menu

THAY LỜI DẪN CHO THƠ CỦA PHẠM CÔNG THIỆN - "TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO LÀ LẶNG IM"

View: 1183 -     Tuệ Sỹ       15/10/2018 07:10:54 pm
THAY LỜI DẪN CHO THƠ CỦA PHẠM CÔNG THIỆN - "TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO LÀ LẶNG IM"
THAY LỜI DẪN CHO THƠ CỦA PHẠM CÔNG THIỆN - "TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO LÀ LẶNG IM"

TUỆ SỸ: THAY LỜI DẪN CHO THƠ CỦA PHẠM CÔNG THIỆN - "TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO LÀ LẶNG IM"

Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại. Khi người đời khinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng ánh sao Mai lẻ loi.

Đã đi thì đã đi rồi.

Bước chân thoạt chớm khởi hành ấy đã vấp phải âm vang địa chấn của Long Thọ :

gataṃ na gamyate tāvad
agataṃ naiva gamyate/ MK. ii. 1a

Có gì trong những bước đi, và còn gì trong những bước đi ? Chỉ một khoảng ngắn cần vượt qua, khoảng ngắn được đo bằng chính tự ngã của ta. Anh nhảy qua hố thẳm. Hố thẳm như là, vì chính là, ý hướng tính của ta phóng xuất ra đó; bóng tối của thời gian tích tụ ảo ảnh ngông cuồng của tuổi trẻ. Anh nhảy qua hố thẳm, nhảy qua cái bóng của chính mình. Những bước nhảy vẽ thành chuỗi thất bại liên tục trong đời, trong dòng tương tục vô hạn của thời gian, lan tràn qua biên độ vô biên của thế giới :

Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Cái đã đi, một cái gì đó vô nhân, vô ngã, đã đi qua trong tôi, trong người, trong đâu đó, hữu biên và vô biên, hữu hạn và vô hạn ; cái đã đi ấy chưa hề được thực hiện, chưa hề được đi. Khoảnh khắc đột nhiên ngừng lại. Quá khứ biến mất. Cái đã đi, cái tôi nào đó đã đi, con đường nào đó đã được đi, ngày tháng nào đó đã trải đi ; thời gian và thế gian ngưng tụ, ngưng đọng. Không quá khứ ; phóng ảnh vị lai chợt dừng lại, như bị đẩy lùi lại sau, đẩy lui vào quá khứ, rồi biến mất. Câu chân ngôn xuất hiện :

Oṃ ga ga ṇa : Án nga nga nẵng.
oṃ sarva-saṃskāra-pariśuddha dharmate gagana samudgate svabhāva :
Hết thảy hiện tượng thảy đều thanh tịnh, tự tánh xuất hiện trong hư không pháp tánh !
Ồ, hư không ! Hư không hủy diệt. Tìm dấu chim bay trong hư không :
Có còn gì nữa mà thương.

Sắt son tình cũ …

Người anh yêu, một phương trời mất dấu ; như sợi lông thiên nga phất phơ trong không gian rực lửa. Lửa soi sáng trái tim, trong đó hiện hình Thiên nữ. Thiên nữ chuyển thân thành Thánh mẫu Bồ tát Cứu Độ Đa-la :

Án Đa La tịch mịch hồng.
Oṃ tāre tuttāre ture svāhā

Những giọt nước mắt từ khóe mắt Đại Bi của Bồ tát Quán Thế Âm rơi xuống ; giọt nước mắt hiện thân thành Thánh nữ Đa-la. Ngài hiện thân sức mạnh để dẫn người khốn khổ vượt qua khỏi những tai họa hiểm nghèo. Tai họa bởi nước cuốn, bởi thú dữ, cũng như bởi sự phản bội của người tình. Bởi vì Tāra có nghĩa là Cứu độ.

Từng âm thanh mật ngôn như những ánh sao lấp lánh – bởi Tara cũng có nghĩa là Ngôi Sao, mờ nhạt nhưng có đủ uy lực để đưa người đến chỗ an toàn. Tara, hay Tāra, Mẹ của Đại Bi và Đại Trí, luôn nhìn xuống những đứa con ngu xuẩn, và yếu đuối, đang lang suốt cả đêm dài trên mặt đất hoang vu.

Bài thơ có năm đoạn, hay một thiên thơ có năm bài, đi theo nhịp bước chân của Bát-nhã : gate – gate – paragate – parasaṅgate – svāhā ! Hoặc vô tình, hoặc cố ý, để cho cảm xúc từ những hoài vọng tiếc nuối quá khứ, đã đi và đã mất, diễn theo từng đợt sóng xô. Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo, xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương, và sắc màu quá khứ không phai nhạt.

yathā māyā yathā svapno
gandharvanagaraṃ yathā/
tathotpādas tathā sthānaṃ
tathā bhaṅga udāhṛtam // MK. vii. 35

Như huyễn tượng, như chiêm bao, như thành phố giữa hư không, cũng vậy, những gì xuất hiện, tồn tại, rồi hủy hoại.

Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời.

Tuệ Sỹ

----
LỜI MỞ ĐẦU
của Phạm Công Thiện

... Một đêm, tôi nằm chiêm bao thấy Goethe hiện về, bảo tôi hãy nhớ lại câu thơ ngắn của ông và gợi ý gián tiếp cho nhan đề tập thơ này:

Ueber allen Gipfeln
Ist Ruh
(Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao
Là Bình Yên)

Một ngày xa xưa nào đó trong trí nhớ loài người, Goethe đã viết câu trên nơi khung cửa sổ túp lều gỗ vùng núi cao Kickelhaln ở Ilmenau vào một buổi chiều ngày 6 tháng 9 năm 1780; trên năm chục năm sau, trở về thăm lại chốn cũ, tình cờ Goethe nhìn thấy lại những câu thơ mình đã viết bằng bút chì nơi khung cửa ấy, dù trên nửa thế kỷ đã trôi qua và đã xóa đi tất cả mọi sự. Ngày 4 tháng 9 năm ấy, năm 1831, viết thư cho Zelter sau lần thăm chốn xưa, Goethe đã ghi nhận đôi lời hàm súc:

"sau bao nhiêu năm mình mới trông thấy:
những gì vẫn còn lại và những gì bị xóa mất"

Tôi đã bỏ quên đâu mất rất nhiều bài thơ của mình trên 35 năm lang thang lưu lạc khắp thế giới; tập thơ này chỉ còn lại những gì vẫn còn lại với sự Lặng Im hiu hắt nào đó trên cao...

Phạm Công Thiện
Long Beach Califernia
Tháng 7 năm 2000

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin