PHẬT GIÁO VIỆT NAM - BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (Kỳ 9)
14-9-1991
HT Huyền Quang gửi Tâm Thư đến Tăng tín đồ VN hải ngoại:
Tiếp theo sau Tâm Thư của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, hiện đang bị công an địa phương quản thúc tại chùa Hội Phước Quảng Ngãi, cũng gởi đến Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hải ngoại một bức Tâm thư khác, kêu gọi hòa hợp thống nhất thể theo kỳ vọng của Hòa Thượng Đôn Hậu cũng như nguyện vọng chung của đại khối phật giáo trong và ngoài nước.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Cơ sở tạm Chùa Ấn Quang
243 Sư Vạn Hạnh Chợ Lớn
Số: 18/VPLV/VHĐ
Viết tại Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 9 năm 1992.
Phật lịch 2536
TÂM THƯ
của Hòa Thượng Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
Kính gởi: Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni, cùng đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quí liệt vị,
Trước hết, nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi kính lời vấn an sức khỏe và cầu nguyện hồng ân chư Phật thùy từ gia hộ chư Tôn đức cùng quí liệt vị được mọi sự an lành, phước huệ tăng long, Bồ đề tâm kiên cố để phụng trì chánh pháp.
Riêng tôi, suốt 17 năm qua, ngục tù đã thay cho thiền thất, chốn lưu đày đã trở thành trụ sở lưu vong. Tuổi ngoại 70 vẫn chưa thể từ nan những trọng trách đối với Đạo pháp, quê hương; nhất là từ khi tôi được đến trước kim quan của Đức Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu - Chánh Thư ký kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống - trong tang lễ vừa qua, để bái lãnh Di mệnh thiêng liêng của Ngài để lại.
Trước hoàn cảnh Đạo pháp nhiễu nhương, Tăng Ni điêu đứng, chánh tà lẫn lộn, quần chúng Phật tử chưa biết phải nương tựa vào đâu; vì trách nhiệm đối với lịch sử, tôi không ngại tuổi già sức yếu, quyết chí làm tròn mọi sứ mạng mà Giáo hội và chư vị Tôn đức tiền bối giao phó, để đứng lên đòi hỏi công bằng, lẽ phải cho Dân tộc, cho Đạo pháp trước sự soi sáng của lương tâm loài người thời đại. Tôi có niềm tin tưởng quang minh và ý chí không lay động rằng: Con đường mà Giáo hội chúng ta đã lựa chọn luôn luôn có ánh sáng đại Trí của Chư Phật chiếu soi, có tâm Đại Từ của Bồ Tát nâng đỡ, và gần gũi nhất có là có hình bóng che chở của Lịch Đại Tổ Sư, của chư vị Thánh Tăng và các bậc Thánh Tử Đạo đã nguyện xả thân vì đại nghĩa, dõng mãnh, vô úy trước bạo lực cường quyền.
Vì lý do đó, nay tôi xét thấy có nhiều vấn đề, nhiều tâm sự, nhiều sự thật cần phải được nêu lên, để chư Tôn đức và đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước cùng thấy, cùng bàn và cùng thẩm nghị, để cho sự thật khỏi bị che mờ bởi những bóng đen thời đại.
I. NHÀ NƯỚC CSVN LẬP RA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO NHÀ NƯỚC TẠI HÀ NỘI VÀO NĂM 1981 VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?
Như tất cả quí liệt vị đều biết, Nhà nước Cộng sản từ kinh điển Mác-Lê, đã từng xem tôn giáo là thuốc phiện, là kẻ thù của nhân đân, là thành phần xấu của xã hội, cần phải đấu tranh dẹp bỏ (1). Vậy thì có lý do nào mà Nhà nước Cộng sản lại dốc hết tâm lực, tài sản để lập ra Giáo hội nầy, Giáo hội nọ cho Tôn giáo?
Câu hỏi ấy có lẽ không cần phải trả lời. Vì ai cũng hiểu, dù kẻ đui mù trí óc cũng hiểu. Ở đây tôi chỉ thưa thêm: Đấy, chỉ là thủ đoạn chính trị, là chiến thuật trong chiến lược trường kỳ nhằm đánh lừa những người có tôn giáo cho dễ bề thôn tính. Do kinh nghiệm lịch sử, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đàn áp tôn giáo một cách khéo léo tinh vi hơn. Họ không tiêu diệt thẳng tôn giáo như ở Liên Xô cũ, như ở Trung Quốc dưới thời cách mạng văn hóa, như ở Mông Cổ với những mồ chôn tập thể, như ở Campuchia dưới thời Pôn-Pốt… Mà họ còn lập ra Giáo hội cho tôn giáo như hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam ở Miền Bắc năm 1960, Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước ở Miền Nam năm 1975. Và các Hội, Ban nầy đã có các hàng Giáo phẩm là Cộng sản như các Hòa thượng Minh Nguyệt, Thiện Hào, Thế Long, Thanh Tứ… Lãnh đạo chưa đủ đắc lực và tin tưởng hay sao mà phải lập ra Giáo Hội mới cho thêm phiền phức? Vậy Giáo Hội Nhà nước ra đời tại Hà Nội năm 1981 với mục đích gì?
Xin thưa, mục đích ấy là: Lấy danh nghĩa Phật Giáo đoàn kết và thống nhất cả nước, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã lập ra Giáo Hội mới để làm công cụ nhằm lật đổ, xóa bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thông Nhất. Họ đã mượn bàn tay hợp tác của một số Tăng sĩ để chèn ép và tiêu diệt Tăng sĩ, mượn bàn tay của những kẻ đồng đạo để tiêu diệt người đồng đạo. Than ôi! Đây chính là đòn “Gậy ông đập lưng ông”. Thâm độc và dối trá đến thế là cùng.
II. TẠI SAO NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM CÓ CHỦ TRƯƠNG XÓA BỎ GHPGVNTN?
- Vì chủ trương của Cộng Sản là độc quyền Đảng trị, là chuyên chính vô sản. Đường lối của Cộng Sản là lèo lái bằng mọi cách các tổ chức quần chúng trong xã hội, quy về một mối dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhằm phục vụ cho quyền lợi của Đảng. Nhưng họ đã không thực hiện được những điều đó một cách dễ dàng đối với GHPGVNTN. Vì GHPGVNTN có những tính chất quan trọng như sau:
- GHPGVNTN là một tổ chức to lớn, có cơ sở qui mô cùng khắp từ thành thị đến thôn quê, từ cao nguyên đến hải đảo, từ trong nước đến ngoài nước với các Chi bộ tại Hải ngoại ngày càng phát triển trên khắp thế giới.
- GHPGVNTN có tư cách kế thừa chính thống Lịch Đại Tổ Sư truyền giáo quá khứ và cận đại, nhất là sự hy sinh cao cả của Bồ Tát Quảng Đức, của chư Thánh Tử đạo và của các vị cư sĩ hữu công từng vào tù ra khám.
- GHPGVNTN có một hệ thống giáo dục Phật học từ sơ, trung đến cao đẳng; thế học từ tiểu học, trung học Bồ đề đến Đại Học Vạn Hạnh. Có cơ sở xuất bản báo chí, từ thiện xã hội ngày một nhiều.
- GHPGVNTN là hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (được thành lập từ 6 Tập đoàn Phật Giáo Trung-Nam-Bắc, vào năm 1951). Là một tổ chức được thống hợp bởi các Hệ phái, Tập đoàn Phật giáo Nam-Bắc tông, Việt-Miên-Hoa tông... trên cơ sở tự nguyện, phát xuất từ ý chí tự tồn sau một cuộc đấu tranh đầy gian khổ, lắm hy sinh trong Pháp nạn 1963. Vì thế, sự ra đời của GHPGVNTN, năm 1964, là sự qui tụ của những người con Phật cùng chung một hoàn cảnh, biết tìm về đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau sau bao nhiêu kinh nghiệm xương máu, trước những âm mưu chia rẽ, áp bức bởi các thế lực chính trị phi dân tộc, chứ không phải do một chế độ cầm quyền nào dùng áp lực dựng lên. Do đó, GHPGVNTN có tính chất mang đầy bản sắc Dân tộc, không những có tầm vóc Quốc gia mà còn có địa vị Quốc tế (2), không những có vai trò lịch sử trong hiện tại mà còn có sứ mệnh vạch hướng cho dân tộc ở tương lai.
- Một tổ chức như thế mà hàng lãnh đạo từ cao cấp đến cơ sở không có một người nào do Cộng sản cài vào (3), nên Nhà nước khó kiểm soát, khó lãnh đạo, khó tuyên truyền, khó lợi dụng. Vì vậy, họ cần phải tạo ra một Giáo hội mới có thể làm công cụ, làm lợi khí tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản. Rồi đến một lúc nào đó, khi các thành phần tôn giáo đối lập không còn nữa, thì Giáo hội mới cũng sẽ bị tiêu diệt.
Đây chính là chiến thuật “phù thủy” của Nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Họ đã bỏ công làm ra những “hình nộm”, những “ông thần giấy” với sự tỉa vẽ rất công phu cho ra vẻ linh thiêng, đường bệ, trong chiến dịch “giải hạn, trừ tà”. Để rồi, đến lúc hạ đàn thì tất cả cũng đều bị đưa lên giàn hỏa, chứ không phải có “con nộm”, “ông thần giấy” nào sẽ được đưa lên tượng đài để tôn vinh như có một số người lầm tưởng!
Kính thưa quí liệt vị,
Ở mục nầy, tôi xin mạn phép được luận bàn thêm một vài vấn đề liên hệ:
- Nếu GHPGVNTN không có những tính chất quan trọng như đã nêu trên, thì Nhà nước Cộng Sản Việt Nam đâu có đặc biệt “chiếu cố” đến như vậy. Và nếu một số vị trong hàng Giáo phẩm Phật Giáo có bản lãnh, có lập trường, không dễ bị mua chuộc thì Nhà nước dẫu có kiểm soát, hạn chế sinh hoạt v.v... cũng chỉ lập ra những Quyết định, Nghị quyết khắt khe như 297, 69 là cùng. Chứ không thể nào họ có thể dàn dựng một Giáo hội trùm lên một Giáo hội đồng hình thức, đồng danh hiệu nhưng khác hẳn về bản chất. Để rồi đưa vào cơ cấu đó những người cơ hội, háo danh và xúi dục sự chia rẽ, bức hại lẫn nhau. Thật là xấu hỗ với các tôn giáo bạn, vì họ cũng cùng cánh ngộ như chúng ta, nhưng đâu có cảnh đổ vỡ xáo trộn, đau thương như Giáo hội chúng ta. Đây chính là bài học ngàn đời: “vi trùng trong sư tử ăn thịt sư tử” mà Đức Phật đã dạy cách đây gần 30 thế kỷ!
- Nếu Giáo hội Nhà nước dựng lên có một Hiến chương với nội dung tương đối, thật sự có tự do, có chủ quyền, thì có gì đáng nói. Ngược lại, chúng ta còn vui mừng là khác. Nhưng làm gì có được bản Hiến chương như thế. Vì nó đâu có phải được soạn ra từ những bậc chân tu, vốn thao thức cho sự trường tồn của đạo pháp. Mà chính là sản phẩm của những người có chủ trương ngược lại. Họ còn cố tình xé bỏ Hiến chương GHPGVNTN và dùng áp lực cưỡng bách Tăng Ni Phật tử, phải chấp nhận, phải tuân thủ bản Hiến chương của một Giáo hội giả danh, do Nhà nước Cộng sản lãnh đạo qua hai cánh tay đắc lực của Đảng là Ban Tôn giáo và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Kính thưa quí liệt vị,
Trước và sau khi lập ra Giáo hội thứ hai, Nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã vạch định một kế hoạch lâu dài với đủ mọi biện pháp: Bắt giam một số vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hăm dọa, chụp mũ và vu khống những vị có uy tín, không cho các Tự viện tiếp nhận Tăng Ni thừa kế, kiểm tra hộ tịch hộ khẩu khắt khe, tạo khó khăn cho các chùa khắp toàn quốc, tìm mọi cách trở ngại tín đồ lui tới, hạn chế việc giảng đạo, truyền đạo, đi lại của Tăng Ni, không cho mở trường học, trường giới, tịch thu hết ruộng đất của chùa chiền v.v... Và, nếu cái đà kiểm soát, hạn chế nầy kéo dài, thì giới tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, đến cuối thế kỷ 20 nầy sẽ hoàn toàn “tuyệt tự”. Và Đảng Cộng sản sẽ xây dựng cho nhân loại một cảnh thiên đường trên sự đổ nát của tôn giáo (4). Nhưng than ôi! Tham vọng ấy bây giờ còn đâu nữa. Và tôn giáo bao giờ mới bị tận diệt dưới chế độ vô thần!
Từ năm 1991 trở lại đây, tôn giáo được Nhà nước cởi mở đôi phần qua chính sách đổi mới. Nhưng chúng ta đừng thiển cận, nhẹ dạ cho đó là chính sách hay “ân huệ” của Nhà nước đối với tôn giáo. Thật ra, đấy là do vòng quay tất định của lịch sử, là do xu hướng tiến hóa của nhân loại ngày nay. Và đồng thời, cũng do sự tự phát, tự tồn của tôn giáo. “Đổi mới hay là chết” đó là châm ngôn thời đại, là bài học máu xương khắp bốn bể, năm Châu. Nhà nước Việt Nam hiểu rõ như vậy, nên không thể ngăn chận được một sức mạnh hữu hình và vô hình từ bên ngoài và ngay trong lòng dân tộc. Cho nên sự “nới tay” chẳng phải là sự ban ơn, mà chính là sự trả lại – trả lại nhưng vẫn còn chưa đủ - những gì tôn giáo đã có và bất khả nhượng từ trước mà đã bị Nhà nước ngang nhiên tước đoạt.
III. VỚI BẢN CHẤT PHI TRUYỀN THỐNG, LÀ CÔNG CỤ CHÍNH TRỊ CỦA CHẾ ĐỘ HIỆN THỜI, GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC ĐÃ VẤP PHẢI NHỮNG SAI LẦM GÌ?
Để minh chứng rằng, Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội công cụ, đi ngược lại truyền thống Phật giáo dân tộc, tôi xin đơn cử một vài sự sai lầm mà chính Giáo hội ấy phải chịu trách nhiệm với lịch sử.
- Là một tôn giáo có mấy ngàn năm lịch sử trên Tổ Quốc Việt Nam. Giáo hội Nhà nước đã chấp nhận sự thanh trừng, tổ chức, chỉ đạo trực tiếp của các thế lực chính trị nhất thời là Ban Tôn giáo Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
- Ký văn bản đề nghị Nhà nước xử lý Hòa Thượng Thích Quảng Độ và tôi vào năm 1980, vì không đồng tình để Nhà nước chỉ đạo việc thống nhất Phật giáo.
- Tự nhận mình là thành viên của một tổ chức chính trị Cộng sản là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
- Đại hội lần thứ nhất, năm 1981, Giáo hội Nhà nước đã hủy bỏ Giáo kỳ Phật giáo một biểu tượng thiêng liêng đã được bảo vệ bằng biết bao xương máu, tù tội của Tăng Ni Phật tử. Đồng thời đã loại bỏ tổ chức Gia đình Phật tử ra khỏi Giáo hội, một tổ chức nòng cốt có nhiều thành tích đối với lịch sử Phật giáo cận đại bị áp lực phải xóa tên.
- Tại Đại hội này, đã thiết trí hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn hơn tôn tượng Đức Phật là một điều sai lầm không thể chấp nhận được.
- Đại hội lần thứ nhất, Giáo hội Nhà nước đã ra tuyên bố chống Trung Quốc theo luận điệu chính trị của Nhà nước Cộng sản hồi đó. Và đã phạm thượng với Đức Phật. Vì chỉ có Đức Phật mới xứng đáng gọi là Pháp vương hay Pháp chủ. Do đó Giáo hội Nhà nước đã đi ngược lại truyền thống của chư Tổ khi dùng từ ngữ nầy để tôn vinh cho một vị Tỳ kheo, và vị Tỳ kheo ấy cũng mặc nhiên tự nhận mình là Pháp chủ.
- Năm 1981 những vị trong ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, và Ban Tôn giáo vận đã ngang nhiên chiếm cứ và hạ bảng Văn phòng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN để làm trụ sở thành hội.
- Đại hội lần thứ hai, năm 1986, Giáo hội Nhà nước đã tổ chức ngay tại cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô của Nhà nước, nơi thường diễn ra các sinh hoạt chính trị tại thủ đô Hà Nội. Cũng tại Đại hội lần nầy, Giáo hội Nhà nước đã ra tuyên bố chống “Đế quốc Mỹ” với danh nghĩa chống chiến tranh hạt nhân do Liên Xô đề xướng.
- Nội qui Tăng sự của Giáo hội Nhà nước qui định việc tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa phải được chính quyền các cấp xét duyệt, chấp thuận là hoàn toàn sai trái với tinh thần giới luật, ngược lại truyền thống của Phật giáo Việt Nam và biến những hàng Giáo phẩm của Phật giáo thành sản phẩm của một chế độ có chủ trương chống tôn giáo.
- Cả hai lần Đại hội nói trên, đều được Nhà nước Cộng sản Việt Nam đài thọ mọi phí tổn, đưa đón các đại biểu về ăn ở tại nhà khách Chính phủ rất sang trọng tại Hà Nội.
- Trong khi cả một dân tộc đang đấu tranh bằng nhiều hình thức để đòi quyền dân chủ thực sự và công bằng xã hội, trong khi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vị tu sĩ trí thức, các nhân sĩ đất nước… bị bắt bớ giam cầm đến chết rục trong lao tù, trong khi biết bao nhiêu chùa chiền, cơ sở Phật giáo trong cả nước bị chiếm dụng làm nhà kho chứa thóc, chứa phân, nhà hội họp, câu lạc bộ v.v… thì các vị lãnh đạo GH Nhà nước, trừ các vị bị áp lực phải tham gia, còn số ít vẫn ung dung tự tại, thụ hưởng mọi đặc quyền đặc lợi của Nhà nước một cách không hỗ thẹn. Lại còn lớn tiếng hoan hô, ca ngợi một thể chế tự do giả danh, dân chủ hình thức, cản trở sự đấu tranh của dân tộc, nhất là giới Phật giáo của chúng ta.
- Hầu hết các vị lãnh đạo Giáo hội Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều bị ép buộc tham chính bởi Nhà nước theo từng cấp, do sự bố trí của Mặt trận Tổ quốc và ban Tôn giáo.
Diễn tả sai lầm của Giáo hội đối với giới luật, với tăng Ni Phật tử, với lịch sử Phật giáo Việt Nam thì vô cùng vô tận… Nên phải hiểu rằng, lịch sử tự nó không có tội, nhưng nếu chúng ta sai lầm thì liệu lịch sử có dung tha những tội lỗi cho chúng ta không?
IV. GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT CÓ PHẢI LÀ THÀNH VIÊN SÁNG LẬP NÊN GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC HAY KHÔNG?
Đây là vấn đề quan trọng, một sự thật lịch sử cần được phát giác để dư luận trong và ngoài nước tỏ tường.
Nguyên vào đầu xuân Canh Thân (1980) Nhà nước đã triệu tập một cuộc gặp mặt đầu năm gồm nhiều vị lãnh đạo được chọn lựa trong cả nước từ các Giáo hội, các tổ chức Phật giáo về tại Trụ sở ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, số 176 đường Võ Thị Sáu. Đến dự cuộc gặp mặt nầy có cả Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ và Hòa Thượng Thích Minh Châu. Tất cả ba vị đều được mời đi tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện cho Giáo hội. Chủ trì cuộc gặp mặt nầy là quí ông Nguyễn Văn Linh, bây giờ là Ủy Viên Trung Ương Đảng, Bí thư Thành ủy, ông Trần Bạch Đằng, Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và quí vị Đại diện Trung ương MTTQVN tại trụ sở. Mục đích cuộc gặp mặt nầy là để bàn luận việc thống nhất Phật giáo Việt Nam mà Nhà nước đã có kế hoạch, có chương trình định sẵn. Sau các lời mở đầu đầy bóng bẩy của ông Nguyễn Văn Linh với nội dung ca ngợi Phật giáo Việt Nam có truyền thống yêu nước, có công lao với lịch sử dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, sức mạnh của Phật giáo chính là sức mạnh của quần chúng... Do đó, “muốn tạo nên một thành trì kiên cố làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam, không có cách nào tốt hơn là phải củng cố và thống nhất Phật giáo”... “xin quí Hòa Thượng cho phép chúng tôi được gọi là Phật giáo của chúng ta, và đề nghị quí Ngài cũng nên gọi là Đảng của chúng ta...”
Bất bình trước chủ tâm khuynh loát của Nhà nước, cũng như với ý đồ muốn đồng nhất Phật giáo Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu liền đứng dậy phát biểu: “Hôm nay chúng tôi đến đây là với tư cách cá nhân, vì quí vị mời chúng tôi không phải với chức năng Giáo hội. Nên chúng tôi đến dự không phải là Đại diện Giáo hội và Giáo hội cũng không có Ủy cử chúng tôi.” Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ lúc bấy giờ cũng đứng dậy tán đồng ý kiến ấy. Rồi Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu nói tiếp: “Thống nhất Phật giáo cả nước là việc làm rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Phật giáo Việt Nam, nên sự thống nhất phải từ trên cơ sở được sự tham gia bàn bạc, quyết định của từng mỗi Giáo hội, Hệ phái, thì mới có được sự thống nhất trọn vẹn. Việc này không thể quyết định một cách vội vàng và do Nhà nước chủ động. Hơn nữa, trước đây Giáo hội chúng tôi đã từng đề bạt việc nầy với Nhà nước và cũng đã có văn thư gởi Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại Miền Bắc. Nhưng tất cả đều từ chối! Vậy thì tại sao hôm nay Nhà nước lại đứng ra triệu tập thống nhất Phật giáo? Tại sao việc lịch sử Phật giáo mà quí vị không để chúng tôi làm, quí vị lại đứng ra nhận lãnh? Tại sao quí vị lại có chủ trương loại bỏ GHPGVNTN chúng tôi? Bằng cớ là đã không mời Giáo hội chúng tôi đến dự cuộc họp hôm nay. Do đó, với tư cách cá nhân, chúng tôi không thể dự bàn cuộc họp nầy được. Và, vì trách nhiệm đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, chúng tôi không thể làm một việc mà đã sai nguyên tắc ngay từ cơ bản, để rồi ra về ngay sáng hôm ấy, mặc dù cuộc họp còn kéo dài suốt ngày, và Ngài đã vào nằm bệnh viện khá lâu để có thể từ chối mọi áp lực.
Đến giữa năm 1980, Cố Hòa Thượng Trí Thủ lúc bấy giờ với tư cách Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo, dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Hội Đồng Viện Hóa Đạo tại Chùa Ấn Quang. Sau khi được giới thiệu xong, Hòa Thượng Phạm Thế Long phát biểu: “Đảng chủ trương đất nước đã thống nhất thì Phật giáo cũng phải thống nhất... Hôm nay chúng tôi đến xin quí Hòa Thượng, Thượng Tọa góp ý kiến vào việc kiến trúc một ngôi chùa thống nhất cho Phật giáo cả nước.”
Lúc bấy giờ tôi liền nói: “Quí Ngài là sáng lập viên, là kiến trúc sư của ngôi chùa đó, vậy quí Ngài đã phác họa một kiểu mẫu đại khái nào chưa? Chẳng hay ngôi chùa ấy có giống như Quán Sứ, Chùa Keo, Từ Đàm, Linh Mụ... Hoặc là giống như Ấn Quang, Xá Lợi v.v… để chúng tôi có thể dựa vào đó mà góp ý? Tuy nhiên, chúng tôi biết rõ là Nhà nước chủ trương lập một ngôi chùa thống nhất cho các Giáo phái, Tập đoàn Phật giáo cách mạng, chứ Giáo hội chúng tôi đâu có được đặc ân vào đó. Vì chính ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa thời chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN đã nói với Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, khi Ngài bàn với ông Bộ trưởng xin thống nhất Phật giáo cả nước, rằng: “Thống nhất thì tốt, nhưng thống nhất các tổ chức Phật giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật giáo phản động”. Hòa Thượng chúng tôi hỏi: “Phật giáo phản động là ai?” Ông Bộ trưởng không trả lời. Như vậy, Nhà nước muốn chỉ trích Giáo hội chúng tôi là phản động. Thưa Quí Ngài, vậy thì ngôi chùa thống nhất Phật giáo, Giáo hội chúng tôi đâu được có mặt trong đó, nên cũng không dám đóng góp ý kiến gì cả.”
Tiếp đó, Hòa Thượng Quảng Độ phát biểu: “Phật giáo miền Bắc sống trong phần đất tự do, hòa bình, độc lập; nhưng quí Ngài đã làm được gì cho Phật giáo ngoài đó? Còn Phật giáo trong Nam sống trong phần đất chiến tranh, bị kềm kẹp, đàn áp, bất công... Nhưng chúng tôi đã làm được những gì cho Phật giáo chắc quí vị đã thấy, đã biết. Vậy, bây giờ ai cần thống nhất với ai đây?”
Thế là tan rã, cuộc trưng cầu ý kiến không đem lại một kết quả nào.
Thưa Quí liệt vị,
Tôi chỉ kể lại một vài việc cụ thể như trên để cho tất cả chúng ta đều rõ. Và, như vậy không có nghĩa là GHPGVNTN chúng ta không có thiện chí đối với sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước. Mà chính vì Nhà nước đã có chủ trương loại bỏ Giáo hội chúng ta ngay từ đầu, đã lên án Giáo hội chúng ta là phản động. Còn có một số vị Giáo phẩm của chúng ta tham gia vào Giáo hội Nhà nước là do được mời với tư cách cá nhân mà thôi. Và một số vị tự ý nhân danh trưởng Đoàn Đại biểu GHPGVNTN, đọc tham luận trong Đại hội kỳ I chỉ là sự lạm xưng. Vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không có một cuộc họp nào, một văn bản nào đề cử Đại diện tham gia vào Giáo hội Nhà nước cả.
Trên đây, tôi cũng xin đưa ra một vài luận điệu của những kẻ thờ ơ, bàng quan, thiển cận hoặc bị mua chuộc, ru ngủ trước hiện tình Phật giáo, để chúng ta cùng nhau thẩm định cho sâu sắc, phân biệt cho rõ ràng, để khỏi đắc tội với lịch sử.
Có người nói: Giáo hội nào cũng được!
- Xin thưa: GHPGVNTN là Giáo hội kế thừa truyền thống rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam, là Giáo hội do Lịch Đại Tổ sư quá khứ và cận đại sáng lập để truyền bá Phật Pháp. Còn Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội chính trị thời đại, do nhà nước Cộng sản lập nên để làm công cụ cho việc truyền bá chính trị và tư tưởng của Mác-Lê. Mục đích của nó là làm lũng đoạn nội bộ, hạn chế phát triển kiểm soát sinh hoạt của tôn giáo, lần hồi sẽ đẩy tôn giáo đến chỗ diệt vong. Tại sao chúng ta không thấy được hiểm họa ấy mà còn bảo là Giáo hội nào cũng được!
- Có người nói: Mỗi Giáo hội ra đời phải tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử xã hội, bánh xe lịch sử đã qua rồi thì việc chọn lựa Giáo hội cũng y như vậy.
- Xin thưa: Như trên đã trình bày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời trong một hoàn cảnh bị chia rẽ và áp bức, và do ý chí tự nguyện tự tồn, do nhu cầu hoằng pháp và do sự thành công của cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội. Còn các Hội, Ban và Giáo hội Nhà nước ra đời trong bối cảnh những năm 1960, 1975, 1981, là do nhu cầu chính trị thời đại ưu tiên thành lập. Một bối cảnh do bị sức ép nên tự phát, tự nguyện vùng lên. Một bối cảnh do nhu cầu chính trị với chiến lược “gậy ông đập lưng ông” và được chính quyền sắp đặt, tổ chức. Hai bối cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ hiện tượng cũng như về bản chất, từ nguyên nhân cũng như về kết quả. Vậy thì chúng ta nên lựa chọn một Giáo hội để tự phát, tự tồn hay chấp nhận một Giáo hội để tự tiêu, tự diệt. Hơn nữa, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, tất cả mọi thứ Giáo hội giả danh do các thế lực chính trị thời đại lập nên, đều lần lượt tan hàng nhục nhã theo các thể chế chính trị thời đại ấy, khi mà lịch sử dân tộc phải lật sang trang sử mới. Những kinh nghiệm nầy trong quá khứ không phải là hiếm vậy.
- Lại có người nói: Việc Giáo hội Nhà nước ra đời dù sao cũng là việc đã rồi!
- Đây là thái độ thờ ơ thiếu trách nhiệm, thái độ ấy chỉ để dành cho những ai chưa từng sống chết cho Phật giáo, chưa từng bị đàn áp tù tội, đổ máu và chết chóc trong Pháp nạn 1963 và chưa từng là cán bộ của GHPGVNTN. Thái độ đó cũng chỉ dành cho những ai không phải trưởng thành từ các Phật học viện hay các trường trung, tiểu học Bồ Đề ngày trước.
Nói chung, xin thưa rằng: Nơi nào có chủ nghĩa Cộng sản, thì nơi đó trước sau gì rồi tôn giáo cũng bị tiêu diệt! Nơi nào có chủ nghĩa Cộng sản thì nơi đó có những Giáo hội giả danh, những con bài tôn giáo được dựng lên để làm công cụ tay sai cho chế độ. Hỡi những ai đang còn mê ngủ và mù quáng, hãy thức tỉnh!
V. VẤN ĐỀ KHÔI PHỤC SINH HOẠT GHPGVNTN CÓ CHÍNH NGHĨA KHÔNG? VÀ NHÀ NƯỚC CÓ MẶC NHIÊN CHẤP THUẬN KHÔNG?
- Tôi và quí vị Giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN có mặt trong và ngoài nước, thừa Di Chúc thiêng liêng của cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh thư ký kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống, để lãnh đạo Giáo hội, dẫn dắt Phật tử các giới trong bất kỳ mọi hoàn cảnh, thì sao gọi là không chánh nghĩa?
Tôi, nhân danh Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đã đệ đơn lên các vị lãnh đạo cao cấp Nhà nước Việt Nam, với nguyện vọng 9 điểm, để đòi hỏi lẽ phải, công lý và lương tâm của những người Việt Nam đang lãnh đạo đất nước. Lời kêu cứu của tôi đã vang vọng và được hưởng ứng, ủng hộ khắp bốn bể năm châu, thì có gì chính nghĩa hơn thế nữa.
Vả lại, từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam cũng chưa hề có một văn bản pháp lý nào qui định tội trạng, và cũng chưa có văn kiện chính thức nào “khai tử” Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thông Nhất. Vậy thì, việc khôi phục sinh hoạt của Giáo hội chúng ta hẳn nhiên là hợp pháp, hợp lý và có chánh nghĩa.
- Muốn biết Nhà nước Cộng sản Việt Nam có chấp thuận cho chúng ta sinh hoạt bình thường không, thì cần phải phân tích cho minh bạch để cùng nhau thông hiểu.
Từ căn bản của tư tưởng vô thần, Cộng sản không bao giờ đội trời chung với tôn giáo. Chúng ta đừng có ngây thơ tin tưởng rằng Nhà nước Cộng sản thật sự cho phép “tự do tín ngưỡng”. Đấy chỉ là cụm từ rỗng, chỉ là chiến thuật trong chiến lược để lừa dối quần chúng nhẹ dạ, để làm mờ mắt những Tăng Ni Phật tử cạn cợt.
Sau khi chiếm trọn Miền Nam, Nhà nước Cộng sản biết rằng họ còn phải đương đầu với rất nhiều kẻ thù từ bên trong cũng như từ bên ngoài đất nước. Nên họ không dại gì công khai tuyên bố tôn giáo là kẻ thù. Mà đấy là đối tượng cần phải dùng những cán bộ trung cấp hoặc hạ tầng cơ sở thiếu học để dễ sai khiến họ tìm cách hạn chế phát triển và triệt tiêu dần dần tôn giáo. Những hành động đập phá tượng Phật lộ thiên ở nhiều nơi, chiếm dụng chùa chiền, mạ lỵ, phỉ báng, gây sức ép để Tăng Ni hoàn tục... Thì cứ đổ lỗi cho cán bộ cấp dưới là xong. Còn Đảng và hàng cán bộ cao cấp thì bao giờ cũng sáng suốt và biết tôn trọng tự do tín ngưỡng. Nhưng, thực tế họ có phải thực sự sáng suốt không? Và những vấp váp, sai lầm nghiêm trọng đối với đất nước, đối với dân tộc trong 17 năm qua phát xuất từ đâu? Nếu không phải từ những bộ óc tự nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”?
Việc ấy bây giờ không còn che mắt ai được nữa. Bức màn huyền bí của chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới đã được vén lên để phơi bày sự thật. Tiêu diệt tôn giáo không được, dùng mọi chiến thuật, chiến lược đều bất thành. Nhà nước Việt Nam đành phải “nới tay” dưới chủ trương “đổi mới”. Nên các Gia đình Phật tử từ Quảng Trị đến Cà Mâu nhất loạt vùng lên sinh hoạt trong những năm gần đây mà Nhà nước đành “thỏng tay bất lực”. Chúng ta cứ sinh hoạt bình thường vì đây là sức mạnh của chúng ta. Cái sức mạnh có từ những bậc Bồ tát, những vị Thánh Tử đạo, không bao giờ chịu khuất phục, chịu nô lệ trước tham vọng, bạo lực, cường quyền. Cái sức mạnh ấy tiềm tàng nơi tự tâm của những con người tin Phật:
- Qui y Phật: Không qui y thiên thần quỉ vật.
- Qui y Pháp: Không qui y ngoại đạo, tà giáo.
- Qui y Tăng: Không qui y tổn hữu, ác đảng.
Những huynh trưởng 60-70 tuổi, trải mười mấy năm qua, đã từng bị công an gọi lên, gọi xuống, hăm dọa hàng chục lần. Các Gia đình Phật tử từng bị giải tán 15-20 lần, nhưng đức nhẫn nại, lòng vô úy của người con Phật không vì vậy mà chùn bước, cứ vẫn lặng lẽ, âm thầm chịu đựng mà tiến lên. Bây giờ thì cờ xanh, sen trắng tung bay khắp bốn phương trời... Những đời sống đạo đức, lành mạnh, hồn nhiên và tươi trẻ ấy đã đi vào lòng dân tộc, đi vào lòng mọi người... lôi cuốn cả đến con em của những cán bộ Cộng sản, lôi cuốn luôn cả những đoàn thể thanh, thiếu niên, nhi đồng của Nhà nước. Và, điều đáng mừng thay, đã có hàng trăm, hàng ngàn cán bộ Cộng sản cùng con em của họ đã qui thuận vào đại Gia đình Phật giáo. Sự thật ấy tất cả chúng ta đều thấy rõ. Quí vị Giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN tại các tỉnh, các địa phương nên nghĩ gì, làm gì để lãnh đạo GĐPT một cách xứng đáng hơn.
Câu hỏi chúng ta có được phép sinh hoạt bình thường dưới chế độ Cộng sản không? Thiết nghĩ, câu hỏi ấy là của những người chưa hiểu gì về chủ nghĩa Cộng sản cả.
VI. VIỆC KHÔI PHỤC LẠI GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT CÓ BỊ CHỤP MŨ LÀ CHỐNG CỘNG, ĐỂ RỒI BỊ ĐÀN ÁP KHÔNG?
Thưa rằng, cách đây hàng trăm năm, kinh sách các tôn giáo không có câu nào dạy tín đồ chống Cộng cả. Riêng Phật giáo lại còn tuyệt đối không. Từ ngày có chủ nghĩa Mác-Lê-Nin ra đời, chủ nghĩa ấy đã dạy con người sự đấu tranh, căm thù và giết chóc, nhất là chống đối tôn giáo. Sự thoái trào, sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới trong vài ba năm trở lại đây cũng không phải là do tôn giáo chống đối. Mà vì bản chất của chủ nghĩa ấy đã lỗi thời và bị đào thải bởi con người ngày nay đã đủ văn minh và tiến bộ.
Phật giáo Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử luôn luôn đứng về phía quần chúng bị áp bức, khổ đau để chống đối với cái ác, cái mê lầm, tham lam và tàn bạo. Cộng sản Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm lãnh đạo Miền Bắc, 17 năm lãnh đạo Miền Nam mà đã đưa đất nước nầy nghèo nàn, lạc hậu, lùi xa đến 50-100 năm so với các quốc gia trong vùng Đông Nam Châu Á. Cộng sản đã biến Việt Nam thành một xã hội vô linh hồn và xem thường các giá trị thiêng liêng của dân tộc. Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã lấy danh nghĩa là vì những người dân đau khổ, hô hào là “lấy dân tộc làm gốc”... Nhưng thật ra những người dân đang cùng khổ trong xã hội đã hưởng được những đặc ân gì dưới một đất nước để những người “vô sản” cầm quyền? Hay thực tế nghèo đói, khổ đau vẫn càng ngày càng thêm khổ đau, nghèo đói?
Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ 6, thứ 7, họ kêu gọi sửa sai, lần nầy qua lần khác, nhưng càng sửa lại càng sai. Nhiều cán bộ từ hạ tầng đến cao cấp tham nhũng hối lộ lan tràn, tiếp tục nạn ô dù để an thân thụ hưởng, mặc nhiên trước cảnh đau khổ, nghèo nàn, lạc hậu của nhân dân. Tất cả mọi sự thật ấy ngày nay đã bị báo chí, dư luận phanh phui, bóc trần trước mắt mọi người trong nước và quốc tế.
Trước tình cảnh đó, kế thừa và phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam đối với Dân tộc và Đạo pháp, việc đòi lại chủ quyền của GHPGVNTN là việc làm tiên quyết vậy.
Kính thưa quí liệt vị,
Quí vị nghĩ sao? Đơn xin cứu xét nhiều việc của tôi có 9 điểm quan trọng tôi đã gởi đến các cấp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam để đòi hỏi công lý, lương tâm và sự thật; để xin được xét xử tôi một cách công khai trước lịch sử, trước dư luận Quốc nội và Quốc tế. Nhưng đã nhiều tháng rồi, Nhà nước vẫn làm ngơ, không cứu xét. Như vậy, ai là người có thiện chí? Ai là người sợ sự thật bị phơi bày?
Nhân danh Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tôi cũng như quí vị, với lập trường trước sau như một, yêu cầu Nhà nước Cộng sản Việt Nam thực thi các nguyện vọng sau đây:
- Cứu xét đúng đắn, giải quyết thỏa đáng 9 điểm yêu cầu đã được ghi rõ trong ĐƠN XIN CỨU XÉT NHIỀU VIỆC đề ngày 25-06-1992 và ĐƠN KHẾU NẠI đề ngày 24-8-1992 của Viện Hóa Đạo gởi quí cấp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, đưa BỨC TÂM THƯ nầy ra mổ xẻ phải trái rõ ràng. Để, một là Nhà nước dứt khoát “khai tử” GHPGVNTN có trụ sở tạm tại Chùa Ấn Quang để tôn vinh Giáo hội Nhà nước đã dựng lên vào năm 1981 tại Hà Nội. Hai là mặc nhiên để Giáo hội chúng tôi sinh hoạt bình thường.
- Hủy bỏ khẩu hiệu “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Vì Phật giáo Việt Nam đã chưa bao giờ và sẽ tiếp tục không bao giờ tôn thờ, hoặc làm công cụ tuyên truyền cho bất cứ một chủ nghĩa chính trị nào.
- Tôn trọng các ngày lễ Phật Đản và Chúa Giáng Sinh, bằng cách cho cán bộ, công nhân viên và học sinh được nghỉ trong 2 ngày lễ trọng đại ấy. Đồng thời, ghi ngày Pháp nạn 20 tháng 8 dương lịch và ngày kỷ niệm Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu và các Thánh Tử Đạo vị pháp vong thân, vào các ngày Khánh tiết hằng năm của dân tộc.
- Chấm dứt mọi hình thức dùng áp lực khủng bố hoặc dụ dỗ mua chuộc Tăng Ni, Phật tử phải tham gia vào Giáo hội Nhà nước, nhất là trong đợt vận động cho Đại hội kỳ III sắp tới. Và cho dù, Nhà nước có khéo léo tinh vi đến bao nhiêu như sửa lại Hiến chương, thay người, đổi ngựa v.v... cũng không dễ gì xóa bỏ được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong khi hai cánh tay đắc lực của Đảng là Ban Tôn giáo và Mặt Trận Tổ Quốc vẫn còn nhúng sâu vào nội bộ Giáo hội, thì bản chất công cụ của Giáo hội nầy vẫn còn nguyên. Và cứ thế thì sẽ tiếp tục đi theo những dấu vết sai lầm cũ, đồng thời sẽ xảy ra những sai lầm mới đối với Đạo pháp và Dân tộc.
Để kết thúc bức TÂM THƯ nầy, tôi xin có mấy lời tâm huyết:
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quí liệt vị,
Tất cả chúng ta đều là nạn nhân, GHPGVNTN hay là Giáo hội gì đi nữa, nói chung các tổ chức Tôn giáo đều là nạn nhân của chế độ Cộng sản. Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải an thân, thủ phận, cam chịu bó tay, cúi đầu chịu nhục mãi để các thế lực chính trị muốn khai sinh, khai tử gì cũng được. Các tổ chức Gia đình Phật tử tại nửa phần đất nước đã không biết khiếp sợ uy quyền và bạo lực, trở lại sinh hoạt trong 5-6 năm qua. Và, trên khắp thế giới, cách xa chúng ta hàng vạn dặm, các vị Giáo phẩm, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, đang vượt qua mọi trở ngại xây dựng GHPGVNTN, để dìu dắt Tăng Ni Phật tử tu học, đồng thời đoàn kết một lòng hậu thuẫn rộng rãi, ủng hộ vững chắc cho Giáo hội chính thống tại quê nhà đang gặp nhiều khó khăn, trở lực trong việc khôi phục sinh hoạt sau 17 năm bị tê liệt vì áp lực của chính quyền.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ ghi những ai chống lại Giáo hội truyền thống, những ai thờ ơ vô trách nhiệm với sự nghiệp cứu nguy Phật giáo đang thống khổ trên quê hương xứ sở này.
Tôi nguyện sẵn sàng hy sinh thân mạng cho Phật Pháp trường tồn, cho sự thật lịch sử sáng tỏ, cho bao nạn nhân đã chết và đang chết dần mòn trong lao tù và bóng tối, cho sự hưng vượng ở ngày mai của Dân tộc và Đạo pháp.
Bức TÂM THƯ nầy được viết ra bằng máu, và sẽ gởi đi khắp bốn bể năm Châu. Phật giáo chưa bao giờ chịu khuất phục bởi bất cứ một thế lực phi nghĩa nào trên thế gian, vì nó được trang bị bằng tinh thần Đại Hùng - Đại Lực - Đại Từ Bi của chư Phật và Bồ Tát.
Trân trọng kính chào chư Tôn đức và quí liệt vị.
Nay Tâm Thư,
Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
Tỳ Kheo Thích Huyền Quang
(Ấn ký)
Bản sao kính gởi:
- Ông Thủ Tướng Chính Phủ nước CHXHCN Việt Nam.
- Ông Chủ Tịch UB Liên Hữu Bảo Vệ Nhân Quyền Quốc Tế.
- Ông Chủ Tịch ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam tại Paris “để kính tường”.
---
CHÚ THÍCH:
(1) Trong tài liệu "phát động quần chúng đấu tranh cải cách ruộng đất vào các năm 1950-1951, Nhà nước Cộng sản có nêu lên các thành phần trong xã hội được gọi là đối tượng phải đấu tranh loại bỏ: Trí (trí thức), Phú (giàu có), Địa (địa chủ), Hào (hào lý), Tôn giáo, lưu manh.
(2) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là thành viên Hội Phật tử Liên Hữu Thế Giới, Hội viên Giáo Hội Tăng Già Thế Giới, và thành viên của tổ chức Văn Hóa Giáo Dục Liên Hiệp Quốc.
(3) Trong thơ của cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu từ chiến khu gởi về Viện Hóa Đạo năm 1968 có đoạn nói: "Sau ngày đưa tôi lên Chiến khu, có một vị cán bộ cao cấp (không nói tên) đến thăm tôi và nói rằng: "Chúng tôi mời Bác lên đây để làm cách mạng với chung tôi, sau khi cách mạng thành công Bác sẽ về cứu Giáo hội của Bác. Vì Giáo hội Bác không có ai là cách mạng để làm cách mạng cả..."
(4) Việc xây thiên đường tại trần gian nầy thay cho tôn giáo... là do ông Minh, Trưởng Ban chấp pháp Sở công an Thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi lúc tôi bị ở tù tại đó hồi tháng 10 năm 1978.