menu

Phật Giáo, Chinh Trị và Thời Đại Trump

View: 1088 -     Nguyên Giác       29/11/2018 06:11:17 am
Phật Giáo, Chinh Trị và Thời Đại Trump
Phật Giáo, Chinh Trị và Thời Đại Trump

Phật Giáo, Chinh Trị và Thời Đại Trump

Nguyên Giác

Trong cương vị Thống Đốc tiểu bang Hawaii, bản thân là một Phật tử và là da màu, David Yutaka Ige suy nghĩ thế nào trong thời đại của Tổng Thống Trump, một người Thiên Chúa Giáo không gương mẫu và là một chính khách không tin các nghiên cứu về biến đổi khí hậu?

Tạp chí Lion’s Roar đã có bài phỏng vấn Thống Đốc David Yutaka Ige về nhiều phương diện, đặc biệt về suy nghĩ của một Phật tử như Ige.

Ông David Ige sinh ngày 15/1/1957, giữ chức Thống Đốc tiểu bang Hawaii từ năm 2014, và tái thắng cử năm 2018. Là một đảng viên Dân Chủ, trước đây từng là Thượng nghị sĩ cấp tiểu bang Hawaii (1996-2014), Dân biểu cấp tiểu bang Hawaii (1985-1995).

Ông Ige sinh và trưởng thành ở thành phố Pearl City, Hawaii, là người thứ năm trong sáu con trai của ông bà Tokio và Tsurue Ige, Mỹ gốc Nhật có quê cũ từ Okinawa. Trong Thế Chiến 2, ông cụ Tokio phục vụ trong đơn vị tác chiến ở Tiểu Đoàn 100 Bộ Binh, được nhiều huy chương; hết chiến tranh, ông cụ Tokio về làm thợ thép trong ngành xây dựng.  

David Ige có văn bằng Cử Nhân Điện Khí ở Đại học University of Hawaii và trong khi làm kỹ sư ở GTE Hawaiian Tel, ông học thêm và lấy bằng Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA). Ông kết hôn với một nữ sinh viên cùng trường; ông Ige và bà Dawn có 3 con. Ông làm kỹ sư hơn 18 năm, rồi vào làm các dự án khoa học cho tiểu bang, trước khi vào chính trị.

Một điểm gây chú ý của Ige: vào tháng 6/2017, sau khi Tổng Thống Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Paris về biến đổi khí hậu, Ige ký 2 đạo luật trong đó cam kết rằng tiểu bang Hawaii sẽ thực hiện mục tiêu giảm khói  nhà kính như Hiệp Định Paris đòi hỏi, và thiết lập ủy ban đặc nhiệm về giữ đất màu mỡ và giảm khói carbon. Bản dịch như sau.


***


Thống Đốc Hawaii, David Ige, nói về

Phật giáo và Chính trị trong Thời Đại của Trump.


Phóng viên Critina Moon, tạp chí Lion's Roar, ngày 26/11/2018.


Thống Đốc David Ige — một trong những chính khách Phật tử nổi bật nhất của Hoa Kỳ -- nói về di trú, biến đổi khí hậu, và từ bi trong khi cầm quyền.

Vào ngày 6 tháng 11/2018, Ige, đương quyền Thống Đốc Hawaii, thắng nhiệm kỳ thứ nhì. Ông sẽ đối phó với một vài thách thức độc đáo, vì Hawaii nằm nơi chiến lược giữa Hoa Kỳ và Châu Á, và gặp những đe dọa gay gắt vì nạn biến đổi khí hậu. Riêng hồi năm ngoái, tiểu bang đã có một cuộc báo động nhầm lẫn về phi đạn loại đạn đạo bắn tới [Hawaii], và trận bão lụt dữ dội nhất trong lịch sử ghi lại. Hawaii cũng có một trong những mật độ tập trung cao nhất về di dân tại Hoa Kỳ, nhiều người trong đó sợ hãi vì chính sách chống di dân của Trump. Phóng viên Cristina Moon nói với Ige về cách ông dự tính điều hành tiểu bang trong thời chính trị đầy thách  thức này.

-- Cristina Moon: Đối với ông Thống Đốc, là Phật tử có ý nghĩa gì?

David Ige: Là những người trưởng thành trong truyền thống Phật giáo tại Hawaii, chúng tôi luôn luôn là Phật tử, do vậy tôi không nhìn từ vị trí một Phật tử mới. Không phải như chuyện tôi  đã thay đổi tôn giáo.

Khi tôi nói chuyện với những người Mỹ gốc Nhật khác khắp Hoa Kỳ, những người di dân tới California, Seattle, Chicago, hay Washington, DC, điều quan tâm là vì, trong gần như tất cả các trường hợp, thôi thúc chính yếu là quên nơi quê cũ, để tìm cách hội nhập càng nhanh càng tốt – thử nghiệm các tôn giáo Mỹ, tìm cách vào các trường học Hoa Kỳ, và là người Mỹ càng sớm ở mức có thể.

Tôi nghĩ Hawaii rất khác với Hoa Kỳ lục địa (ghi chú của dịch giả: Hawaii là đảo, cách California 2,467 dặm; người bản xứ là gốc Polynesian). Những người bản xứ Hawaii đã mở lòng đón nhận và tôn trọng văn hóa di dân. Tại Hawaii, chúng tôi được khuyến khích nối kết với quê cũ.  Do vậy, tôi luôn luôn là một Phật tử, và không phải là cái gì tách rời ra khỏi con người của bạn bây giờ. Đó là một loại kinh nghiệm khác.

-- Có những thói quen văn hóa hay hình thức văn hóa nào tới từ Phật giáo là một phần trong khoảng đời trưởng thành của Thống Đốc?

Chúng tôi có ý thức về gia đình và cộng đồng trong truyền thống Phật giáo, như mừng Lễ hội Obon (tương tự Lễ hội Vu Lan ở VN). Các ngôi chùa có tầm quan trọng. Có một võ đường Nhu Đạo trong chùa chúng tôi. Nhiều thiếu niên nam và nữ học Nhu Đạo sau khi ở trường về. Có trường dạy tiếng Nhật và dạy Phật pháp. Trong nhiều trường hợp, ngôi chùa Phật giáo trở thành trung tâm cộng đồng, để giá trị Phật pháp thấm nhuần tất cả những gì chúng tôi làm.

-- Trong khi giữ chức Thống Đốc, ông đối phó với các cuộc khủng hoảng, như dòng chảy dung nham trên núi lửa ở Big Island, bão lụt, và biến đổi khí hậu. Các khủng hoảng này có thể tạo ra nỗi sợ sâu thẳm. Phật giáo đã cho ông một phương pháp độc đáo nào?

Tôi nhận thức rằng một phần trách nhiệm của tôi trong cương vị Thống Đốc là có thể trấn an nỗi sợ của cộng đồng – để bảo đảm họ rằng chúng ta đã sẵn sàng và có thể hành động để bảo vệ họ an toàn. Trong các trường hợp đó, cộng đồng thực sự muốn được bảo đảm rằng sự an toàn của họ là ưu tiên với các viên chức chính quyền. Tôi cố gắng bảo đảm công chúng rằng họ cần được an tâm và rằng các viên chức đang chung nhau làm việc để giữ an toàn cho mọi người.

Vài người chỉ trích tôi là thiếu cảm xúc, gần như tới mức là không quan tâm. Thực sự tôi rất mực quan tâm về cư dân. Có nhiều việc trôi qua trong tâm bạn trong khi bạn đang đối phó những thảm họa của thiên nhiên, nhưng điều quan trọng với các lãnh đạo chính quyền là phải được nhìn thấy là bình tỉnh và kiểm soát [cảm xúc] ở mức độ có thể.

-- Tâm từ bi trong khi cầm quyền có ý nghĩa gì với Thống Đốc?

Một phần trong Phật pháp được thể hiện trong cảm thức rộng hơn trong cộng đồng là về sự chăm sóc và từ bi đối với những người kém may mắn, và rằng tất cả mọi người đều cần hưởng một cuộc sống đáng quý trọng.

Trong khi tôi phục vụ những người vô gia cư, tôi có nghe từ nhiều bình phẩm, “Tại sao chúng ta chăm sóc quá nhiều cho những người vô gia cư?” Nhưng cảm thức tràn ngập nói chung là chúng ta cần giúp họ, rằng người ta không nên bị đẩy ra sống trên hè phố. Chúng ta nên làm mọi thứ có thể để bảo đảm họ có một đời sống đáng quý trọng. Đó là từ trong giá trị thâm sâu của tôi phần nhiều tương ưng với triết lý và niềm tin Phật giáo.

-- Lời dạy Phật pháp nào ảnh hưởng nhất đối với Thống Đốc?

Kiên trì, tập trung, và không để phân tâm. Và từ bi và tôn trọng đối với mọi người. Chánh nghiệp, tận lực làm những việc chính đáng trong một cách chính đáng – nhưng tôn trọng tất cả mọi quan điểm. Tôi nghĩ đó là những gì thúc đẩy tôi quyết định và về cách tôi chọn để quản trị công quyền.

-- Thống đốc đã rất tích cực trong việc chống lại nhiều chánh sách của Trump, như lệnh cấm người Hồi Giáo du hành, và lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris. Tại sao Thống Đốc thấy điều đó quan trọng đối với Hawaii?

Tôi đã biết đó là những dị biệt với chính phủ của TT Trump. Với tôi, đó là những song song lịch sử và nguyên tắc căn bản là tiểu bang và đất nước chúng ta mạnh mẽ hơn bởi vì chúng ta có di dân.

Như là một cộng đồng các di dân, điều luôn luôn làm tôi cảm hứng là nghe về những kinh nghiệm di dân từ người Phi Luật Tân, Đại Hàn, Trung Hoa và Nhật Bản – những lý do để di dân gần như luôn luôn y hệt nhau, và những kinh nghiệm có rất nhiều song song tương ưng. Nhiều người Mỹ gốc Nhật trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các sắc lệnh hành chánh của TT Trump, mà các sắc lệnh này vi hiến. Do vậy, hiển nhiên, đứng lên bênh vực di dân là điều rất quan trọng.

Chúng tôi không phải là kẻ thù. Cộng đồng chúng ta hưởng lợi từ di dân và từ các văn hóa và truyền thống mới họ mang theo vào [Mỹ]. Họ làm cho cộng đồng chúng ta tốt đẹp hơn.

Đó là một bài học tôn hãnh diện để chia sẻ khi tôi đi khắp Hoa Kỳ. Không có cộng đồng nào khác đã có những kinh nghiệm mà chúng ta đã có nơi đây, tại Hawaii. Và, tôi nghĩ chúng ta tốt đẹp hơn hầu hết các cộng đồng khắp thế iới trong việc hội nhập di dân. Chúng ta muốn giúp họ thành công và trở thành một phần trong cộng đồng chúng ta.

-- Điều gì Thống Đốc cảm thấy là thách thức lớn nhất Hawaii đang gặp bây giờ?

Tôi đã rất tích cực đối phó tình hình biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao, vì rất rõ rằng địa cầu đang trên đường tới thảm họa lớn, đặc biệt đối với các cộng đồng hải đảo. Chúng ta thấy sạt lở tăng tốc nơi bờ biển khắp tiểu bang. Bây giờ rất là tệ hại ở bờ biển phía bắc của đảo Oahu (đảo lớn thứ ba của Hawaii và là nơi thủ phủ Honolulu tọa lạc), và chúng ta thấy sạt lở lan rộng thêm.

Đối phó với biến đổi khí hậu là điều quan trọng. Chuyển hóa nền kinh tế của chúng ta và chuyển sang hệ thống năng lượng tái tạo là điều rất quan trọng. Hawaii tận lực làm phần việc của tiểu bang.

Đối phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi tầm nhìn dài hạn. Điều đó gợi tôi nhớ tới câu nói Nhật Bản, “làm cho mấy đứa con.”  Người dân Hawaii như dường cũng sẵn sàng chọn quan điểm dài hạn.

Tuyệt đối hiển nhiên. Đã có sự sẵn lòng chọn quan điểm dài hạn và để lại cho tương lai sau chúng ta một cộng đồng tốt đẹp hơn là một cộng đồng chúng ta đón nhận. Như là một cộng đồng, có một giá trị cốt tủy để công nhận rằng những gì tôi làm ảnh hưởng tới các bạn tôi và hàng xóm. Nhưng quan trọng hơn, những gì chúng ta làm như một cộng đồng thực sự ảnh hưởng tới tương lai và các con của chúng ta. Các con của các con của chúng ta xứng đáng một tương lai tốt đẹp hơn.

- Có một thông điệp nào Thống Đốc muốn độc giả của chúng tôi nghe từ Hawaii và từ ông?

Có sức mạnh trong sự đa dạng. Các cộng đồng chúng ta có thể luôn luôn hưởng lợi từ sự đa dạng. Điều bất hạnh là, trên tầm mức quốc gia, đã có một nỗ lực chia rẽ người dân dựa vào các dị biệt. Bài học chúng ta đã học tại Hawaii luôn luôn là khi chúng ta cùng nhau làm việc, chúng ta có thể làm được những điều vĩ đại.

.

Dịch từ: Hawaii Governor David Ige on Buddhism and Politics in the Age of Trump

https://www.lionsroar.com/hawaii-governor-david-ige-on-buddhism-and-politics-in-the-age-of-trump/


Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin