menu

Thập Phuong Pháp Giới Toạ Đạo Tràng

View: 1083 -     Phước Châu       22/02/2019 05:02:33 am
Thập Phuong Pháp Giới Toạ Đạo Tràng
Thập Phuong Pháp Giới Toạ Đạo Tràng

PHƯỚC CHÂU: Hôm nay, sáng sớm mồng 2 tết, đường xá vắng tanh nhuộm màu nắng vàng se se lạnh. Không khí Tết ở Sài Gòn mấy mươi năm vẫn thường như vậy. Mặc cho lòng người cùng thế sự biết bao là đột biến đổi thay. Đời mạt pháp, dường như là toàn thể lục phương đều biến động: Phương đông là cha mẹ đà rối loạn, nề nếp gia đình đổ vỡ. Phương nam là sư trưởng, thầy trò bất phân mất hết lòng tôn kính và tự trọng. Phương tây là phu thê, không giữ sự nhu hòa nhẫn nhục, càng sống chung thời càng không tương kính như tân, hạnh phúc gia đình mỏng manh theo bản ngã. Phương bắc là bạn bè, giao hảo bất tín hòng ganh ghét, vu khống, hãm hại nhau. Hạ phương là người làm, cậy công cao hơn chủ, đòi hỏi hối lộ, mua chuộc mới làm việc càng lúc càng tăng, có khi trở mặt phản bội vô chừng. Thượng phương là các bậc thầy dạy mà chúng ta đã phát nguyện quy nương, đạo hạnh không tỏa, đức độ không lớn trong khi chùa tháp càng ngày càng to lớn… Khi sáu phương cùng loạn động như thế, những người có tâm có lòng mà không đủ sức; những vị cao nhân, ẩn sĩ trông chờ một nền giáo dục hữu hiệu, một vị thánh nhân xuất thế, hay một vị Phật ra đời.

Với đồng phục GĐPT, chúng tôi đi dự đám tang của một vị huynh trưởng cao niên, với đồng phục này thì không thể đi chúc tết ở đâu ngoài các tự viện có GĐPT sinh hoạt. Chúng tôi chọn đến chùa T.H ở Quận 8. Sau khi lễ Phật, được duyên lành, Hòa thượng trụ trì dẫn chúng tôi lên tầng thượng, đảnh lễ đại lão hòa thượng, đức Tăng thống, thượng thủ của GHPGVN Thống Nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ. Giây phút này, có thể sẽ trở thành thiên thu vạn đại khi tôi được cầm nắm đôi bàn tay mềm mại lúc được Ngài trao tặng xâu chuổi hạt huyền cho chúng tôi, đôi bàn tay tuy mềm mại mà dũng liệt phi thường, vẫn chắc vững tay chèo khi con thuyền bị các trạo phu từ bỏ con thuyền sang thuyền khác.

Thầy trò gặp nhau, dăm ba câu chuyện thuộc về quá khứ, Ngài có 4 năm du học Sri Lanka và gần 10 năm nghiên cứu Ấn Độ. Trong bao khó khăn pháp nạn Ngài vẫn dành thì giờ diễn dịch bộ tự điển Phật Quang, Ngài vẫn có nhớ đã phóng tác quyển Thoát vòng tục lụy từ truyện Tàu… Ngài đã vào thăm Hòa thượng Thanh Minh lần cuối sau khi từ giả Thanh Minh thiền viện làm chuyến du hành ra bắc, rồi trở vào nam. Ngài đã viết thư xin lỗi với chư Tôn Thiền đức và kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất Phật giáo vì sự xiển dương đạo pháp…

Bấy nhiêu sự kiện trong một đời phi thường dũng liệt có thể viết nên hàng ngàn trang giáo sử nhưng hôm nay, trong căn phòng nhỏ này có thể thu gom nhỏ vào trong một chiếc lá mới, chồi lộc non của mùa xuân mới từ nhánh đào hồng phương bắc, những nụ hồng he hé, những chồi non nho nhỏ đang trưng bày chào xuân trong phòng Ngài. Một chiều không gian khác, chiều không gian của thái không, bình dị khi được hầu chuyện cùng Ngài.

Khi tiếp chúng tôi, Ngài mặc chiếc áo tràng nâu bình nhật và giảng cho chúng tôi nghe những oai nghi của bậc Sa môn khi thuyết pháp, cũng như khi tiếp khách. Ngài phe phẩy chiếc quạt giấy trong tay và đọc rõ những chữ thư pháp viết trên cánh quạt mà không cần dùng kính lão. Ngài không cho bật máy điều hòa vì phung phí tiền của của đàn na tín thí, nóng quá thì bật máy quạt cho mát, mát xong thì tắt không cho quạt thâu đêm… Chúng tôi hỏi Ngài, ở đây có nhẹ nhàng, thoải mái hơn? Ngài nói bậc tu hành thì dù ở đâu cũng nhẹ nhàng thoải mái. Chúng tôi hỏi Ngài về thời thế, thời Ngài trả lời “tôi không còn liên quan”.

Chúng tôi xin phép Ngài chụp ảnh chung, Ngài đã ngồi thì ngồi chung, không một ai được đứng, mà cũng không được quì. Trong phòng đã thiết trí không có chỗ để quì.. đảnh lễ. Chúng tôi không dám bất kính cứ quì hay đứng thì Ngài trách và không muốn chụp ảnh nữa. Trong phút giây ấy tôi liên tưởng đến câu: “Linh ngã tảo đăng vô thượng giác – Ư thập phương giới tọa đạo tràng” [Nếu như tôi sớm ngồi tòa vô thượng giác thì thập phương pháp giới đồng tọa đạo tràng] trong bài tựa kinh Thủ Lăng Nghiêm. Thì đây, chúng tôi đang gần gũi một vị Phật sống có thật tại Việt Nam, “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, Ngài đã đạt đến sự vô cầu, dù là điều bình thường nhất. Chúng tôi bổng dưng thấy tràn trề một tình thương tuệ giác và tri ân sâu sắc đến những vị thánh tăng trọn đời phụng sự mà không mong cầu gì ngoài tâm phổ độ chúng sinh.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin