menu

QUÝ TỘC - TRONG PHẬT GIÁO NGHĨA LÀ GÌ? ॐ ĐÃNH LỄ BẬC NHẤT THIẾT TRÍ

View: 1708 -     Pháp Hiền cư sỹ       20/10/2018 07:10:18 am
QUÝ TỘC - TRONG PHẬT GIÁO NGHĨA LÀ GÌ? ॐ ĐÃNH LỄ BẬC NHẤT THIẾT TRÍ
QUÝ TỘC - TRONG PHẬT GIÁO NGHĨA LÀ GÌ? ॐ ĐÃNH LỄ BẬC NHẤT THIẾT TRÍ

QUÝ TỘC - TRONG PHẬT GIÁO NGHĨA LÀ GÌ?
ॐ ĐÃNH LỄ BẬC NHẤT THIẾT TRÍ
Pháp Hiền cư sỹ


Vấn đề đặt ra sẽ chạm đến, nói theo Heidegger[*], một chủ luận rất rộng, có nghĩa là bản chất của thể tài sẽ đi theo một hướng vô hướng và nhờ thế, ta có thể thao túng luận điểm của mình theo tính đa phương. Tuy rằng, ngữ nguyên (etymology) của thuật ngữ ấy, nói chung được thấy từ xứ sở của mặt trời lặn, thế nhưng, Phật giáo (Buddhism) và những quy nghĩa về thuật ngữ này là gì theo từ nguyên của nó và từ nơi Kinh điển? QUÝ TỘC - và tại sao Phật giáo, theo tôi, cần phải được vinh danh là tôn giáo [của] “quý tộc”.
Một thời, khi tư tưởng Tây Phương bế tắc, nhất là vào thế kỷ thứ 17, thì người ta bắt đầu một cuộc hành trình về phương mặt trời mọc – ánh sáng đến từ phương Đông – thế nhưng, cuộc hành trình đó mãi cho đến nửa thế kỷ thứ 20 (Beiträge zum Ost-West-Dialog des Denkens im 20 Jarhundert – Mit einer Würdigung Heideggers aus Buddhischer Sicht von Hell Heckert. Verlag Beyerlin und Steischulte. 2007), thì nó mới bắt đều hiển tướng, với tiêu danh – cuộc đối thoại Đông-Tây và, điều đáng nói là cuộc đối thoại này, do chính Tây Phương phát động, còn người Đông phương với tính trầm lặng và đưa tính trầm lặng của mình vào một giấc ngủ quá sâu, đến độ phải nhờ đến bước chân khai phá của Tây Phương, ta mới tạm cựa mình và…ngủ tiếp.
Do vậy, mọi công trình khai phá, phôi dựng, đưa tới uyên nghĩa hiển ngôn, đều phải “lập cước” trên hầu hết những văn bản, văn cảnh, chú giải, có hệ thống của Tây Phương. Thậm chí, một rừng thuật ngữ pháp ngữ, đạo ngữ, tôn giáo ngữ của Đông Phương đã vô tình nhốt kín hầu như vĩnh cửu của chính vùng đất huyền ảo này mà người khai phá, mở toang cánh cửa để ta bước ra từ khu rừng rậm rạp của mình, lại chính là đại công của Tây Phương.
HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG, là hành trình của người Tây Phương, chớ không phải của chính người Đông phương. Việc xác nhận này, đưa ta tới một thức tỉnh trên thế giới “ngủ mê” của mình và lắng diệt niềm tự hào muôn thuở của chúng ta.
Ánh sáng đến từ phương Đông, nhưng ta phải học bản chất của ánh sáng tại ngay nơi mặt trời lặn – phương Tây, hoàng hôn của ánh sáng.
Trở lại, nếu như cho rằng, trên mặt thế tục, Phật giáo là một tôn giáo “vô phân biệt”, thì đấy là một loại quan điểm sai lầm. Đạo Phật, luôn phân biệt, thế nào là “phàm”, thế nào là “thánh”, thế nào là trọng nghiệp, thế nào là khinh nghiệp…thậm chí, trên phương diện “Thắng Nghĩa Đế”, Phật giáo còn phân biệt những giai đoạn thiền định – từ sơ thiền cho đến đệ tứ thiền. Từ sơ thiền cho đến giai vị Diệt Thọ Tưởng Định. Từ Diệt Thọ Tưởng Định đến “nhập niết bàn” và nhất là nguyện “bất nhập niết bàn” để độ rốt ráo quần sinh. Phật giáo còn phân biệt giữa tịnh độ và uế độ. Giữ tịnh độ thường tịch quang và tịnh độ phàm-thánh-đồng-cư….những phân biệt như thế được xét trên trí tuệ quán chiếu, tức là được xét trên phương diện am hiểu về lý duyên sinh…rồi, ở mức độ nào đó, bằng động cơ của nguyện, là một liên kết giữa duyên sinh và đại bi hoặc sự nhất thế của TRÍ VÀ BI. 
Những ai cho rằng, đạo Phật là đạo vô phân biệt, thì họ là những vị đứng trên cơ sở nhất thể, hay vị trí Thánh đế mà tuyên bố, còn ta, chính xác là “tôi” vì chưa đủ hoặc biết ở đó là đâu, nên những gì tôi muốn phát biểu, nằm ngay trên thế giới trần tục này – ĐẠO PHẬT LUÔN LÀ ĐẠO CỦA PHÂN BIỆT.
Nói như thế, để chúng ta biết rằng, TỤC ĐẾ, là con đường thênh thang nhất, để chúng ta dễ đi hơn là đi từ THÁNH ĐẾ, đi xuống theo cách nguyện độ sinh – tôi vẫn còn là hạng phạm phu “hạng bét” – phát ngôn sẽ ngay trong việc sám hối của mình, nếu xét có đôi điều lầm lỡ.
Có một việc mà ta phải nhớ rằng, yếu tính của đại luận phẩm Câu Xá, chỉ nằm trong hai chữ “PHÂN BIỆT – Bhāṣyam” mà thôi.
Thật vậy, nếu như là một Phật tử, dù Tăng hay Tục, thì con đường dẫn vào Thánh Đế, chính là lộ trình của Câu Xá. Đây là lý do vì sao thầy Tuệ Sỹ đã dùng hơn nữa phần đời còn lại của mình để dịch bộ luận Câu xá này và giờ đây ta có được tới phẩm thứ năm rồi vậy.
Phẩm chất đặc thắng của dịch bản, là mỗi một phẩm đều có lời giới thiệu của dịch giả, vạch ra những chân trời thăm thẳm của mỗi một luận phẩm. Có thể nói, từng chương giới thiệu, là từng giáo trình uyên bác, chi tiết và quang minh cho từng đề mục của luận phẩm. Có thể nói, qua năm công trình biên dịch giảng luận của thầy, được cho là hàng ngàn sự ánh diệu của mỗi một viên kim cương, chặt dứt những phân biệt si mê của chúng ta về “PHÂN BIỆT – Bhāṣyam” và tỏa sáng vào trong tất cả những gì không thể phân biệt được, và hơn hết, dịch bản vạch cho ta thấy những cố ý sai lầm của một số dịch giả Tây Phương, khi dụng ngữ, thuật ngữ, hạn từ của họ khi dịch Câu Xá Luận đều cố ý quy thú vào nghĩa ngôn của Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, trong dịch bản, thầy không bao giờ đề cập đến. 
Khi xưa về học Câu Xá với thầy, toàn bộ học viên chúng tôi, đều có thể xử lý khoảng bốn đến năm ngoại ngữ và, nhờ thế chúng tôi càng tôn trọng phẩm chất của thầy mình – tôn trọng con đường học thuật và cách giảng dạy uyên bác của thầy. Cái tinh túy “quý tộc” như vậy, không chỉ đơn giản là tri thức, nhà cửa, tài sản, dòng dõi là có thể tự xưng là “quý tộc” được chăng?
Và, như thế, theo tôi, thầy – Tuệ Sỹ - chính là bậc thượng lưu quý tộc và, ta không thể còn bất cứ danh xưng nào xứng đáng hơn dành cho thầy qua ngữ ngôn của thế gian bụi bặm này.
Câu Xá Luận, có thể được xem như là bộ bách khoa toàn thư của Phật giáo, nó bao trùm luôn cả những ẩn ngữ mà bộ luận Đại Tỳ Bà Sa chưa hiển tướng. Và khi tham học Câu Xá rồi, thì lúc đó, ta sẽ sử dụng những hạn từ như: phân biệt, vô phân biệt, tánh tướng, đắc, phi đắc…như thế nào là chính xác và trân trọng…ta sẽ sử dụng thuật ngữ Phật giáo Đại thừa và những khác biệt giữa Đại thừa và Phật giáo nguyên thủy như ra sao v.vv…trong những phát biểu của mình, dù chỉ là phát biểu trong “phe nhóm” của ta với những tán dương “ngây ngô”, không cần dè dặt.
Bởi vì, khi đã nắm được ngữ nghĩa ngữ nguồn của bất cứ ngôn ngữ nào, thì độ tác động từ sự cảm thụ của ta sẽ trở thành là nguồn sáng tạo ngữ ngôn cho những chân trời lập thể trong tạng Thanh Văn Bình Đẳng nơi mỗi chúng ta vốn có.
Tác dụng của học, có thể tương quan đến cõi tu hành, trong khi đó thuần tu, bao giờ cũng chờ đến giai đoạn Tam Minh, mới chuyển thức vào tánh trí mà nó là cái cần huân tập trên tri thức thường nghiệm.
Sự khác biệt của “bà lão niệm Phật”, chính là vãng sinh Tịnh Độ, còn tri thức thì có thể phản ảnh cõi Phật nhưng không thể vãng sinh. Tuy nhiên, càng nhiều nhận thức liên quan đến lòng bi thì càng nhiều tư duy tư tưởng cống hiến và ngược lại, càng nhiều tư duy tư tưởng mà ít học thức kém yêu thương, thì chỉ nghĩ đến cách lấy của người khác làm của riêng mình mà thôi.
Sự chuẩn mực của học thuật, giúp ta hiểu rõ và nắm vững tôn giáo mình đang theo, một tôn giáo lấy trí tuệ làm căn bản như chính danh xưng của nó – Buddhism.
Rất không may, một số người nào đó không chịu học vì lười biếng hay chưa có cơ hội học tập Phật học, nhưng may mắn “chớp” được một ít pháp ngữ nơi Kinh điển, nơi Thiền tông, chẳng hạn, sắc tức không, tự tánh vô phân biệt, gặp tổ sát tổ phùng Phật diệt Phật, vạn pháp chỉ là một và bất lập văn tự kiến tánh thành Phật, trong pháp giới thể tuyệt không có ngữ ngôn v.vv…Họ trưng những biểu ngữ này lên nhằm che đậy sự dốt nát của mình. Y như người ngèo dốt, thấy ai sang giàu học thức, đem tâm thù ghét và chực chờ hãm hại nhằm thỏa mãn sự dốt nát nghèo túng của mình và, buồn cười hơn, người tự cho là nắm được sắc tức thị không… lại luôn vô tư với chính cái không biết của mình và cho đó là…vô trí diệc vô đắc. Đối với họ, chỉ đưa ra hai chữ thầy tổ ra là đủ rồi, thậm chí, sự kiêu hãnh của họ là khi được quy y nơi một vị thầy nào đó được cho là đã chứng ngộ. Làm như, khi Quy Y Tam Bảo, Quy y với vị đó, là ta đã thành Phật toàn diện rồi vậy.
Chưa hết, khi Quy Y Tam Bảo, một số người đi tìm một thầy Tây, ngoại quốc nào đó, càng Quy Y nhiều các vị như vậy càng “mau đắc đạo” và càng tô thêm khuôn mặt son phấn của mình càng lúc càng dầy thêm “nét đẹp”.
Chính vì điều đó, Phật giáo đã, thay vì được phổ quát, nhập vào những vùng uyên mặc nhất của tâm linh nhân loại như danh xưng của nó, thì tôn giáo ấy, một phần nào đó đã trở thành biểu ngữ của đám đông với thiệu ngữ cấp cao, bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật…hoặc “bố thí cúng dường tạo phước điền”.
Thực trạng này là miếng mồi ngon cho những ai “đầu cơ” đức tin và “từ thiện chánh kiến”.
Quý tộc, ngữ nguyên của nó, nếu xét theo khuynh hướng Tây Phương, thì nó có nguồn gốc từ tiếng Latin - nobilitas – đây là một danh từ trừu tượng phái sinh từ căn tố (√nobilito - xuất chúng do trí tuệ và từ sự lẫy lừng của dòng dõi). Thêm nữa, nobilitas – là một danh ngữ trừu thể (abtraction) có tính ngữ là nobilis – trí tuệ khéo léo, tức trí lực hay thiện trí (well-know). Và người Pháp dịch là: Qui peut être connu, qu’on peur voir, connu, célébre, fameux.. – người có thể có được tri thức, tri kiến, nổi tiếng, dòng dõi có truyền thống cao sang. Như vậy, ở một chừng mực, lịch sử cho biết rằng, thiện trí, trí thức, học thức, trí lực…là thành viên tất yếu của “quý tộc”. Quý tộc, theo ngữ nguyên Latin, một cách tương đối, không có nghĩa là; đi xe sang, ở biệt thự, có quyền lực, thuộc về hệ thống quyền lực, bằng cấp học vị đóng khung, thì có thể dự phần vào cái danh xưng, thực chất là trống rỗng ấy.
Ngữ nguyên Latin cho biết rằng, tất cả những phạm trù vừa nêu “đi xe sang, ở biệt thự…”, là mặt nổi không đáng kể của cái gọi là quý tộc, bởi vì nó thiếu cái đặc trưng “xuất chúng vì học hạnh - Qui peut être connu” và, trí lực, không nhất thiết là phải sinh ra từ dòng dõi thượng lưu – đem quyền lực đặt tên cho cái ghế, chỗ ngồi của mình. Chẳng hạn, học hạnh của quý ông thượng lưu nơi chiếc du thuyền Titanic – nhường chiếc phao cứu sinh của mình cho trẻ em và phụ nữ; còn quý tộc, theo dòng lịch sử hiện tại, là lấy ‘phao cứu sinh của toàn xã hội” làm thế đứng, cơ ngơi của mình – sự khác biệt như thế làm nên xã hội “thượng lưu” và người cùng khổ - giai cấp thống trị và bị trị.
Trí lực, theo ngữ nguyên Latin, cho phép ta quan niệm rằng, hễ ai mà đạt tới “cõi” nobilis với tính phổ quát và không bị ngăn ngại bởi những biến thiên sử tính, thì người đó được kể là quý tộc, cho dù xuất thân họ là “bần cố nông” đi nữa. Chẳng hạn, Einstein, ngay cho dù xuất thân của ông là dòng dõi “làm ruộng”, thì trí tuệ và những thành quả mà ông dành cho nhân loại này đã khiến ông là một QUÝ ÔNG, bao tán dương còn chưa đủ nữa.
Ở đây, QUÝ TỘC, luôn hàm nghĩa văn minh và mang đến văn minh cho nhân loại, dù văn minh ấy chỉ là văn minh thế tục – một công thức vật lý của Einstein đã “bị” chế thành bom nguyên tử. 
Thêm nữa, chẳng hạn, bằng cấp tiến sỹ ở Việt Nam, chỉ có giá trị tuyệt đối ở Việt Nam và sẽ có giá trị tương đối ở Tây Phương – muốn có giá trị phổ quát, ta phải đi “tu nghiệp” - có nghĩa là học vị của ta bị đóng khung bởi thể chế của đất nước mình, trình độ danh giá của đất nước, bản chất “học thuật” của đất nước và thực tế là, nó thiếu tính tri kiến toàn cầu và bị sử tính ngăn ngại. Thế nên, thí dụ, học vị tiến sỹ ở Thụy Sĩ có giá trị tới mấy lần hơn ở các nước Á Châu, trừ Nhật bản và Singapore. Bằng cấp tốt nghiệp ngôn ngữ hay khoa học ở Mỹ, Đức, Anh quốc, có giá trị nhiều lần hơn, một cách rất buồn ở một số nước Á Châu lạc hậu và hầu hết, “giới quý tộc” ở các vùng đất này đều là du học sinh của các nước Tây-Âu. Tuy nhiên, giá trị sử dụng ở đây, còn tùy thuộc vào sử tính và các thẩm sát của chính đất nước ấy. Có nghĩa rằng tính hạn chế của một danh xưng, nếu thiếu cái cột mốc của việc toàn cầu hóa, thì danh xưng ấy chỉ mang hình thái và nội dung cục bộ sở tại mà thôi, y như danh xưng quý tộc, tinh hoa gì đó hiện tại đang nở rộ lên tại Việt Nam.
Để phủ định bản chất tự thị của người giàu có mà thiếu trí – hạ lưu quý tộc - thì Latin – định nghĩa mặt ẩn của cái gọi là quý tộc ấy – neque is umquam nobilis fui [**]– tôi chưa thể có được tính chất trí tuệ của những vị ấy - tôi là kẻ ingnorantia.
Như vậy, ngay cả Tây Phương, cho dù có xảy ra bất cứ cuộc đấu tranh giai cấp nào, thì giai cấp cuối cùng cần đạt tới, chính là noblis – trí tuệ và trí tuệ toàn hảo; y như khi ta đỗ tiến sỹ ở một trường đại học danh giá nào đó, thì có nghĩa rằng, ta đi tới đâu cũng được trọng dụng. Ý nghĩa của nobilis là thế.
Và, tất nhiên, Tây Phương hiện đại không ngu gì “bóc lột” người nghèo và cũng không bao giờ đấu tranh giành lấy cái ‘giàu” mà, thực tế họ đang đấu tranh giành lấy tri thức toàn cầu hay tri thức về vũ trụ - sức mạnh của cơ bắp, nếu có thể.
Trong tiếng Hy Lạp, QUÝ TỘC, được cộng thông qua năm nhóm:
1/ Ευγενης - Nhóm tầng lớp, tức là nhóm ưu tú (eugenics – nhóm được giáo dục trong môi trường danh giá với những bậc thầy danh giá để người học trở thành những người ưu tú) – eugenis. 
2/ Υψηλοφρων - Nhóm đặc chất, tức là nhóm có tâm thức tối thượng – Upsilophron – 
3/ Γενναιος – nhóm năng động, tức là nhóm chiến binh dũng cảm – Gennaios – dám hy sinh thân và trí cho tính toàn cầu nêu trên.
4/ Μεγαλοπρεπις – nhóm hào phóng, tức là nhóm cống hiến bằng sáng tạo khoa học, bằng niềm đam mê thật sự cho sáng tạo, tâm tuệ thí - Megaloprepis
5/ Υενναιως – nhóm quý phái. Nhóm quý phái – Gennaios, tức là nhóm có di truyền hay truyền thống giàu có, dũng cảm và được công nhận phổ quát. (Gennaios. P. 410.) [***]
Như vậy, theo Hy Lạp, một người được gọi là quý tộc (nobleman / eugenics), hầu như phải hội đủ năm yếu tố này. Và, có thể đây là thang điểm hoặc ngưỡng dành cho các nhà lãnh đạo Tây Phương, thậm chí là ngưỡng dành các nhà lãnh đạo tinh thần, bởi vì Upsilophron, nguyên nghĩa là: có được tâm thức tối thượng, cộng với các yếu tố dũng cảm (Gennaios). 
Do vậy, khi dùng một thuật ngữ nào đó, thì ta cần phải nắm vững từ-tộc, từ nguyên, và sử tính-tính sử biến thiên, khuynh hướng cục bộ của nó, chớ không, người ta sẽ cười mình – một thùng rỗng đang kêu-chờ chứa rác. 
Quý tộc, trên mặt ngữ nguyên, thì trí thức vẫn luôn là ngón tay trỏ của nó vì, trí tuệ làm nên văn minh, chớ không phải là ‘bản sao” của sự văn minh – những ai từ một trường đào tạo danh giá nào đó bước ra, thì không thể gọi là hạ lưu được.
Trên thực tế, nobilitas của Latin có đồng ngữ tộc với tiếng Arabic – alnabiil (ṣafā).
Alnabiil (ṣafā), có cùng các tố‎ nghĩa và quan điểm của Hy Lạp: qu‎ý tộc (alnnubilā / noble), dòng dõi lẩy lừng (nabīl / highbred), tâm thức tối thượng (ṣafā / high-minded), tâm thức cao quý (noble-minded), tâm hồn thanh cao ( maṭhūra / magnanimous), từ bi đại lượng, đại khoan dung (generous) và tính thanh cao hay người có đạo tâm (nobility / alnnuballā).
Như vậy, những thành tố, theo Arabic, để chỉ cho một người quý tộc tương đồng với quan điểm của Latin. [****]
Như đã nói, khi phát ngôn một vấn đề gì mang tính “thuật ngữ”, nói chính xác là mang tính quan điểm, ta không thể không dựa trên vốn hiểu biết cơ bản về thuật ngữ ấy, về nội dung thuật ngữ ấy chuyển tải và chuyển tải như thế nào với hoàn cảnh đương đại.
Lùi lại một chút xa về thời cổ đại Ai Cập và một số minh họa về thuật ngữ quý tộc. Việc lùi trở lại một chút này, giúp ta thoát khỏi những ám ảnh (obsession) của tiếng Latin, bởi vì thời đại của ngôn ngữ hình tròn, tức là chữ viết Latin hóa ngày nay ta sử dụng, là một bản sao “thành ngôn ngữ” của chính hình ảnh điệp trùng hay tập khí (vāsanā) trong tâm thức của chúng ta, còn, ngôn ngữ của thời kỳ cổ đại Á Rập hoặc Hán ngữ, là ngôn ngữ được phát họa bằng hình trực tiếp từ tâm thức của người cổ đại và đó là kim chỉ nam cho thời đại văn minh ngữ nghĩa học của và cho chúng ta ngày nay.
Người Á rập có một câu nói trứ danh, như sau:
mīn fāt qadīmub tāb
(Kẻ lạc đường là người đánh mất quá khứ của mình). 
Nghĩa ‘đen” của điển ngữ này, ám chỉ người “ăn cướp” quá khứ của người khác – người có nguồn gốc từ sa mạc – kẻ đánh mất quá khứ của mình. 
Điển ngữ này nhằm minh định và nhắc nhở một phát ngôn cần kéo theo nguyên nghĩa và vị trí của nó.
Trong cổ ngữ Ai Cập, chữ quý tộc được tượng hình (hieroglyph) bằng: 
1/ con chim và cái miệng ( u): tượng trưng cho lời nói cao viễn như cánh chim lấy bầu trời làm trú xứ mà con người phàm tục chỉ biết dõi trông, mơ bay.
2/ Tượng trưng cho sự lãnh đạo ( uwr’, ūr’), bao gồm: lời nói cao viễn ( u), sự thành thục ( w), biểu tượng “cước căn điểm địa” cộng với phẩm tính của một thiên thần ( r’).
3/ Dòng dõi vương quyền (hoàng tử) ( uw), chỉ cho họa tiết của lời nói cao viễn và quyền trượng.
4/ Và bậc trí tuệ hay cao quý, ảnh họa mô tả ( wṝ) phẩm chất thiên thần tuyên bố lời nghiệm chứng bằng lịch trình già dặn của mình.[*****]
Một vài ý niệm có tính “quốc tế” trong tri kiến giới hạn của người viết và, đương nhiên – quý tộc – theo cách của bài viết này, chỉ là những quy ước mang tính thế tục, vì nó luôn có hố đen của nó. 
Thế tục quý tộc, bao giờ vẫn có những tương đối đáng ngẫm và cần bổ sung.
Tuy nhiên, ở mặt tôn giáo và tâm linh, chẳng hạn, trên “chánh kiến” của Phật giáo, thì khi phát biểu một vấn đề nào đó, dù đấy là chuyện thế tục, thì người ta vẫn y trên, trước tiên là giáo chỉ Phật và sau đó là Tam Bảo, tức là phải y trên ý chỉ chư thánh đức để “lập ngôn”. 
Đây là sự khác biệt của những ai quy kính Tam Bảo bằng những lập ngôn kém tri kiến, nhất là những phát biểu vì “đám đông”, vì ngã kiến của chính mình và một ít kiêu hãnh khờ, vụ lợi, ngược với những ai mà Tam Bảo đã thành là những đóa sen tâm trong họ.
Thí dụ, khi ta tham học Luận Tánh Không của ngài Long Thọ, nếu sự tham học của ta như là một lớp son phấn để tô vẻ khoe thân mình, thì cái học đó vô ích, vì nó không dẫn ta đến một cảm nghiệm thật sự nào về giáo chỉ vĩ đại này.
Nói cách khác, chẳng hạn, khi ta đọc dịch bản LỜI CỐ QUẬN của Martin Heidegger, do Bùi Giáng dịch, cho dù, ta có vỗ tay tán thưởng với độ cảm thụ tinh tế nhất và bằng, một cách cuồng nhiệt nhất, thì ta vẫn không thể đứng ngang với người “đọc” Bùi Giáng qua nguyên ngữ nguyên ngôn của bản văn ấy. Bởi vì, lúc bấy giờ, không những ta cảm thụ được tính tài hoa của người dịch (cảm thụ đồng cách tiếng Việt của mình sao mà lại diệu kỳ như thế) mà, ta còn cảm thụ luôn tri thức khổng lồ khi luận về thi ca của M.Heidegger nữa.
Bấy giờ, tiếng vỗ tay dành cho Bùi Giáng, có thể sẽ được toàn diện hơn. Ở đây, không kể, những ai “nịnh bợ” vì danh của Bùi Giáng, hơn là trái tim ta có cùng một nhịp với nhà thơ tuyệt vời này mà, theo tôi, ông đã hé lộ ra thêm những bí ẩn, huyền vi của Việt ngữ và Việt ngữ học, sau khi Nguyễn Du xuất thế.
Tôi trọng Bùi Giáng vì sự hé lộ cho tôi cái ánh sáng mầu nhiệm của tiếng Việt, vốn dần bị nhận chìm, hơn là xem ông như một thiền sư thy sỹ như tự ông và nhiều người đã cho như vậy. 
Dáng vẻ của Bùi Giáng, không làm ta xem ông là bậc hạ lưu được.
Sự cảm thụ về nguyên bản qua dịch bản, như đã đề cập, đó là một trong những tiến trình sinh xuất văn minh, vì trong sâu thẳm bát ngát của cảm thụ tính, người ta sáng tạo ra ngôn ngữ phê phán mà không cần dựa vào, tính vật lý của sử quan. Do vậy, tôn giáo học gắn liền cùng ngoại ngữ học, thậm chí ngay cả khi ta sinh ra ở Ấn Độ mà được theo học Phật, thì ta cũng cần học tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào mà ta xét thấy là có liên quan đến “bản giáo” mình và đây là cách “xâm lược tôn giáo” của tòa Thánh Vatican.
Phải nhớ là, sinh ra tại Ấn Độ, chưa chắc gì người ta biết được Phạn ngữ.
Như vậy, tiếng vỗ tay nịnh bợ, y như người nghe nhạc giao hưởng tuy không biết người ta vỗ tay vì cái gì. Thấy người ta vỗ tay, ta cũng cứ “ăn có” theo, thế thôi!
Cũng vậy, để tránh cách vỗ tay đơn điệu, lệch hướng, ta phải học luận Tánh Không như thế nào đây?
Trước tiên, ta phải tầm học với một bậc thầy, vốn có một bề dầy về bộ môn này. Ta nói một bề dầy, tức là nói, bậc thầy ấy vốn hàm dung một thực học, bản ngữ của luận bản ấy, một kinh nghiệm uyên áo và một liễu nghĩa mang tính trí thức tương quan và, chỉ bấy nhiêu đó thôi, là ta có thể tham học, cầu học với vị ấy, mà thực tế ta chưa cần đến thầy mình là bậc đã chứng đạo theo toàn nghĩa của pháp ngữ này, và như vậy, đủ để ta “nhập môn”. Và, đương nhiên, trong quá trình tham học, ta cũng cần phải có một kiến thức cơ bản cả hình thái và nội dung về ngữ nghĩa của luận bản đó – một nỗ lực tất yếu của tiến trình học tập.
Như ta biết, trên mặt lịch sử cụ thể, thì bồ tát Long Thọ, là người Ấn Độ, một mình làm tổ sư của tám tông phái Đại thừa, do vậy, ngôn ngữ truyền luận của Ngài, đương nhiên phải là tiếng Bắc Phạn. Thế thì người tham học, việc tiên yếu, là ta phải học và đọc được tiếng Bắc Phạn và những ngôn ngữ liên hệ, như Hán văn, Tây Tạng ngữ và, kế đến là một số ngôn ngữ Tây Phương; từ đó, tính duyên khởi về nhận thức ngữ nghĩa đưa tới cảm thụ văn bản-dịch bản và chú giải bản được toàn diện và hơn thế, qua đó tiềm năng sáng tạo, truyền dẫn phổ quát được thúc đẩy phát triển – phổ quát giáo chỉ Phật theo khuynh hướng toàn cầu.
Tuy nhiên, những yêu cầu ở trên, có vẻ “bất khả thi” và , giả như có một trường hợp nào đó, mà ta đột nhiên liễu ngộ, nhập luận ý của tụng bản ấy, thì quả là một điều hy hữu. Thế nhưng, thế giới này có thể cần đến một ai đó “đốn ngộ”, nhưng có vẻ không thiết thực bằng việc “tiệm ngộ” số đông, có nghĩa rằng, ta cần có một khởi trình trên một nền tảng kiên cố và mỗi bước chân ta đi phải là mỗi một diễn giải, biện chính trong sáng với những liên kết phổ biến.
Nói như thế, không có nghĩa là ta phủ định hoặc ta dám đánh giá những dịch bản từ Hán văn của chư cổ đức mình là “sai”, những tổ sư không đọc qua nguyên tác. Bởi vì, trong Phật giáo, có một loại cảm trí hiện xuất theo công phu của chư hành giả và, sự hiện xuất cảm trí này làm cho dịch ngữ của họ chính xác hơn cả những ai đã học và đọc được Phạn bản.
Thế nhưng, ta không thể có một “công phu sâu thẳm” nào như chư cổ đức của mình – ta nói nhiều hơn là học - do thế, ta chọn cách tiệm học, tiệm tu vậy.
Tôi là một Phật tử QUY Y chùa Tây Tạng Bình Dương. Lịch sử cho tôi biết rằng tổ khai sơn của mình là Hòa Thượng Nhẫn Tế đả bỏ ra gần trọn đời mình để “Tây Du Phật Quốc” tham học tinh tủy của Mật giáo Tây Tạng và cả giáo luật của xứ sở cao ngất trời này, và trong đó, chính là Ngài đã học được tiếng Tây Tạng để làm cơ sở cho tiến trình tu chứng của mình. Và, Ngài đã thành tựu ý nguyện vĩ đại ấy.
Trở lại, ngay bài kệ QUY KÍNH, thiết nghĩ, đối với ta, đến giờ đã không còn lạ lùng gì nữa và với nhu cầu chuộng tri thức cũng như trên một nền công nghệ tiên tiến như ngày hôm nay, thì bài kệ QUY KÍNH ấy, có lẽ đã hết cái chất “ghê gớm” của nó rồi.
Bài kệ QUY KÍNH:
Anirodham anutpādam anutcchedam aśāśataṃ,
Anekārtham anānārtham anāgamam anirgamaṃ,
Yaḥ pratīyasamutpādam prapañcopaśanamaṃ śivaṃ,
Deśayāmāsa saṃbuddhaḥ taṃ vande vadatāṃ varaṃ. [******]
Tụng bản Quy Kính này, có vẻ quá quen với những ai đã từng đọc Phạn văn và, cũng có thể quá quen với những ai đã từng đọc qua Hán bản. Tuy nhiên, một vài vấn đề được đặt ra, có thể sẽ khiến ta bối rối. Tất nhiên, như chủ ý của bài viết, mục đích của nó nghiêng về lĩnh vực HỌC và tuyệt đối không bao giờ và cũng không thể chạm đến trạng thái TU HÀNH.
Trước hết, ta phải khẳng định rằng, bài kệ Quy Kính này vốn là ý của Phật, được tôn giả Long Thọ “đúc lại” thành kệ, để “hiến dâng tâm tình” mình cho Phật. 
1. Ngài Long Thọ, trước tiên, 
tự đảnh lễ Phật, bậc toàn giác – vande taṃ saṃbuddhaḥ ,
2. Bậc diễn thuyết tuyệt vời nhất trong những người thuyết pháp – vadatāṃ varaṃ
3. Deśayāmāsa – Ngài đã tuyên thuyết
4. Yaḥ pratīyasamutpādam prapañcopaśanamaṃ śivaṃ - Về duyên khởi, sự dừng dứt hoàn toàn mọi suy diễn (kịch bản) được sinh ra từ những tập khí thành ngôn ngữ của tâm thức.
5. Anirodham anutpādam anutcchedam aśāśataṃ,
Anekārtham anānārtham anāgamam anirgamaṃ - Mà đó là, bất diệt, bất sinh, bất đoạn, bất thường
Bất nhất, bất dị, bất lai, bất xuất.
Bản Hán: Trung Luận – La Thập dịch
不生亦不滅,不常亦不斷,不一亦不異,不來亦不出”能說是緣善滅諸戲論我稽首禮佛諸說中第一. [*******] ĐTK 第三十册.
Bất sinh, diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất.
Năng thuyết thị nhân duyên
thiện diệt chư hý luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.
Việc liệt kê được xét như là đối bản này, sẽ giúp ta đôi phần sáng tõ về ngữ-nghĩa của tụng bản được cho là rất phổ biến trong nhiều tầng lớp Phật tử của chúng ta. Thậm chí, qua công cụ thông tin hiện đại, ta có thể nắm hết mọi ý nghĩa của bài kệ Quy Kính này.
Tuy nhiên, khi phân tích và tích hợp theo phương diện “ngữ pháp tiếng Phạn”, có thể ta sẽ bắt gặp một số chưa hài lòng về một ít dịch bản hiện đang lưu hành.
Bản thân của người viết vốn dốt về lý thuyết dịch thuật, thế nhưng, trên phương diện căn bản, bất cứ dịch bản nào, thì người dịch phải tuân thủ tuyệt đối về ngữ pháp của ngữ nguồn mà ta dịch. Ở đây, là một tụng bản bằng Phạn văn, thì người dịch – vốn là một tu sỹ người Ấn tinh thông Hán văn, cho nên, ngoài việc lập cước trên bản ngữ của mình, La Thập còn vận dụng sở học tinh tường Hán ngữ của ngài với những thủ thuật tinh hoa nhất. Tinh hoa của một người tu, vì làm cách nào, dịch ra sao để người Hán có thể dễ cảm thụ, dễ nhớ (đọc tụng thuộc lòng), dễ diễn giải và nhất là đưa tới công phu tu tập qua pháp ngữ kệ tụng này mà không mất đi tính chính xác của [ngữ pháp] Phạn văn – đây là công việc của bậc thực tu, thực học và thực chứng và, đây cũng là công việc, theo thường lý, của một nhà quý tộc – La Thập. Do ta không phải là người Hán, cho nên cái cách duy nhất là phải nắm được, dù một cách khái quát, ngữ pháp Phạn văn, để có thể không làm lệch ngữ nguồn qua chính dịch bản tiếng Hán của ông. Cách làm này, tuy hơi gian khó, nhưng vẫn an toàn hơn là làu thông Hán văn, nhưng không nắm bắt được ngữ pháp ngữ nguồn mà mình đang dịch.
Trong tám phủ định luận tụng – ta thường gọi là BẤT BÁT - xét về ngữ pháp, thì chúng hoàn toàn thuộc về danh từ giống đực với nhiệm vụ đối cách hay trực tiếp túc từ, với vĩ tố - am → - Anirodham anutpādam anutcchedam aśāśataṃ,
Anekārtham anānārtham anāgamam anirgamaṃ .
Đây là mối liên hệ hữu thể trong văn cảnh.
Vế thứ hai, ta có, phân từ quá khứ làm danh từ trung tính cũng làm nhiệm vụ đối cách, với vĩ tố - am → - vadatāṃ varaṃ.
Vì có chức năng là danh ngữ trung tính, cho nên varam, là đối cách (accusative) hoặc là chủ cách (nominative), số ít, chỉ cho sự tuyệt diệu, còn vadatāṃ cũng làm nhiệm vụ đối cách mà thuộc số nhiều, cho nên, nếu không nắm được ngữ pháp Phạn văn, ta sẽ Việt dịch theo Hán văn: bậc nói pháp nhân duyên hay nhất. 
Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Ở đây, kệ tụng quy kính này, phải tạm dịch là: Phật là một bậc diễn thuyết (hay thuyết pháp) tuyệt vời nhất trong [của] những hàng thuyết pháp.
Kế đến, là pratīyasamutpādam prapañcopaśanamaṃ śivaṃ, được La Thập dịch là: thiện diệt chư hý luận. Nếu đọc theo Hán văn, thì ta sẽ hiểu rằng: thiện diệt (善滅) – diệt (滅) là động từ, thiện (善) là trạng từ - diệt một cách khéo léo.
Dịch ra Việt ngữ như thế, không có gì là chính xác hơn nữa.
Tuy nhiên, ngữ pháp tiếng Phạn, không cho phép ta dịch như vậy. Vì sao?
Như ta biết, prapañcopaśanamaṃ là một danh từ giống đực, làm nhiệm vụ đối cách (accusative), còn śivaṃ, là tính ngữ bổ nghĩa cho prapañcopaśanamaṃ. śivaṃ, Hán dịch là thiện, cát tường, có tính hoàn hảo. Nếu nó là tính ngữ, thì nó có nghĩa là hoàn toàn, triệt đễ. Hoặc nó có nghĩa là một dự đoán, cái gì đó sẽ hình thành trong tương lai, chính xác là thành quả trong tương lai - showing signs that sth is likely to be successful in the future.
Ta thấy, trong hợp từ prapañcopaśanamaṃ, có thấp thoáng bóng dáng của căn tố up√ca → chận đứng một cái gì đó không cho phát triển. ***
Upaśanama → diệt
Prapañca → √1. pac, or pañc → phát triển. Hán dịch: Hý luận (戲論), vọng tưởng (妄想).
Vấn đề ở đây, được đặt ra là, vì sao, trên phượng diện ngữ nguyên, Prapañca → √1. pac, or pañc → phát triển mà La Thập dịch là Hý luận (戲論)? Và tại sao, một vấn đề nghiêm trọng khác, bản văn mà ngữ pháp thiện diệt hý luận là cụm danh từ mà không là động từ, như ta dễ lầm lẫn khi đọc tiếng Hán – thiện diệt (善滅).
Như ta biết, danh từ là từ (tên gọi) dùng để chỉ cho sự kiện, con người, sự vật, khái niệm, thế giới hiện tượng…còn, động từ là từ chỉ cho hành động, hoạt động trừu tượng, hoặc chỉ cho một trạng thái nào không nhất thiết phải vận hành và, bản chất của động từ được chia thành hai nhóm: nhóm hành động trực tiếp và nhóm hành động bằng công cụ gián tiếp – ngoại và nội động từ. Trong Phạn ngữ, ngoại động từ, được gọi là: Parasmāipadam, còn tự động từ hay động từ phản thân, được gọi là, ātmanepadam.
Đây là sự khác biệt căn bản giữa động từ và danh từ. Cho dù, thiện diệt (善滅) – (động từ) và việc diệt hoàn hảo – (danh từ) - trong văn bản, khi đọc, ta thấy về nghĩa “có vẻ” giống nhau. Thế nhưng, TỤNG BẢN và cách hiểu, nói chính xác, tụng bản đưa vào thế giới tâm linh và mở ra một con đường triết học với những gì được cho là tinh hoa Phật giáo, thì ta không thể lầm lẫn giữa DANH và ĐỘNG và, khi ta lạc bước bằng sự “có vẻ” tương đương, thì một lần nữa, ta lại “tạo thêm hý luận”, phải thế không?
Vậy, sự khác biệt ấy là gì? Ở đâu? Tại sao có sự khác biệt?
Và nếu, ta chứng minh được sự khác biệt này là hợp lý, có bội phản lại cái “tinh thần” mà ta vốn quy cho luận bản – diệt khéo léo chư hý luận. Nếu không phải là diệt khéo léo chư hý luận, thì, ta phải xử lý làm sao, để “diệt khéo” phải là sự việc hay cách “diệt khéo”. Bởi vì, ở trên bất cứ quan điểm nào, thì luận tụng vẫn đề cập đến vấn đề “diệt khéo”.
Để tìm ra câu trả lời cho những nạn đề vừa đặt ra, tôi sẽ tạm dịch theo “ngữ pháp” tiếng Phạn [của nó]:

Tôi đãnh lễ Ngài
Đức Phật toàn giác
Bậc thuyết giảng (Pháp) thù thắng nhất, của (trong) những hàng thuyết giảng
Ngài đã dạy về duyên khởi
Cách diệt hoàn hảo chư hý luận – những kịch bản được tâm tập khí dựng thành lời
Ngài đã giảng dạy về
Bất diệt bất sinh (không diệt cũng không sinh)
Bất đoạn bất thường (không đoạn cũng không thường)
Bất nhất bất dị (không đồng nhất cũng không dị biệt)
Bất lai bất xuất (không đến cũng không đi [ra]).
Khi sử dụng chữ “cách diệt…”, bản thân tôi muốn nhắm đến – hý luận được quán bằng duyên khởi, chớ không bằng hành vi tác động vào 
“hý luận” và, thế thì, “hý luận” có thể cho là đối tượng hiện quán của, hoặc từ duyên khởi. Nếu, hành vi tác động vào “hý luận”, thì ở một mức độ nào đó, thì “hý luận” là một thực thể, nên ta phải dùng đến hành vi, như chân tay v.v…để diệt nó. Tuy nhiên, khi bằng cách quán-không hoặc dùng nhân duyên quán, thì bấy giờ, “hý luận” tức chân như quán, hý luận sẽ “tự thành tựu” tịch diệt quán.
.
Ở đây, QUÁN, trong ẩn ngữ - THANH TỊNH QUÁN, TỪ BI QUÁN của Phổ Môn.
“Chữ Madhyama của tiếng Phạn không có nghĩa của chữ "quán". Chữ "quán" thêm vào đã thành một danh từ thông dụng của Hán văn và làm sáng tỏ học thuyết Trung quán trên khía cạnh thực hành. Tuệ sĩ nhận xét rằng Ngài La Thập với cách chọn lựa tiêu đề như vậy đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của triết lý Trung quán. Điều này "phải kể là La Thập đã có công lớn nhất trong việc phát huy triết lý Trung quán". Tuệ sĩ giải thích, "Khi Trung được khai hiển và chỉ thị bởi Luận, thì thể ngộ và thể nhập phải do thực hành. Như thế, ở phương diện thực hành, Trung như là quán cảnh, là đối tượng được hướng đến. Trong phương diện thực hành này, vì bấy giờ Trung là đối tượng quán cảnh, nên thực tại sẽ dễ dàng bị bóp méo, và cố nhiên nó sẽ mất ý nghĩa là Trung đó. Như thế quán trí phải được chuẩn bị tất cả những điều kiện cần thiết để có thể quán chiếu được Trung đạo quán cảnh". Nếu ví với sự thể hiện ba phương diện của Bát nhã trong sự tựu thành con đường thể nhập Tuyệt đối, thời Trung tương ứng với thực tướng Bát nhã; Quán tương ứng với quán chiếu Bát nhã; và Luận tương ứng với văn tự Bát nhã.” (Hồng Dương Nguyễn Văn Hai – TRUNG LUẬN: PHÁ TÀ HIỂN CHÁNH.)
Ngoài việc tuyển chọn tiêu đề là Quán, một ngôn dịch trí tuệ quan yếu từ ngài La Thập, như đã nói, đó là: HÝ LUẬN.
Theo ngữ nguyên, Prapañca → phát triển, thế thì, vì sao nó hóa thân đặc thù trong tuệ quán của dịch ngôn, là HÝ LUẬN.
Như ta biết, ngôn ngữ, được hình thành trên cơ sở tập khí và những nghiệp quả của tập khí và khi ngôn ngữ được sinh ra từ tập khí, thì nó phát triển theo chiều suy lý và trong đó ẩn tàng bản chất di truyền, khuynh hướng giáo dục, môi trường khí thế gian… làm động cơ thúc đẩy liên tục quá trình sản sinh ngôn ngữ, tư kiến, ngã kiến và vọng tưởng chấp thủ. Nói đúng hơn, cách diệt hý luận hay QUÁN sự phát triển bất tận của dòng ngôn ngữ vô tánh trong quá trình hiện sinh từ tập khí đã khiến cho thực tại là thực tại của giả danh hoặc thực tại của ý thức hệ dẫn theo những phân biệt trầm trọng: chủ thể, khách thể…tất cả trên hiện quán, chỉ là hiện tương duyên hợp khởi sinh mà thôi và bấy giờ, tập khí vọng tưởng “tự nhiên” sẽ lắng diệt, chớ không phải do động tác “diệt” diệt nó.
Do vậy, khi dịch: prapañcopaśanamaṃ śivaṃ - prapañca thành “hý luận”, thì dịch sư La Thập phải băng một loại không gian bốn chiều nào đó trong tâm thức ngài, để ngài nắm bắt trọn vẹn pháp ngôn “hý luận” trong chiều sâu nhất của một tinh lọc diệu kỳ, để rồi trình hiện cho ta biết – hý luận là kịch bản được tâm tập khí dựng thành ngôn – đưa ta vào những rừng ý thức hệ không có ngày được giải thoát.
Pháp ngôn, “hý luận”, chính là
CHÁNH TRÍ HƯƠNG
NIỆM NGUYỆN HƯƠNG
TRI KIẾN HƯƠNG
TRÍ TUỆ HƯƠNG
GIẢI THOÁT HƯƠNG
Và, “hý luận” đã khiến ta phải đãnh lễ Ngài – bậc đại trí tôn quý, quý tộc trong hàng đại dịch sư của Đại Tạng Kinh và thế giới.
Nhờ tác dụng không thể ngờ của dịch ngữ, pháp ngôn “hý luận” với những chuỗi chấn động sâu vào thể tính chân thật ngữ của mình, tôi chợt hiểu vì sao mà, tôn giả Long Thọ, bậc khai dựng KHÔNG TÔNG, lại khuyên ta nên THÀNH TỰU PHÁP MÔN DỄ HÀNH – DỊ HÀNH ĐẠO – NIỆM PHẬT CẦU SINH TÂY PHƯƠNG.
Niệm Phật là niệm chân thật ngữ, là niệm duyên khởi ngữ mà ta được gieo trồng từ vô lượng kiếp trong Như Lai tạng của chính mình.
Có phải chăng, dưới sức hiện quán của duyên khởi và tín lực của hiện quán, đã đưa ta chạm đến tâm bản nhiên mà ở đó có hạt giống nguyện lực A DI ĐÀ đã được gieo trồng từ muôn thuở. Sự chạm đến này, được hấp dẫn bằng chính pháp ngôn “hý luận” của La Thập vậy.
Do vậy, “hý luận”, đối với tôi là một ứng hóa thân tự chân tâm huyền mặc của một ai đã băng qua được không gian bốn chiều của một pháp tu trực quán-luận – TỨ THÁNH ĐẾ.
Trở lại với tiêu đề của bài viết - QUÝ TỘC - TRONG PHẬT GIÁO NGHĨA LÀ GÌ?
Với tất cả những phạm trù về quý tộc của Latin, Hy Lạp và Á rập, thì thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha), khi chưa xuất thế tu hành, tìm đường giải thoát, thì ông tuyệt đối là một quý ông, thuộc dòng quý tộc, tức là ông thuộ dòng dõi vương triều, một giai cấp trọng yếu trong năm giai cấp của Ấn Độ cổ đại – giai cấp Sát-đế-ly (Kshastriya) là hàng vua chúa quý phái, tự cho mình sinh từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. Hơn thế, thái tử, ngoại việc hội đủ mọi yếu tố về một quý ông quý tộc, thì thái tử còn có một thân tướng siêu việt những phạm trù của Latin, Hy Lạp và Ai Cập cổ đại đã nêu:
“32 tướng tốt và 80 mươi vẻ đẹp tùy hình. Trong đó Ngài thừa hưởng trọn vẹn 32 đặc tướng của mẹ mình, và 8 vẻ đẹp tùy hình của phả hệ Ngài. và, Ngài còn là một nhà toán học vĩ đại, được minh chứng qua cuộc thi tài “cưới vợ” – công chúa Yasodharā ( 耶输陀罗 – Da Du Đà La) [********]
Và, như ta biết Ngài đã từ bỏ những danh xưng thế tục ấy, để trở thành một tì-kheo (bhikṣu ) và rốt ráo là một đấng toàn giác – từ một bậc quý tộc trong toàn nghĩa của nó, Ngài chuyển thân thành một kẻ khất thực hay kẻ xin ăn.
Ngay tại đây, ngôn ngữ thế gian – những gì mà phạm trù của ngữ nguyên “quý tộc”, không thể hình dung được – một SIÊU QUÝ TỘC.
Quý tộc, từ nguyên của tiếng Phạn là Ārya, có ngữ tộc của tiếng Ba Tư – aryan - chỉ cho giai cấp quý tộc. Tuy nhiên, khi đức Phật từ bỏ thân tướng của giai cấp này để trở thành người ăn mày vĩ đại nhất thế giới này, với hệ thống minh triết vĩ đại nhất thế giới và với một Phật cách siêu việt và, trục đối xứng trừu tượng trong giáo thuyết ngài, chính là TỨ THÁNH ĐẾ (Catvāry āryasatyān- 四妙諦). Trong hợp từ Catvāry āryasatyān này, ta thấy sự tồn tại của thuật ngữ quý tộc - ārya. Ārya, giờ đây không còn nằm trong những phạm trù thế tục nữa. Nó được hóa thành “thánh”, thành pháp ngữ, qua sự giác ngộ của Ngài. Chẳng hạn, ta tìm thấy pháp ngữ Ārya này, trong lược bản Bát Nhã Tâm Kinh, trong Kinh Kim Cang, trong Lăng Già…đôi khi, Ārya, được dịch là bậc ly khổ, xuất khổ.
Quý Tộc – Ārya – được chư Kinh sử dụng, có thể hiểu như là một hành giả đã đắc định hay “có thiền”. Phạm trù THÁNH này, chỉ chung cho những ai đắc định trong mọi cấp độ và, nó cao quý đến độ chư Thiên phải lễ kính. Ngay cả những ai với một niềm tin siêu việt đối với Tam Bảo, thì người đó cũng được gọi là Ārya hay chân-Ārya.
Ārya – Thánh – không phải là một từ phân biệt với Phàm mà, những ai phạm vào các trọng tội như: hành ác nghiệp, vô đạo đức, không trí tuệ, thì mới gọi là Phàm (pṛthagjana) đối lập với Ārya.[*********]
Thêm nữa, trong kinh, một pháp ngữ mà ta thường tụng đọc, đó là pháp ngữ THIÊN NAM TỬ (kula-putra). Danh xưng này, ngoại việc chỉ cho phả hệ thiên của cả nam lẫn nữ, mà nó còn xác nhận rằng, đây là những người hoàn toàn tin Phật, lắng nghe Pháp, giảng thoại pháp, hành thiện pháp, và nghiêm trì ngủ giới.[**********]
Tất cả những thuật ngữ, pháp ngữ này, cho phép ta tuyên bố rằng, Phật giáo là đạo của QUÝ TỘC và là đạo của những ai SIÊU QUÝ TỘC, tức là những người giải thoát được khổ đau bằng bốn loại chân lý QUÝ TỘC hoặc BỐN THÁNH ĐẾ, đúng như thuật ngữ chỉ cho nó và những bậc thực hiện nó.
Như thế, ở Việt Nam có quý tộc chăng? Xin thưa rằng, dựa trên pháp ngữ, được chư kinh truyền tải, thì THIỆN NAM TỬ (梵 kula-putra), khiến ta xác quyết rằng Việt Nam có vô số quý tộc. Họ là những người thâm tín Tam Bảo, giữ nghiêm ngủ giới và đang trên quá trình hiện quán – ƯU BÀ TẮC, ƯU BÀ DI và hơn thế, Việt Nam cũng có những hàng siêu quý tộc, tức là những bậc chân tu, đắc thiền đắc Pháp và sẵn lòng hy sinh thân tâm tuệ nghiệp tuệ mệnh của mình cho đời và cho đạo, cho cả trí và ngu – cho cả thánh và phàm.
Hàng ngàn minh chứng cho thấy rằng, những vị ấy luôn hộ niệm, thiền định và nhất tâm cầu siêu thoát cho cả những ai thuộc về quý tộc thế tục mà chưa từng quy y Tam Bảo, thậm chí những người được cầu siêu ấy có một đôi lần từng hoại báng Tam Bảo và chánh pháp.
Quý tộc và siêu quý tộc của Phật giáo là một dòng chảy bất tận và chưa từng bị nhiễm ô bởi những quy nghĩa hay hành tướng hạn cục của thế gian.
Và, cuối cùng, niềm mơ ước trong bài viết xác lập hạn cục qua tri thức hạn cục của người viết, rất cần được bổ sung, cho ngày trước khi vào đêm, thêm hẳn những niềm vui cùng tuệ thí.
Mô Phật!
Pháp Hiền cư sỹ 19/10/2018.

[*] Was ist das -die Philosophie?

Mit dieser Frage rühren wir an ein Thema, das sehr 
weit, d. h. ausgedehnt ist. Weil das Thema weit ist, bleibt 
es unbestimmt. Weil es unbestimmt ist, können wir das 
Thema unter den verschiedenartigsten Gesichtspunkten 
behandeln. Dabei werden wir immer etwas Richtiges 
treffen. Weil jedoch bei der Behandlung dieses weit- 
läufigen Themas alle nur möglichen Ansichten durch- 
einanderlaufen, kommen wir in die Gefahr, daß unser

[**] Latin - Pl. Ps. 1112.

[***] Gennaios. P. 410.
[****] Alnabiil (ṣafā). P. 1108.
[*****] Egyptian – Hieroglyphic Dictionary. P. 108.
[******] Madhyamākaśāstram. Volum1. Edited by Raghunath Pandeya.
[*******] ĐTK 第三十册.
[********] Number Words and Number Symbols by Karl Menninger. P. 136.
[*********] Phẩm Phân Biệt Hiền Thánh, tập 4. Tuệ Sỹ dịch và chú.
.[**********] 梵 kula-putra;巴 kula-putta;藏 rigs-kyi bu)指良家之男子。善女人亦同,乃良家女子之義。經典中對在家的信男、信女,每用善男子、善女人之稱呼。此時的‘善’,系對信佛、聞法、行善業者之美稱。窺基《阿彌陀經通贊》則雲,善男子、善女人是梵語優婆塞、優婆夷之譯,指持五戒之男子、女人。

No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
 

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin