menu

Tâm Tình Với Quý Thầy Sinh Hoạt Trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

View: 891 -     Thị Giác Lê Văn Hảo       20/04/2020 07:04:32 am
Tâm Tình Với Quý Thầy Sinh Hoạt Trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Tâm Tình Với Quý Thầy Sinh Hoạt Trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Kính Bạch Quý Thầy!

Xưng hô và dùng hai chữ QUÝ THẦY chung chung như vậy để cho dễ thương, thân mật vì Thị Giác – Lê Văn Hảo cũng gần gũi Quý Thầy nhiều năm trước kia.

Lúc còn nhỏ Thị Giác học ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm – An Dưỡng Địa. Các chúng Nguyên Thiều, Liễu Quán, Khuông Việt, Hư Vân, Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ, Vạn Hạnh, Huyền Trang, Mã Minh đều là anh em chung nhau một mái trường. Tấm ảnh ghi hình chung toàn trường thì Thị Giác ngồi dưới đất bên cạnh các ÔN THIỆN HOA, ÔN BỬU HUỆ. Các ÔN đã viên tịch. Các vị lớn tuổi ngày nay có vị đã về với Phật, có vị ở Hải Ngoại, có vị làm chức lớn trong các Giáo Hội Phật Giáo, như Thầy Thiện Nhơn, Thiện Pháp ở chúng Vô Trước làm việc cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, Thầy Bảo Lạc thì ở Úc, Thầy Minh Đạt, Thầy Trí Tuệ ở Mỹ…

Thị Giác đã từng làm thị giả cho các Ôn Thanh Từ, Ôn Thiền Tâm, Ôn Phước Hảo, Ôn Pháp Chiếu…, sau này Huệ Nghiêm chuyển qua học Chuyên Khoa Phật Học thì số chúng học Ngoại Điển di dời ra Liễu Quán, Phan Rang, học với Ôn Huyền Tân, một số ra Tuy Hòa, ra Bình Định, ra Bảo Quốc.

Thị Giác ra học ở Phan Rang, ra Bảo Quốc và về lại Phan Rang, về lại Giác Sanh, Sài Gòn, ở với Ôn Quảng Hiển, ở chung làm chúng điệu với Ôn Quảng Tôn ngày đó và hôm nay Ôn Quảng Tôn còn đó… Sau ngày 30/4/1975 về ở chùa Tập Thành, Bà Chiểu, cùng ở với Ôn Nguyên Như (mới chết năm ngoái), các thầy ở Già Lam như Tâm Quang (Vĩnh Hảo), Tâm Huy, Thái Siêu, Nguyên Hỷ, Hoằng Khai, Lê Đăng Pha (Nguyên Thảo), Nguyên Giác (Dũng), Tâm Hải, Tâm Trí, Nha Trang… Riêng Ôn Nguyên Lý (Từ Hiếu) là bạn học từ nhỏ ở Huệ Nghiêm… Những vị công khai hoặc bí mật cùng sinh hoạt chung và bị bắt tù với vụ án tại chùa Tập Thành + Già Lam có cả hai anh – Hai Thầy Lê Mạnh Thát và Thầy Tuệ Sỹ (lúc đó gọi anh quen miệng), cô Trí Hải…, có một số vị không bị bắt vì không có ai khai ra. Can tội chi thì mọi người đều biết, cả thế giới đều biết. Hai Thầy Thát và Thầy Tuệ Sỹ bị tử hình, sau được ân xá còn thụ mức án chung thân. Tôi thì tập trung mút mùa Lệ Thủy – cộng chung 15 năm tù thì cũng bằng án tử hình của hai Thầy Thát và Sỹ! Tôi bị bắt nhiều đợt, năm 1984, hai anh Thát và Sỹ bị bắt, Ôn Trí Thủ chết, tôi và Tâm Quang, Tâm Huy… cộng chung 7 anh em cắt máu ăn thề, đốt cờ khởi nghĩa HỘI THỀ LẠC LONG tại chùa lá Long Quang ở Long Thành, lập chiến khu… (có người cho rằng chúng tôi lúc đó là TIÊU SƠN TRÁNG SỸ – tiểu thuyết của Khái Hưng hoặc là Ảo Vọng Tuổi Trẻ của Duyên Anh). Bây chừ Tâm Quang, Tâm Huy ở Mỹ chắc còn nhớ rõ như in. Tâm Quang, Tâm Huy vượt biên, bỏ tôi ở lại, tôi trốn về Đà Nẵng bị tù, ra tù… và cho tới hôm nay!!!

Còn nữa nhưng không thể kể hết… cái điều muốn nói… nhưng chưa tâm tình được.

Bây chừ xin tâm sự chuyện khác một chút. Học trong kinh sử Phật giáo thì thấy khi Phật còn sống, Tăng đoàn cũng chia rẻ nhiều lần, nhiều lúc Phật phải bỏ đi ở chổ khác, đôi khi Ngài Xá Lợi Phất cung thỉnh Phật về lại. Phật vừa Nhập Diệt, Giáo Hội chia hai phái Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ, sau này thành ra 18 bộ phái…, và Tiểu Thừa, Đại Thừa… Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền Y Bát cho Lục Tổ Huệ Năng mà phải truyền lén, không công khai, sau 15 năm mới được công nhận chính thức… lúc đó chưa có Hiến Chương, Hiến Pháp mà vì tranh giành quyền lợi làm Tổ, chia phe Thần Tú – Huệ Năng – Nam Đốn Bắc Tiệm…

Ở Việt Nam, sau năm 1963, Giáo Hội Thống Nhất ra đời, năm 1966 tách ra làm hai phái Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, giành lại Quốc Tự chú tôi đã chết năm 1969 – 1970 là Thiện Ân, chết tại Ấn Quang, Thầy Thiện Ân là Tăng Sinh của Huệ Nghiêm. Tăng Sinh Huệ Nghiêm lúc đó đông là lực lượng chủ chốt khi quý Ôn cần đến để đi biểu tình chống đối.

Năm 1981, thành lập Giáo Hội theo nhà nước, hai Ôn Quảng Độ, Huyền Quang không chịu. Chuyện bí mật bên trong chỉ có tôi, thầy Thát, thầy Sỹ, Ôn Già Lam, Ôn Quảng Độ, Ôn Huyền Quang biết nhưng giờ vẫn chưa nói ra.

Khi hai vị bị cưỡng chế về Quảng Ngãi và Thái Bình thì con dấu Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, Ôn Quảng Độ cất nhưng thực tế tôi và chị Vũ Thị Bình cất giữ. Chị Bình có chồng Thiên Chúa Giáo nhưng là đệ tử ruột của Ôn Quảng Độ. Tiền Thầy Nhất Hạnh gởi về cho Ôn Quảng Độ lúc đó là nơi chị Bình. Sau năm 1975, liên lạc với Ôn Nhất hạnh bên Pháp là do tôi làm đầu tiên, không ai dám làm hết. Chị Chín chính là cô Cao Ngọc Phượng cũng là Thích Nữ Chân Không, gởi tiền về cho Giáo hội qua tôi, tôi là người nhận, anh Thát, anh Sỹ đọc trực tiếp thư của thầy Nhất Hạnh gởi qua tôi để anh Thát, anh Sỹ mới tin đường dây này. Từ đó anh Sỹ mới bỏ Nha Trang vô ở cơ sở của tôi gần chùa Tập Thành, Nguyên Hỷ và Lê Đăng Pha ra Nha Trang đưa anh Sỹ vô sống thoát ly ẩn trốn để hoạt động.

Trở lại con dấu, lúc đó Ôn Linh Mụ ở Binh Viện Thống Nhất có Hải Tạng theo hầu làm thị giả. Ôn Linh Mụ hỏi tôi, con có biết con dấu ai cất không, sau khi Ôn Quảng Độ về Bắc? Tôi trả lời là để con tìm. Tôi hỏi ý kiến chị Bình có nên đưa con dấu cho Ôn Linh Mụ không? Chị Bình nói chờ ý kiến ôn Quảng Độ; làm sao mà hỏi – để chị lo – chị Bình hóa trang đi ra Bắc đến gặp ôn Quảng Độ, tôi có gởi kèm theo một cái đồng hồ để xem giờ vì ngoài đó Ôn không biết đến thời gian. Chị Bình về đồng ý và nói Ôn nhắn mi đừng bỏ rơi Ôn. Con dấu tôi và chị Bình đưa tận tay cho Ôn Linh Mụ, đưa tại bịnh viện Thống Nhất, có vậy sau này mới có con dấu để cho Hải Tạng đưa lại cho Ôn Huyền Quang năm 1993 để phục hoạt trở lại Giáo Hội Thống Nhất. Giai đoạn này năm 1993, tôi, anh Thát, anh Sỹ, chưa ra tù. Nghe cụ Huyền Quang kể lại sau khi ra tù, những ngày tháng Ôn Linh Mụ ở tại bịnh viện Thống Nhất (bịnh viện ở gần ngã tư Bảy Hiền), tôi và Thầy Hải Tạng, ngày nào là không gặp mặt. Những Văn Bản, Giáo Chỉ của Viện Tăng Thống do Ôn Linh Mụ ký đều do Thầy Hải Tạng soạn nháp và đọc lại cho Ôn nghe, xong rồi mới in ra phổ biến, bởi vì có mặt tôi tại chỗ. Sau đó ít ngày Thầy Hải Tạng không theo hầu ôn tại bịnh viện Thống Nhất nữa, mà về lại chùa Linh Mụ. Thầy Hải Tạng ra đi về Huế đột ngột, tôi không biết, không từ giả tôi, chỉ nghe Ôn kể lại là về trông chùa ngoài đấy. Kỷ niệm của tôi với Thầy Hải Tạng là em trai Thầy Hải Tạng xuống tóc đi tu là Hải Minh, làm lễ quy y tại bịnh viện, sau đó tôi dẫn về chùa Tập Thành để ở chung, tôi chứng kiến một sự việc nữa là có một cặp vợ chồng, tôi không biết tên đến tại bịnh viện Thống Nhất xin Quy Y làm đệ tử Ôn Linh Mụ trước khi đi vượt biên. Làm lễ quy y không có bàn thờ, không có lễ Phật, chỉ có một niềm tin tuyệt đối với tấm lòng Chánh Tín kính trọng được Ôn Linh Mụ xoa đầu và đặt cho Pháp Danh mới.

Kế tiếp tôi cùng chị Uyên tổ chức, vạch ra kế hoạch đưa Ôn Linh Mụ đi mổ đường tiết niệu tại bịnh viện Bình Dân, qua mặt Công An lúc đó. Ôn Linh Mụ nắm tay tôi chảy nước mắt nói – “đừng để chúng nó giết Ôn”. Tôi và chị Uyên, Dược Sỹ, chị có cái bớt trên má, là đệ tử ôn Nhất Hạnh, đàn em chị Nhất Chi Mai, chị Cao Ngọc Phượng. Tôi và chị Uyên qua mặt công an Sài Gòn mổ Ôn tại Bịnh viện Bình Dân, xong rồi công an mới biết. Bởi vì chính quyền muốn đưa Ôn về mổ tại Hà Nội nhưng Ôn sợ và không chịu theo chính quyền muốn đưa ôn về Hà Nội mổ.

Trở lại vấn đề chính, sau ngày Đại Hội Nguyên Thiều, sau vụ án Lương Sơn, Ôn Tuệ Sỹ từ chức, phân hóa thành Tăng Đoàn của Ôn Thiện Hạnh, Cụ Quảng Độ dùng Lê Công Cầu, anh Nguyễn Sỹ Thiều nói là “giặc đã đến Tử Cấm Thành”… Rồi Tăng Đoàn Bản Thệ của Thầy Tuệ Sỹ… Gia Đình Phật Tử thì chia nhiều nhóm, nhóm của anh Nguyễn Châu Đà Lạt lấy Già Lam làm chổ dựa, nhóm của Lê Công Cầu, nhóm của anh Hồ Đủ bên Tăng Đoàn, nhóm của anh Sáu Đen (Võ Tấn Sáu ở Duy Xuyên)…

Trước sự phân hóa đó, tôi rút về ẩn cư làm nghề Phong Thủy, nuôi trồng nấm, chơi phong lan… các Thầy vẫn lui tới thăm hỏi, vẫn đi Sài Gòn mỗi khi khách mời xem mộ huyệt, nhà cửa, có ghé Già Lam, ghé thăm quý Thầy, quý Thầy có dịp ghé Đà Nẵng đều dừng chân tại nhà, thọ dụng cơm chay với gia đình. Đặc biệt các tang lễ của quý Ôn, quý Thầy dù ở bất cứ nơi đâu tôi đều có mặt để đốt cho quý ngài một nén hương và lạy quý Ngài để tưởng nhớ lúc còn sống có sinh hoạt chung, để kết duyên lành ở kiếp sau.

Mới ngày hôm qua Thầy Nguyên Lý đưa tin chúc thư GIÁO CHỈ của ÔN ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ giao phó MẠNG MẠCH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT cho NGÀI TUỆ SỸ – điều này tôi biết từ lâu, từ ngày ÔN QUẢNG ĐỘ còn tỉnh táo, từ tháng hai năm trước, năm Kỷ Hợi – 2019. Theo cá nhân tôi là đúng.

Con xin Đảnh Lễ Ôn Quảng Độ trước, lúc Ngài còn sống, con còn làm việc bên cạnh Ngài nhiều năm, NGÀI cũng hiểu tính con, con cũng hiểu tính NGÀI, có những lúc NGÀI nói với con nguyên văn: TAU MUỐI HỦ MẮM NÀY THÚI QUÁ, LỠ RỒI, NHỜ CON SÚC HỘ CHO SẠCH BÌNH. (Giác Linh Ngài Linh Thiêng Chứng Giám Cho Con Không Vọng Ngữ). Nghĩa là có nhiều việc Ôn làm có sai trái phải nhờ tôi giải quyết và dọn dẹp – những việc không quan trọng lắm. Ôn dùng NGƯỜI nhiều khi sai lầm và hơi CỰC ĐOAN, khiến cho dẫn dắt kéo dài hệ lụy đến hôm nay, khó dẹp bỏ hoặc loại trừ.

Mối ân tình thâm sâu giữa các Ôn Trí Quang, Ôn Huyền Quang, Ôn Đức Nhuận (chùa Giác Minh Sài Gòn), Ôn Quảng Độ, Ôn Tuệ Sỹ, Ôn Trí Siêu Lê Mạnh Thát như tình máu mủ ruột thịt, tình anh em, tình cha con, tình thầy trò. Có tin tức chi quan trọng có hại đến bản thân về an ninh tính mạng của quý Ôn thì thông báo cho chau biết. Tôi là con thoi chạy qua chạy lại giữa các Ôn báo tin cho nhau. Ôn Trí Quang bảo tôi nhắn tin Ôn Đức Nhuận: “đừng có rục rịch, nằm im, nhìn cái gương Thiện Minh chết trong tù” – Ôn Trí Quang gởi tiền về cúng dường Ôn Huyền Quang và nhắn: “làm Phật không ưng mà lại ưng làm Thần”. Ôn Đức Nhuận tâm sự với tôi là Ngài tôn trọng Ôn Trí Quang như bậc đàn anh, Ôn Quảng Độ kể lại với tôi khi Ngài mới nhận chức Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, sáng nào Ôn Trí Quang cũng xuống văn phòng tại chùa Ấn Quang gặp Ôn Quảng Độ, tâm sự, chỉ vẻ, hướng dẫn kinh nghiệm làm việc Giáo Hội của mấy năm trước. Lần đầu tiên tôi gặp Ôn Linh Mụ tại bịnh viện Thống Nhất Sài Gòn, có Thầy Hải Tạng (cũng là lần đầu tiên biết mặt Hải Tạng), tôi cầm tờ vé số được xé chia làm đôi do Ôn Đức Nhuận gởi cho Ôn Linh Mụ, giới thiệu tôi cho Ôn Linh Mụ để làm việc liên lạc cho nhau.

Tôi kể như vậy, vì tôi là người trong cuộc, con cháu trong nhà…

Còn một việc nữa có liên quan hiện nay. Thầy Quảng Tôn – Ôn Quảng Tôn đang ở chùa Giác Sanh Sài Gòn, thấy có tên trong danh sách Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Giáo Hội Thống Nhất cùng với Ôn Tâm Mãn, Ôn Chơn Tâm (vị này tôi chưa biết bao giờ, chưa biết mặt) phản đối di chúc của Ôn Quảng Độ mới công bố hôm 18/4.

Cách đây 50 năm, tôi ở chùa Giác Sanh, có một anh Việt Cộng về hồi chánh (gọi là chiêu hồi thời đó) xin đi tu và được chấp thuận đó là Thầy Quảng Tôn, Ôn Quảng Tôn ngày nay – đi tu sau tôi, học thấp hơn tôi, lớn tuổi hơn tôi nhưng ở chung với tôi. Quảng Tôn tính tình dễ thương, ít nói, ai cũng mến, học hành còn giới hạn kể cả văn hóa phổ thông hoặc kinh điển Phật Giáo, so với tôi thì làm sao đuổi kịp đủ mọi mặt. Rất chơi thân với tôi cho đến bây chừ.

Sau ngày 30/4/75, đến nay có người ra đi, có người ở lại, Quảng Tôn phải ở lại chùa – vì đi đâu bây chừ? Lúc đó hộ khẩu của tôi còn ở tại chùa nên thường xuyên về đây. Công An quận 11 muốn kiểm soát an ninh trong chùa, nên phải chọn tình báo viên, người được chọn là Quảng Tôn, phải báo cáo thường xuyên về mọi hoạt động của chùa, tất cả tần tật, báo cáo tuần, tháng…

Có lần tôi đọc báo cáo của Quảng Tôn mới viết mà chưa gởi, cho tôi xem, hỏi tôi: tau báo cáo như ri được không? Tôi đọc xong, cười ngoắc nghẽo, cười sặc cơm, cười bò lăn bò càng… Ví dụ thằng A làm hành đường (dọn cơm) thằng B vận thủy (gánh nước) thằng C hương đăng (bông hoa bàn Phật) thằng nớ ban sài (bửa củi)… những danh xưng công việc trong chùa thường gọi. Tôi nói “anh hay quá Quảng Tôn ơi! Anh không nói tôi à?” –  “Có: thằng Giác không ở thường xuyên, hay đi đi về về, thằng này có tài kể chuyện, trong chùa ai cũng thích nghe nhất là chuyện kiếm hiệp, nó kể hay đến nỗi con kiến trong hang cũng bò ra nghe, hắn có tài tán gái, nó nói chuyện họ mê hắn lắm, không thấy hắn rủ rê làm chính trị chi hết. Trong chùa lúc trước thường gọi hắn là Bun–Cơ (tên của đại sứ Mỹ thời ông Thiệu làm tổng thống – tủ lạnh – lắm mưu nhiều kế)”.



Cư sĩ Thị Giác Lê Văn Hảo (Ảnh: Facebook Lê Hảo) 

Một thời gian, sau vài năm, tôi gặp lại hỏi Quảng Tôn còn làm báo cáo không? Tôn nói: “nhiều lần sau chúng nó gọi lên bảo đừng báo cáo công việc dọn dẹp trong chùa mà để ý về chính trị! –Tau nói: “BÁ NGỌ! (tiếng chưởi thề trong nhà chùa mà ai cũng có biết – tương đương với chữ A Đù!) – bọn hắn nghi tui là việt cộng thì làm sao nó nói chính trị với tôi!” Thế là Quảng Tôn hết nợ báo cáo với công an nữa!

Câu chuyện này tôi có kể cho Ôn Quảng Độ nghe khi Ôn hỏi thăm về Quảng Tôn vì Quảng Tôn có lên xuống với Ôn khi còn ở Thanh Minh Thiền Viện, lúc đó có Thiện Kiên nữa, cùng ở Giác Sanh. Tôi khen anh Quảng Tôn đấy! Anh không ưa Cộng Sản và còn ghét nữa!

Đây là TÂM TÌNH của Tôi muốn gởi gấm QUÝ THẦY!

Xét lại hiện nay tôi đã hoàn tục, có vợ có con. Gặp lại Quý Thầy dù ở và sinh hoạt bất cứ Giáo Hội nào, tôi đều kính trọng, khiêm tốn dù là ngày xưa học sau tôi, học dốt hơn tôi. Có vị tôi kèm, tôi dạy cho học nữa, tôi vẫn kính chào nghiêng mình đảnh lễ. Không nói xấu bất cứ vị THẦY nào cả. Những đêm canh thâu, vẫn nhớ lại về chùa, vẫn tưởng mình còn là Tu Sỹ.

Đến đây Tôi tự kiểm điểm, tự đánh giá: không có một quyền lợi gì, danh vọng, mọi thứ, bất cứ thứ chi, chỉ vì tâm huyết nợ cơm chùa, nợ công ơn giáo dục của quý ÔN, nhờ PHẬT GIÁO TÔI MỚI CÓ ĐƯỢC SỰ HIỂU BIẾT NHƯ NGÀY NAY. TÔI MUỐN ĐỀN ƠN, CÓ TÂM HUYẾT MUỐN QUÝ THẦY ĐOÀN KẾT LẠI, KHÔNG VÌ DANH VỌNG, CHỨC VỤ MÀ VÌ TÒA NHÀ PHẬT GIÁO TRÊN MẢNH ĐẤT VIỆT NAM NÀY. GIÁO HỘI TA TỨ BỀ THỌ ĐỊCH, KỂ THÙ CHỐNG PHÁ KHẮP NƠI, KHÔNG CHO GIÁO HỘI THỐNG NHẤT TRƯỜNG TỒN.

Thử hỏi một cách khách quan, không thiên vị, trong nước cũng như ở Hải Ngoại vị nào có đủ ĐỨC ĐỘ, UY TÍN, NHÂN CÁCH, BẢN LĨNH, TRÌNH ĐỘ HỌC THỨC, đủ chất keo sơn để hàn gắn trong tòa nhà Phật Giáo Việt Nam, kể cả quý vị sinh hoạt của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, bằng NGÀI TUỆ SỸ?

Giờ phút cuối cùng ÔN QUẢNG ĐỘ CHỌN NGÀI TUỆ SỸ LÀM NGƯỜI LÃNH TRÁCH NHIỆM MẠNG MẠCH CỦA PHẬT GIÁO LÀ ĐÚNG NHẤT.

Đây là những tâm tình chân thành nhất muốn gởi đến QUÝ THẦY cùng nhau đoàn kết xây dựng lại TÒA NHÀ PHẬT GIÁO MÃI MÃI TRƯỜNG TỒN

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát

Thị Giác Lê Văn Hảo

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin