menu

QUAN NIỆM VỀ TRÍ KHÔN

View: 972 -     ANITA E. WOOLFOLK, Bản dịch của TLHGD       13/10/2019 07:10:22 am
QUAN NIỆM VỀ TRÍ KHÔN
QUAN NIỆM VỀ TRÍ KHÔN
QUAN NIỆM VỀ TRÍ KHÔN
ANITA E. WOOLFOLK

Bản dịch của TLHGD


TRÍ KHÔN NGHĨA LÀ GÌ?

Sự khác biệt về trí khôn giữa các cá nhân đã được Plato bàn luận từ hơn 2000 năm trước. Phần lớn các lý thuyết ban đầu về bản chất cơ bản của trí khôn đều liên quan đến một hay cả ba đề tài sau: (1) năng lực học, (2) tổng số kiến thức có được, và (3) năng lực thích nghi với những tình huống mới và với môi trường nói chung (Robinson & Robinson 1976).

Trong TK 20, có sự tranh cãi đáng kể về nghĩa của trí khôn. Năm 1921, các nhà tâm lý học đưa ra 14 cách nhìn khác nhau về bản chất của trí khôn, được tổng kết trong tập san Journal of Educational Psychology (Neiser, 1979). Ngày nay, ý kiến vẫn chia rẽ. Một số ít nhà TLH tin rằng trí khôn chẳng là gì hơn một cái nhãn để miêu tả những kỹ năng được đo bằng các đo nghiệm về trí khôn. Nói cách khác, trí khôn là cái mà các đo nghiệm về trí khôn cho kết quả. Các nhà TLH khác tin rằng trí khôn là cái gì nhiều hơn thế. Đó là việc thích ứng với thế giới. David Wechsler, người chịu trách nhiệm về 3 trong số những đo nghiệm trí khôn thường được dùng nhất, định nghĩa trí khôn là “năng lực gộp lại hay toàn bộ của cá nhân để hành động một cách có mục đích, để suy nghĩ một cách hữu lý, và để xử sự một cách hữu hiệu với môi trường sống của mình” (Wechsler, 1958).

TRÍ KHÔN: MỘT HAY NHIỀU NĂNG LỰC?

Việc Wechsler sử dụng cụm từ “năng lực gộp lại hay toàn bộ” phản ánh một vấn đề quan trọng và chưa được giải quyết về bản chất của trí khôn. Một số nhà lý thuyết tin rằng trí khôn là năng lực căn bản tác động đến hiệu năng thực hiện mọi nhiệm vụ liên quan đến nhận thức. Một người “khôn” (thông minh) sẽ làm tốt việc giải các bài toán, phân tích thơ, làm bài thi về sử, và giải các câu đố… Chứng cứ là từ những đánh giá tương liên qua các cuộc đo nghiệm về trí khôn. Nhưng những tương liên này không hoàn hảo. Chẳng hạn, sự tương liên giữa điểm số của trẻ trong một đo nghiệm về từ vựng và điểm số trong một đo nghiệm về thực kiện (fact) và kiến thức là .69. Điểm số trong cùng đo nghiệm trên về từ vựng tương liên với thành tích trong một đo nghiệm về trí nhớ hay loạt con số thì chỉ là .38. Điểm số về từ vựng và trí nhớ có liên quan nhưng lại không liên quan nhiều. Làm sao giải thích điều ấy?

Nhiều cách tiếp cận đã được dùng để giải thích những mối quan hệ không hoàn hảo giữa các năng lực thực hiện những kiểu loại nhiệm vụ tâm trí khác nhau. Charles Spearman (1927) cho rằng có một thuộc tính tâm trí mà ông gọi là g hay trí khôn tổng quát, nó được sử dụng để thực hiện mọi đo nghiệm tâm trí. Nhưng nhân tố g mình nó không thể giải thích thành tích trong mọi đo nghiệm tâm trí, vì sự tương liên giữa các điểm số đo nghiệm không hoàn hảo. Vì vậy Spearman cho rằng mỗi đo nghiệm đòi hỏi những năng lực chuyên biệt cộng thêm vào g (năng lực tổng quát). Chẳng hạn, thành tích trong đo nghiệm về trí nhớ con số có thể liên quan đến cả g lẫn một năng lực chuyên biệt về sự nhớ lại cái đã nghe thấy. Spearman giả định rằng các cá nhân khác nhau về cả trí khôn tổng quát lẫn các năng lực chuyên biệt và tất cả những nhân tố ấy cùng nhau sẽ xác định hiệu năng về các nhiệm vụ tâm trí.

Những người phê phán Spearman nhấn mạnh rằng có nhiều chứ không chỉ một “năng lực tâm trí sơ cấp”. Thurstone (1938) liệt kê sự hiểu ngôn từ, trí nhớ, óc suy luận, năng lực thị giác những quan hệ không gian, năng lực về con số, sự ăn nói trôi chảy, và tốc độ tri giác (giác tri). Nhưng các đo nghiệm về những nhân tố “riêng rẽ” ấy cho thấy năng lực về một địa hạt tương liên với năng lực về các địa hạt khác. Ngay cả khi người ta có chiều hướng trội hơn trong một số đo nghiệm nhất định, thì nhìn chung những ai có điểm số cao trong đo nghiệm về suy luận sẽ làm tốt đo nghiệm về quan hệ không gian, trong khi điểm số thấp trong đo nghiệm ngôn từ thường đi đôi với điểm số thấp về năng lực con số, ăn nói và v.v.

J.P. Guilford (1967) và Howard Gardner (1983) là những người có tiếng nhất về quan niệm đa dạng năng lực nhận thức. Guilford cho rằng có 3 loại hình căn bản, hay các mặt của trí khôn: các thao tác tâm trí, hay tiến trình suy nghĩ; các nội dung, hay điều ta suy nghĩ, và các sản phẩm, hay kết quả cuối cùng của suy nghĩ. Các thao tác tâm trí được chia làm 5 tiểu loại: nhận thức/ thức nhận (nhận ra thông tin cũ và khám phá thông tin mới), suy nghĩ đồng quy (ở chỗ chỉ có một câu trả lời hay giải pháp), đánh giá (các quyết định về mức độ tốt, chuẩn xác, hay thích hợp của một sự việc), và cuối cùng là trí nhớ. Các nội dung mà người ta thao tác cũng chia làm 4 tiểu loại: hình ảnh thị giác, nghĩa của từ ngữ, biểu tượng và hành vi. Các sản phẩm khác nhau như kết quả của suy nghĩ có thể chia thành 6 tiểu loại: đơn vị, lớp hạng, quan hệ, hệ thống, chuyển hoá và bao hàm.

Theo cách nhìn này, thực hiện 1 nhiệm vụ nhận thức về cốt tuỷ là thực hiện một thao tác nhận thức với một nội dung nào đó nhằm có được một sản phẩm. Thí dụ: liệt kê con số tiếp theo trong dãy số 3, 6, 12, 24… đòi hỏi một thao tác đồng quy (chỉ có một đáp số) với nội dung tượng trưng (các con số) để có được một sản phẩm về mối quan hệ (mỗi con số gấp đôi con số trước nó).

Hãy thử suy nghĩ xem có bao nhiêu sự kết hợp thao tác, nội dung và sản phẩm. Ta có thể tính là 120 hay 5 x 4 x 6. Guilford cho rằng mỗi người đều khác nhau trong từng năng lực trong số 120 năng lực. Các đo nghiệm đã được triển khai cho nhiều trong số 120 địa hạt, nhưng một số năng lực chỉ tồn tại trên lý thuyết.

Howard Gardner (1983) đã đề nghị một “lý thuyết về nhiều loại trí khôn”. Theo ông, có ít nhất 7 loại trí khôn riêng rẽ: ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, logic-toán, cơ thể, hiểu biết bản thân, và hiểu người khác. Ý niệm nhiều loại trí khôn của Gardner có phần dựa vào chứng cứ là: một tổn thương não chẳng hạn, thường can thiệp vào sự vận hành trong một địa hạt như ngôn ngữ nhưng không tác động đến những địa hạt khác. Gardner cũng ghi nhận rằng các cá nhân thường xuất sắc trong một địa hạt nhưng không có năng lực đáng lưu ý trong những địa hạt khác.

MỘT CÁCH NHÌN TRÍ KHÔN NHIỀU THÀNH TỐ

Trong những năm gần đây, các nhà TLH đã tìm cách nghiên cứu sự phát triển nhận thức/ thức nhận và tiến trình hướng dẫn thông tin trong việc hiểu về trí khôn. Một số nhà TLH đã tập chú vào các tiến trình tâm trí mà con người sử dụng để giải quyết các bài toán, cả trong những đo nghiệm về trí khôn lẫn trong đời sống. Một cách nhìn mới về trí khôn đang nổi lên. Một cách tiếp cận là “một tiến trình thông tin sơ cấp thao tác trên những biểu trưng nội tâm của các sự vật hay biểu tượng” (Sternberg, 1987). Các thành tố được phân loại theo chức năng mà chúng phục vụ và bằng mức độ khái quát của chúng. Có ít nhất 3 chức năng khác nhau. Chức năng đầu tiên – kế hoạch hoá có tổ chức cao, lựa chọn chiến lược, và giám sát – được thực hiện bởi các thành tố siêu hình [metacomponent]. Thí dụ như: nhận dạng bài toán, phân bổ sự chú ý, và giám sát xem một chiến lược cụ thể vận hành tốt đến mức nào. Một tên khác của chức năng mà các thành tố siêu hình phục vụ là siêu nhận thức [metacognition]. Chức năng thứ hai - thực hiện chiến lược đã chọn – được phục vụ bởi những thành tố hiệu năng [performance components]. Một thành tố hiệu năng cho phép ta tri nhận và lưu giữ thông tin mới. Chức năng thứ ba – đạt được kiến thức mới – được thực hiện bởi các thành tố kiến thức-thủ đắc [knowledge-acquisitions components], như là tách biệt thông tin thích đáng với thông tin không thích đáng khi ta thử hiểu một khái niệm mới (Sternberg, 1985).

Một số thành tố là chuyên biệt; chúng là cần cho một loại nhiệm vụ nhất định. Chẳng hạn, để giải quyết sự tương tự trong ngôn từ, ta phải có năng lực suy luận mối quan hệ giữa các từ liên quan, nhưng khi làm các phép tính số học thì không cần suy luận. Những thành tố khác có tính khái quát cao và có thể cần cho hầu hết nhiệm vụ nhận thức. Chẳng hạn, các thành tố siêu hình luôn luôn thao tác để chọn lựa các chiến lược và theo dõi các tiến bộ. Điều này có thể giải thích sự tương liên giữa mọi kiểu đo nghiệm tâm trí. Những người hữu hiệu trong việc chọn các chiến lược giải bài toán, giám sát sự tiến bộ, và chuyển qua một cách tiếp cận mới khi cách cũ thất bại, thì dễ thành công hơn trong mọi kiểu đo nghiệm. Và ngược lại. Các thành tố siêu hình có thể là phiên bản hiện đại của nhân tố g của Spearman.

Mặc dù quan điểm các thành tố trí khôn còn bị tranh cãi, nó gợi ra một cách liên lạc giữa các năng lực tâm trí với nhau và giữa các năng lực ấy với những tiến trình tư duy nằm bên dưới chúng. Nghiên cứu tới đây [bài này viết trong thập niên 1980 – ND] sẽ cho ta những manh mối thú vị để hiểu những gì liên quan đến trí khôn và các hành động trí khôn.

Nguồn: Education Psychology (Prentice-Hall, Inc. Englewood Cliffs, N.J. 07632)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin