menu

PHẬT GIÁO VIỆT NAM, BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (Kỳ 7)

View: 960 -     GHPGVNTNHN/HK       31/10/2018 09:10:52 pm
PHẬT GIÁO VIỆT NAM, BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (Kỳ 7)
PHẬT GIÁO VIỆT NAM, BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (Kỳ 7)

PHẬT GIÁO VIỆT NAM, BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (KỲ 7)

26-10-1978: Hòa Thượng Đôn Hậu phản đối chính quyền CSVN: Xúc động trước hiện trạng bị đàn áp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và nhất là trước cái chết bi thảm của Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống đã lên tiếng phản đối chính quyền CSVN và viết đơn công khai từ nhiệm hai chức vụ mà Nhà nước đã áp đặt cho ngài trước đây: Đại biểu Quốc Hội và Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương.

THƯ TỪ NHIỆM CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU

Phật lịch 2525
Bệnh viện Thống Nhất, ngày 08-02-1982

Kính gửi: Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Hòa Thượng,

Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Dậu, vì bệnh tình bức bách, nên ngày 21-01-1982, tôi đành phải rời Huế, vào Thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh giữa lúc mọi người đang hoan lạc đón xuân sang, và cho đến hiện nay tôi vẫn đang còn được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian ấy, ngày 07-02-1982, tôi lại nhận được lá thư của Hòa Thượng gởi cho tôi với danh nghĩa Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Nội dung bức thư ấy, Hòa Thượng báo tin cho tôi biết là Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam đã thành tựu viên mãn, cũng như Hội Đồng Bộ Trưởng đã ra quyết định công nhận bản Hiến Chương, danh sách Ban Lãnh Đạo và cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoạt động; đồng thời, Hòa Thượng đã có lời khuyên tôi cố gắng cộng tác với Giáo Hội trong chức vụ nói trên.

Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn lòng thạnh tình của Hòa Thượng đối với tôi, đồng thời, tôi cũng rất lấy làm vinh dự và tri ân quý Hòa Thượng đã dành cho tôi một chức vụ quan trọng như thế! Nhưng, thưa Hòa Thượng, như Hòa Thượng đã biết, vào đầu mùa xuân năm 1980, cũng chính là lúc tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện Thống Nhất này thì hay tin Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam được thành lập, trong đó tôi được có tên với danh nghĩa Cố Vấn! Thế nhưng vì bệnh duyên chướng ngại, nên tôi đã không tham gia được một Phật sự nào đáng kể, ngay cả cuộc Hội Nghị Đại Biểu vừa qua tôi cũng phải vắng mặt. Cho nên, tôi xét thấy mình nay tuổi đã già sức đã yếu, lại thêm bệnh hoạn liên miên mà mỗi ngày càng thêm trầm trọng. Do đó, tôi viết thư bày để kính báo với Hòa Thượng rõ là tôi không thể đảm nhận được chức vụ quan trọng “Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật” Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà Hội Nghị đã đề cử. Tuy vậy, riêng cá nhân, tôi vẫn luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục đem tất cả sức tàn ra phụng sự chánh pháp trong khả năng còn lại của mình và trong điều kiện sức khỏe cho phép.

Rất mong được Hòa Thượng thông cảm và nhận nơi đây lòng chân thành của tôi. Kính chúc Hòa Thượng phước trí nhị nghiêm, chúng sinh dị độ.

Kính thư,
Tỳ Kheo Đôn Hậu
(ký tên)

09-12-1978: CSVN xét xử các vị lãnh đạo GHPGVNTN: Các vị lãnh đạo Giáo hội bị bắt vào ngày 06-4-1977 không hề được đưa ra xét xử công khai. Mãi đến một năm rưỡi sau, vào ngày 09-12-1978, do áp lực của dư luận quốc tế từ sự vận động của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, Nhà nước mới buộc lòng phải lập một phiên tòa không có luật sư biện hộ cho bị cáo, đem các vị lãnh đạo Giáo hội ra xử. Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị kết án 4 năm tù gồm 2 năm tù ở và 2 năm tù treo; các vị Thượng Tọa và Đại Đức khác cũng đều bị lãnh một mức án tương tự. Tính theo ngày bị bắt giam thì nhị vị Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ phải còn ở tù thêm 6 tháng nữa, nhưng do sự can thiệp của quốc tế, Nhà nước đã phóng thích nhị vị sau phiên tòa.

02-02-1979: Đức Đệ Nhị Tăng Thống viên tịch: Ngày 01-02-1979, Đức Đệ Nhị Tăng Thống tiếp Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên đến chúc thọ đầu năm. Ngài đã di chúc sách tấn chư Tăng Ni và tín đồ tu tập và kiên nhẫn trước mọi nghịch cảnh để phục vụ Giáo hội. Qua giữa trưa hôm sau, 02-02-1979 thì Ngài viên tịch.

Đức Tăng Thống viên tịch, Giáo hội chưa kịp tổ chức được Đại Hội Khoáng Đại kỳ VIII thì chính quyền gia tăng sự đàn áp ở khắp các địa phương, quản thúc chặt chẽ sự đi lại và giao tiếp của nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Trước tình trạng bế tắc đó, các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Lưỡng Viện của Giáo hội đã cung thỉnh Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, kiêm luôn trách vụ Xử Lý Viện Tăng Thống.

Năm 1980: CSVN âm mưu thống nhất Phật Giáo Nam-Bắc dưới sự chỉ đạo của Đảng: Đầu năm 1980, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã triệu tập một phiên họp gồm một số đại diện các hệ phái Phật giáo, đặc biệt là GHPGVNTN với sự tham dự của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Phiên họp được tổ chức tại trụ sở Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc tại Sài Gòn và đặt dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Văn Linh, Bí Thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng Phật giáo nên thống nhất cả hai miền Nam Bắc để làm chỗ dựa cho Đảng và Nhà nước. Nhị vị Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Thích Trí Thủ đã phản đối khước từ âm mưu thống nhất có sự chỉ đạo của Nhà nước và đã xin miễn đóng ý kiến với lý do là nhị vị chỉ được mời đến họp và đã tham dự phiên họp trong tư cách cá nhân chứ không đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

09-9-1981: Phản ứng của GHPGVNTN trước sự vận động thống nhất PG do Nhà nước chỉ đạo: Không thuyết phục được Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Thích Trí Thủ vào năm trước, CSVN đã tìm mọi cách lung lạc, đe dọa, vận động thuyết phục ngầm một số lãnh đạo cao cấp của Giáo hội để gây sức ép hầu thúc đẩy Hòa Thượng Trí Thủ đảm nhận trách vụ Trưởng Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam. Công cuộc vận động thống nhất này đưa đến cuộc họp đặc biệt tổ chức tại chùa Ấn Quang vào ngày 09-9-1981 với sự tham dự của Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo cùng đại diện các cấp Giáo hội toàn quốc.

Trong cuộc họp này, Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ can trường phủ nhận bản dự thảo Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – một Giáo hội Phật giáo do Nhà nước vận động dựng nên để làm chỗ dựa cho Đảng và Nhà nước như lời ông Nguyễn Văn Linh nói trước đây – và kiên quyết giữ vững lập trường của Giáo hội truyền thống. Sự kiên quyết của hai vị này đã thuyết phục được hầu hết cử tọa, đưa đến việc bác bỏ bản dự thảo Hiến chương do phía Ban Vận Động Thống Nhất Phất Giáo Việt Nam đưa ra.

11-10-1981: Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ bị bắt lần thứ hai: Kết quả của việc chống lại âm mưu áp đặt Phật giáo dưới quyền lãnh đạo của Nhà nước, nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị công an thành phố Hồ Chí Minh mời xuống Ty Công an “làm việc” vào ngày 11-10-1981. Tại đây, nhị vị bị bắt giữ để bên ngoài, việc vận động thống nhất Phật giáo do Nhà nước chủ trương được tiến hành xuôi thuận.

04-11-1981: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời: Sau khi bắt giữ Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ như là đầu tàu của thành phần trung kiên với GHPGVNTN, Nhà nước CSVN lập tức thúc đẩy và hỗ trợ toàn bộ cho việc tổ chức Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ Hà Nội vào ngày 04-11-1981. Từ đại hội này, một Giáo hội Phật giáo tay sai của Đảng và Nhà nước được khai sinh mang tên là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Giáo hội này nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn Giáo và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

(Bảo tháp Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu)

 

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin