menu

Tập Tài Liệu Tiểu Luận Kết Khóa Trại Vạn Hạnh I

View: 1343 -     GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM tại HOA KỲ       27/03/2019 08:03:54 pm
Tập Tài Liệu Tiểu Luận Kết Khóa Trại Vạn Hạnh I
Tập Tài Liệu Tiểu Luận Kết Khóa Trại Vạn Hạnh I

Tập Tài Liệu Tiểu Luận Kết Khóa Trại Vạn Hạnh I - gồm các bài Tiểu Luận do các trại sinh Vạnh Hạnh I biên soạn.

Lời giới thiệu …

Theo sự xếp đặt của Ban Quản Trại Vạn-Hạnh I, với tư-cách thành-viên Hội-Đồng Khảo-Thí, tôi đã được cơ-hội đọc qua các bài tiểu-luận kết khoá của các anh chị em huynh-trưởng tham dự Trại Huấn Luyện Cao Cấp lần đầu tiên tại hải-ngoại, do Ban Hướng-Dẫn Trung-Ương Gia-Đình Phật-Tử Việt-Nam tại Hoa-Kỳ tổ-chức. Sau suốt một tháng triền-miên đọc các luận án, tôi cảm giác như người đã đi vào một cảnh-giới… mà ngay lúc còn bỡ-ngỡ, tôi chưa tìm được một tên gọi thích-nghi! Phải chăng tôi đã là một trong hai chàng Lưu / Nguyễn ngày xưa trong bài ca “Tiếng Hát Thiên-Thai” của Cố Nhạc-sĩ Văn-Cao, theo đó, hai chàng trai phong-nhã này đã lạc vào chốn Đào-Nguyên thơ mộng, không tìm thấy lối về? … Xin thưa là không, tôi không lạc lối. Sau khi đọc hết các bản văn kết khoá Vạn-Hạnh I, lòng tôi cảm thấy hứng thú như đi vào một hồ sen bát-ngát, tràn đầy hương thơm, dưới bầu trời trong xanh của một buổi sáng tinh sương đầu tháng hạ. Giờ đây, với tinh-thần thanh-tịnh, tôi xin mạo-muội gọi cảnh-giới này là cảnh-giới “Hồ Sen Thắm”.

Thật vậy, các tiểu-luận mà tôi đọc được, đối với tôi, hầu hết là “những hoa sen thắm” trong một đầm sen đặc biệt. Mỗi bài viết là một hoa sen tinh-tuý, đầy hương vị và phẩm-chất. Nói đến hồ sen thắm, là hình dung đến cảnh-giới đầy sen nở, thân sen vươn cao lên không-gian tươi sáng, tòa sen in bóng xuống những chiếc lá xanh sà mình trên mặt nước hồ bất động. Nêu danh hồ sen thắm, là nhắc ta liên tưởng đến những cánh sen trinh trắng điểm hồng, bao quanh các đài gương vàng xinh-xắn. Sánh các luận văn với hoa sen thắm là nói đến thành quả đáng xưng tán của các tác-giả đã dựng nên những bài viết có tính-cách lịch-sử và hiếm có trong văn đàn Áo Lam tại Hoa-kỳ, kể từ năm kết hợp 1976 tới nay. Tôi đã khoan-khoái tiếp nhận một rừng tư-tưởng được sắp-xếp thứ-tự, hợp-lý cùng những nhận xét tinh-tuý, và đề-nghị thực-tiễn về những nét sống cao đẹp và oai hùng của tập-thể Lam-viên ở xứ Cờ Hoa này.

Để có một nhận-định về chiều hướng của các văn-phẩm sáng-tác, tôi xin sơ-lược giới-thiệu các lãnh-vực mà các tác-giả hoa sen thắm nói trên đã dày công học hỏi, sưu tầm, nghiên-cứu, và suy tư để viết lên các luận văn của mình. Điều mà tôi rất tin tưởng là sự tu học qua bốn năm Vạn-Hạnh chắc-chắn cũng đã đóng góp nhiều vào thành quả của các luận văn. Những bài luận văn mà tôi đã đọc, theo thiển ý, có thể được xếp thành bốn nhóm như sau: 
1 - Nhóm Giáo-lý, luận bàn về sự áp-dụng các bộ Kinh đã học trong đời sống cá-nhân và tập-thể. 
2 - Nhóm Cải tiến Tổ-chức, đưa ra những nhận xét về các khuyết-điểm hoặc lỗi thời trong lề lối sinh-hoạt hiện tại, và đưa ra những đề-nghị thay đổi. 
3 - Nhóm Lãnh-đạo & Chỉ-huy,xác-định vai trò của huynh-trưởng GĐPT trên hai yếu-tố căn-bản là tinh-thần và trách-nhiệm, đưa ra những điểm đặc-thù cần có đề lãnh-đạo và chỉ-huy trong bối-cảnh của tổ-chức GĐPT tại Hoa-kỳ. 
4 - Và sau cùng là nhóm trình bày các quan-điểm tổng-quát, như Đạo Phật và Tuổi Trẻ ngày nay, Phật-Giáo đối diện với nền văn-minh thời-đại, v.v.

Nhìn qua kết-quả thống-kê trên đây, sự cách biệt giữa các con số không thấy có gì quá lớn. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào nội-dung của các tác-phẩm, chắc người đọc cũng sẽ đồng ý với tôi rằng, nhóm luận văn “cải-tiến sinh-hoạt” nắm phần ưu thế hơn các nhóm khác. Kế theo đó là nhóm Giáo-lý. Điều này chứng tỏ rằng phần đông các tác-giả đã xem trọng về hai lãnh-vực này. Nếu những điều tôi thưa ở đây là đúng thì quả thật là một hiện-tượng đáng mừng. Tôi mừng là vì nhận-thức được rằng tổ-chức chúng ta đang có một tiềm-năng lãnh-đạo – trong hiện tại cũng như trong tương-lai – biết xem nội-điển là nồng-cốt và biết đặt tâm huyết vào sự cải-tiến sinh-hoạt theo đà tiến-hóa của tương-lai.

Giờ đây, tôi xin trân trọng giới-thiệu với Quý Vị các tác-giả hồ sen thẳm đã được đề-cập trên đây, họ là những ai?

Họ là những huynh-trưởng có tuổi đời từ 45 đến trên 80, và tuổi Lam ít nhất cũng khoảng từ 30 đến trên 40 năm tại Hoa-kỳ, trong đó có một số không ít đã trải qua một thời niên thiếu rồi trưởng-thành tại đất lưu-vong sau biến-cố tháng tư năm 1975. Tổ-chức Áo Lam tại xứ sở này, trong guồng máy lãnh-đạo, quả là một khối kết hợp giữa hai thế-hệ, gắn bó và đùm-bọc với nhau, để nắm vững đường lối và phát-triễn theo trào-lưu tiến-bộ của thế-giới tân-tiến. Người lớn tuổi chú trọng, gìn giữ, và trao truyền những nét hay, lối đẹp, cùngtruyền-thống của tổ-chức. Người trẻ tuổi hướng năng-lực, sáng-kiến, và hiểu biết thích-nghi với hoàn-cảnh xã-hội để đưa tổ-chức trên đà tiến-bộ. Cả hai nhóm người nói trên, với tinh-thần hòa hợp, thương mến nhau, kính trọng nhau, trong ầm-thầm tạo nên một sức sống “Xây Dựng Gia-Đình1”đầy hứa hẹn. Cái tinh-thần này đã được nuôi dưỡng ngay từ lúc sơ khai của tổ-chức Lam-viên, dưới sự cổ-võ của Người Anh Trưởng đáng kính Võ-Đình-Cường2 qua tác-phẩm văn-chương “Thử Hoà Điệu Sống” xuất-bản vào thập-niên 1950.

Ngoài ra, sau khi đọc các luận văn, Quý Vị chắc sẽ không tránh khỏi ngạc-nhiên trước lối hành văn vững chãi, suôn-sẻ, và thanh-nhã của những cây bút cao-niên (mặc đầu đã sống xa quê hương qua nhiều thập-niên), cũng như những cây bút trung-niên (mặc dầu phải sinh sống thường-xuyên với ngoại-ngữ địa-phương, hiếm có cơ-hội sử-dụng và trau-dồi tiếng quê-hương).

Sau cùng, tôi rất hãnh-diện được gióng lên vài dòng thô-thiển, giới-thiệu tập đúc kết các luận-văn kết khoá VẠN-HẠNH I này3, và trân trọng kính mời Quý Vị hoan-hỷ đón nhận để chia sẻ cùng khuyến-khích.

Thiện-Hiền Dương-Xuân-Nhơn

_____________________()_________________________

1 Bài hát “Xây Dựng Gia-Đình” của Đỗ-Kim-Bảng có câu: “Anh bên Em, Em bên Chị, vui làm, đời bừng tươi trong gắng công âm-thầm!” đã nói lên một cách trung thực cái tinh-thần làm việc của anh chị em Lam-viên, từ xưa đến nay, từ quốc-nội ra hải-ngoại. 
2 Nhà văn Võ-Đình-Cường, tác-giả cuốn truyện Phật-giáo nổi danh Ánh Đạo Vàng, nguyên là vị Trưởng Ban Hướng-Dẫn Trung-Ương đầu tiên của tổ-chức Gia-Đình Phật-Tử Việt-Nam tại Quốc-Nội, ngay từ lúc còn mang tên Gia-Đình Phật-Hoá Phổ tại thành-phố Huế, tỉnh Thừa-Thiên, miền Trung, nước Việt-Nam. 
3 Tập đúc kết các luận-văn kết khoá VẠN-HẠNH I này chỉ in những tác-phẩm với sự chấp thuận của tác-giả mà thôi.

http://www.gdptvn-hoaky.com/…/2…/03/VanHanh1-TapTieuLuan.pdf

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin