nào vật chất còn biến đổi qua từng chu kỳ sinh diệt và ta còn nhận thức được sự biến đổi đó thì ý niệm thời gian đối với ta vẫn luôn luôn hiện hữu.
Dưới cái nhìn của Duy thức học Phật giáo, sở dĩ ta có ý niệm thời gian là do thức, mà ý thức (tức thức thứ sáu) có chức năng chánh của sự nhận thức đó. Vì là một sản phẩm của ý thức nên thời gian là một ý tượng, do tác dụng phân biệt và suy luận của ý thức tạo thành. Mà đã là ý tượng nên thời gian mang tính biến kế sở chấp. Theo Đạo Phật, thức không phải là những thực thể thường hằng bất biến; chúng chẳng khác nào những dòng nước biến đổi và lưu chuyển trong từng giây phút, từng sát-na, theo định luật tự nhiên chi phối mọi hiện tượng hữu vi. Còn kế chấp có nghĩa là vọng tưởng phân biệt nên biến kế sở chấp là đối tượng của thế giới ý niệm - thế giới hình thành do cái nhìn sai lầm méo mó của sự vọng tưởng phân biệt. Thí dụ thường được dẫn để cụ thể hóa sự sai lầm nầy là trong bóng tối chập choạng, ta xem sợi dây thừng thành ra con rắn rồi tự la hét hoảng sợ.
Chính vì thời gian là một ý niệm, không phải là một hiện sinh thật sự, nên nó không mang được tự thân thực tại. Do đó, thời gian luôn luôn có tính chất vừa biến đổi vừa tương đối. Nếu niệm niệm sinh diệt nhiều tức là nghĩ tưởng nhiều thì ta cảm thấy thời gian dài ra, ngược lại, niệm niệm sinh diệt ít tức là nghĩ tưởng ít thì ta cảm thấy thời gian ngắn lại. Chẳng hạn, nếu ta trông ngóng một điều gì thì thời gian đối với ta rất lâu dài vì các niệm trong lúc đó cứ mãi mãi tiếp nối trong đầu ta. Khi cặm cụi làm việc hoặc lặng lẽ ngồi yên không nghĩ tưởng hoặc khi ngồi thiền, tĩnh tâm niệm Phật thì ta thấy thời gian đi qua rất nhanh. Do đó, ta không lạ gì khi nhớ lại thuở còn bé, ta càng ngóng mong đến Tết để được ăn ngon mặc đẹp thì ta càng thấy Tết lâu đến. Khi lớn lên , ngày ngày ta phải mải miết làm việc để duy trì cuộc sống mà không nghĩ tưởng đến thời gian thì ta cảm thấy thời gian đi qua thật nhanh. Mới đầu năm nay lại cuối năm, mới Tết đây nay lại Tết nữa, mới trẻ trung kia mà nay tóc đã pha sương, tuổi đời chồng chất,…
Tính chất tương đối của thời gian được đề cập rất nhiều qua các mẩu truyện huyền thoại lý thú của dân gian, qua sự xác minh của kinh Phật và nay khoa học cũng đã thuyết minh được điều nầy. Về truyền thuyết dân gian, ta có truyện “Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai”, chỉ có nửa năm sống trên cảnh tiên mà khi trở về cố hương thì một thế hệ đã đi qua nên không còn gặp lại bạn bè thân quen cũ nữa!
“Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn rêu nhạt,
Nước chảy huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời.
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động đầu non ,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi !”
(Tản Đà: Tống Biệt)
Ta cũng nghe truyện “Tình Tiên Duyên Tục”. Một tiên nữ trong đoàn múa hát hầu vua Trời Đế Thích, một dịp nọ bay xuống hạ giới; gặp một chàng trai tuấn tú và lấy làm chồng. Hai người ăn ở hạnh phúc trên mười năm và hạ sanh được hai con. Một hôm, cô bỗng dưng nhớ tiên cảnh nên dùng thần thông bay trở về. Khi vào thiên cung, cô được cho biết mọi người nhốn nháo đi tìm cô, vì cô đã tự dưng vắng mặt mất cả buổi!
Lại một mẩu truyện khác, truyện “Lão Tiều Phu Vào Rừng Đốn Củi”. Một hôm nọ, lão tiều phu nầy tò mò đi hút vào rừng sâu thanh vắng bỗng gặp hai ông tiên đang ngồi đánh cờ. Lão tiều đứng cạnh xem và được mời nhập cuộc. Vốn đánh cờ rất giỏi nên lão ta không từ chối ngồi xuống cùng hai ông tiên ra quân. Sau một chập bất phân thắng bại, lão tiều phu bỗng nhớ gánh củi cần được mang ra chợ gấp để bán mua gạo. Khi ra đến ven rừng, lão thấy quang cảnh hoàn toàn đổi khác. Lão tìm lại chiếc rìu thì lưỡi rìu đã rỉ sét, cán rìu đã mục nát. Lão băn khoăn tìm lối về làng cũ, lão không tìm ra nhà, bà con thân thuộc đã qua đời cả trăm năm rồi !
Kinh Phật cũng thường nói tính chất tương đối, sai biệt của thời gian giữa các cõi. Chẳng hạn như nói: “trên cõi trời một ngày bằng cả trăm năm ở cõi thế gian” hoặc nói: “một kiếp ở cõi Ta Bà chỉ tương đương một ngày đêm ở cõi Cực Lạc…”
Trong lãnh vực khoa học, nhà Bác học Albert Einstein (1879-1955) trước năm 1905 đã phát minh ra thuyết tương đối, được biểu thị bằng công thức toán học: E=MC² (E: năng lượng, M: khối lượng vật chất, C: vận tốc ánh sáng trong chân không, tức 300.000 km/giây). Từ công thức đó, người ta tìm thấy một hệ luận về tính chất tương đối của thời gian. Giả sử có một người ngồi trên một hỏa tiễn được bắn đi với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng trong chân không thì một ngày đối với người đó sẽ bằng nhiều thập niên dưới mặt đất. Do đó, sau một tuần lễ, người đó trở về mặt đất thì thế hệ của anh ta đã qua mất; nhà cửa của anh ta đã mục đổ và thân bằng quyến thuộc của anh đã qua đời. Anh cảm thấy lạc lỏng trong một thế hệ vị lai hoàn toàn xa lạ!
Ý niệm thời gian còn có thể được nhìn qua thuyết duyên hợp của Phật giáo. Theo thuyết duyên hợp, ý niệm thời gian phát sinh từ sự chuyển động của vật thể nầy đối với vật thể khác. Chẳng hạn như do sự xoay của trái đất quanh trục của nó trên quỹ đạo quanh mặt trời mà ta có ý niệm về ngày, đêm; do sự chuyển động của các vật thể xung quanh ta mà ta có ý niệm nhanh hoặc chậm. Như vậy, ý niệm về thời gian liên quan chặt chẽ với ý niệm về không gian. Thời gian và không gian là hai ý niệm có tính cách đồng nhứt: không có cái nầy thì cũng không có cái kia và ngược lại.
Do nhận thức duyên hợp đó mà ta có thể giải tỏa được một câu hỏi rắc rối thường gặp qua miệng người đời: Thuở vũ trụ còn “hư vô” thì cái gì (hoặc ai) là nguyên nhân (hoặc tác nhân) tạo ra vũ trụ và muôn loài ? Có tôn giáo dựa trên đức tin vô điều kiện của tín đồ mà trả lời tác nhân đó chính là Thượng Đế toàn năng. Theo tinh thần Phật giáo và khoa học, câu giải đáp nầy chẳng khác không giải đáp. “Hư vô” tức là chẳng có gì cả (hoặc chẳng có vật thể nào cả); do đó, về phương diện luận lý (logic), cái mà ta chỉ còn có thể quan niệm được là sự sáng tạo của thời gian. Nhưng, như ta đã nhận thức rõ ở đọan trên rằng “thời gian” không thể có trong “hư vô”, nghĩa là khi nói sự hiện hữu của thời gian thì ta đã mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu của các vật thể rồi. Vật thể đã không hiện hữu thì không thể có sự hiện hữu của thời gian được. Cuối cùng, ta bắt buộc phải đi đến kết luận: Không bao giờ vũ trụ vật chất đã không hiện hữu dưới hình thức nầy hoặc dưới hình thức khác. Nói một cách khác, sự hiện hữu của vật chất, cũng như sự hiện hữu của thời gian có từ vô thỉ và sẽ tồn tại đến vô chung. Tóm lại, câu hỏi rắc rối nêu trên đã trở thành vô nghĩa nên không có câu giải đáp. Vấn đề liên quan có thể giải đáp được là tại sao vật chất vẫn cứ tiếp tục chuyển biến từ hình thức nầy sang hình thức khác, từ trạng thái nầy sang trạng thái khác mà không bao giờ thường trụ bất biến ? Học thuyết duyên khởi của Phật giáo và khoa học ngày nay đã giải thích vấn đề nầy rất rõ ràng.
Sinh ra đời, sớm muộn gì, ai ai cũng phải chết, nên ta cần nhận thức rằng thời gian chính là vốn liếng của cuộc đời. Chừng nào số vốn liếng nầy được sử dụng hết thì đời người chấm dứt. Hiểu thế, ta sẽ cảm thấy sự hoang phí thời gian hoàn toàn đồng nghĩa với sự hoang phí cuộc đời. Hãy sử dụng thời gian như những năng lượng cần thiết vào những công tác hữu ích cho mình và cho người để làm cuộc đời huyễn hóa và ngắn ngủi của ta thêm phần ý nghĩa thăng hoa cao đẹp.
HÒA TÂM