menu

Thư Viện Thời Lịch-Triều Việt-Nam (1011-1945)

View: 855 -     Nguyễn Vy Khanh       27/06/2020 09:06:08 am
Thư Viện Thời Lịch-Triều Việt-Nam (1011-1945)
Thư Viện Thời Lịch-Triều Việt-Nam (1011-1945)
Trong hơn một ngàn năm với bốn lần Bắc thuộc, người Trung-quốc đã dùng mọi phương tiện, chính sách văn hóa, xã hội, hành chánh cai trị để Hán hóa người Việt. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trong loạt bài “Đại Nam Dật Sự” trên tạp chí Tri Tân, khi khảo sát việc các quan Tàu cai trị nước Nam và “Chính sách người Tàu đối với nước Nam”, đã dùng phương pháp sử luận hiện đại thời bấy giờ và nêu lên sáu phương cách khả thể mà “một nước lớn đối với các nước dưới quyền”, là bá chủ, lợi dụng, thực dân, đồng hóa, hợp tác và khai phóng, và đã đi đến khẳng định “Nước Tàu lúc đầu sang ta không phải có nhiệt tâm khai hóa như người Ả Rập đi truyền giáo sang Âu châu vào thế kỷ thứ 7, cũng không phải chỉ tìm vàng như Tây-Ban-Nha sang Tân Thế Giới vào thế kỷ thứ 16, lại cũng không phải vì trong nước thiếu chỗ ở phải di dân ra nước ngoài như người Anh ở thế kỷ thứ 17”. Cụ Ứng Hòe kết luận: “người Tàu lúc đầu sang ta đã gồm cả ba cách bá chủ, lợi dụng và thực dân. Còn như cách đồng hóa, hợp tác và khai phóng, sẽ xét sau trong truyện những người sang đô hộ … phần nhiều chỉ lợi cho họ, ít lợi cho ta” (Tri Tân số 108, 19-8-1943, tr. 4).

Mục đích đồng hóa, cho nên về mặt nhân sự và khoa cử dĩ nhiên cũng khắt khe hạn chế – như thời nhà Đường năm 845 quy định sĩ tử An-nam thi khoa tiến sĩ không được quá 10 người và thời Bắc thuộc thứ tư, nhà Minh mở trường theo kiểu Tàu nhưng không tổ chức cho người Việt-Nam thi mà chỉ để lựa chọn các nho sinh có học vấn để sung vào lệ tuyển cống cho triều đình hằng năm cho học hành rồi đưa về phục vụ trong bộ máy cai trị thực dân. Muốn đồng hóa về văn hóa dân Việt, người Trung-quốc đã vơ vét sách vở đưa về các kinh đô Tràng An, Kim Lăng – và nhiều đời như vậy. Nhà Minh khi chiếm Đại Việt cuối thời nhà Hồ, đã dẹp bỏ các trường lớp và hủy diệt sách vở, thư tịch (cả đục bia đá) nước ta – trừ sách kinh đạo Phật và Lão giáo. Năm 1407, Minh Thành-tổ ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn hóa triệt để hơn: “Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian, … các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. … Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại…”. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã tả trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Giáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cường bạo: sách vở cả nước ta đều trở thành một đống tro tàn”. Năm 1418 đánh dấu cuộc thư-phần tàn bạo sau khi đã đưa sách cướp được về kinh-đô Kim Lăng bấy giờ, lại sai Hạ Thanh và Hạ Thì sang thu các loại sách ghi chép về pháp luật, binh pháp, sử ký và các thực-lục, truyện ký, văn thơ của vua quan và các tác giả khác. Chuyện phần-thư và tàn phá này, nhà Thanh sẽ tái diễn khi xâm lăng nước Nam vào cuối thế kỷ XVIII, và CS Hà Nội cũng sẽ hành xử như vậy sau ngày 30-4-1975 đối với sách báo của miền Nam và CS Hà Nội cũng sẽ hành xử như vậy sau khi thành công làm chủ miền Bắc với Hiệp định Genève 7-7-1954 cấm sách báo xuất bản trước ngày đó và rồi ngày 30-4-1975 đối với sách báo của miền Nam.

Nói chung, Việt-Nam văn hiến nước ta có một lịch sử thường xuyên bị tấn công và sách vở, thư tịch Hán Nôm trải qua nhiều đời bị hủy hoại, mất mát, cho nên các triều đại phải truy tìm, sưu tầm và lưu trữ gia sản văn hóa đó. Di sản dân tộc do đó về văn bản không được nguyên vẹn, bất biến, mà phải chịu thất truyền, “tam sao thất bản”, ngay cả thư viện cổ không còn vết tích – ngoại trừ của nhà Nguyễn. Tuy nhiên ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc luôn được đề cao cảnh giác và nhất là sau mỗi thời loạn, mọi nhà chung tay góp sức tái dựng gia tài văn hóa đó – làm như chân-lý và sự thật lịch sử luôn phải thắng thế và trường tồn. Hơn nữa, người Việt-Nam ta quý sách, trọng giá trị kiến thức và tinh hoa của sách truyền thừa từ nhiều đời. Từ học trò, sĩ tử, trí thức, quan chức lan rộng về các địa phương xa xôi đến với người đọc ngày càng đông đảo; đặc biệt loại độc giả sau thiên về truyện thơ chữ Nôm.

Tổ Chức Về Thư Viện

Thư viện các triều đại ban đầu chỉ là những kho sách, kho ván khắc in, … của triều đình hoặc tư-nhân. Thư viện thời lịch triều gồm các văn khố, tàng thư của triều đình và các Bộ, sở (Bí thư các, Đông các, Nội-các, …) cũng như ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám và học đường các tỉnh. Hoặc ở các Chùa thời Phật giáo được tôn là quốc-giáo. Bên cạnh, có thư viện của các cơ sở tôn giáo và tư-nhân thường là của các vị khoa bảng, các văn nhân hoặc vì nghề nghiệp như phong thủy, y dược.

Năm 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu và nhà Quốc Tử Giám ở kinh-đô, xem như đó là trường Đại học đầu tiên. Sau đó là thi cử – năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên tuyển dụng nhân tài giúp nước. Đời nhà Trần, Lê Văn Hưu bổ túc biên tập bộ sử Việt Chí của Trần Tấn và biên soạn Đại Việt Sử Ký được xem là bộ sử-ký đầy đủ đầu tiên gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272. Đến đời nhà Lê, đất nước vững mạnh về chính trị, xã hội thịnh trị và văn hóa thăng hoa với nhiều tác giả thơ văn, sử, truyện ký, … Ngô Sĩ Liên Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thiền sư Kim Sơn thuộc phái Trúc Lâm soạn Thiền Uyển Tập Anh thời Trần Minh Tông (1337).

Từ khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (1010) sau đổi tên là Thăng Long, các thư viện quy mô bắt đầu xuất hiện và lưu lại dấu vết trong sử sách, như Kho Trấn Phúc chứa kinh nhà Phật (1011), Bát Giác Kinh Tàng (1021, giữ pho Kinh Tam Tạng do Nguyễn Đạo Thanh đi sứ xin đem về), Đại Hưng Tàng (1023), Trùng Hưng Tàng (1034, giữ pho Kinh Đại Tạng vua sai Minh Xưởng sang Trung-quốc thỉnh về năm 1011) ở Bắc Ninh. Thư viện tổng-hợp xuất hiện với Thư-viện Quốc-Tử Giám (1087) sau khi xây Văn Miếu khoảng năm 1076 – nơi bắt đầu có kinh sách Nho học cạnh Kinh Phật giáo. Sau đến Hàn-Lâm Viện (1086, có chức quan Hàn-lâm học sĩ) và Bí Thư Các (1087, lưu trữ sách vở của triều đình được khắc, in). Thời nhà Lý, Phật giáo là quốc-giáo, các vua từng đi tu, do đó các chùa đa số đều có thư-viện vừa chứa kinh sách vừa là nơi in ấn và phổ biến kinh sách. Thủ Đại Tạng Kinh là chức quan coi sách.

Sang đời Trần, Tam giáo cùng tồn tại, với các khoa thi Tam giáo và các thư-viện nội dung, nguồn sách cũng đa dạng hơn, tuy các vua khi lớn tuổi thường nhường ngôi cho con và đi tu. Bí-Thư Các được duy trì làm nơi lưu trữ các văn kiện của triều đình vừa đóng vai trò xuất bản sách vở, thư tịch chính thức và đa dạng về lịch-sử, tôn giáo cũng như triết lý, y học, quân sự binh lược: Đạo Tràng Tân Văn, Công Văn Cách Thức, Phật Giáo Pháp Sự, … Quốc Tử Viện (1236) và Quốc Học Viện (1253) được lập ra làm nơi giảng dạy Tứ Thư, Ngũ Kinh cho con em quý tộc học tập vừa là nơi tàng trữ sách vở, thư tịch. Quốc Sử Viện cũng được thành lập làm nơi biên soạn sách sử-ký, thực-lục, … và tập trung tài-liệu, kinh sử và tư-liệu dân gian. Cũng là nơi in ấn sách. Sử quan Lê Văn Hưu soạn bộ Đại Việt Sử Ký làm việc ở nơi đây. Ngoài ra, mở thêm Thiên Trường Phủ Kinh Tàng lưu trữ bộ Kinh Đại Tạng đồng thời cho in mộc-bản các phó bản để lưu hành. Ở trên núi Phật-tích huyện Tiên Du, năm 1384 vua Trần Dụ-Tông cho lập thêm thư viện hoàng-gia Lạn Kha Thư Viện và cử danh nho Trần Tôn làm viện trưởng và giảng dạy kinh sách; có Cung Bảo Hòa để Thái thượng-hoàng đến chơi hoặc ở lại. Cũng tại đây, năm 1384 thượng-hoàng cho thi tuyển Thái học sinh, có người được chọn làm thư-sử cho thư-viện. Cung Bảo Hòa với thời gian, trở thành Cung của Thái thượng-hoàng và thư viện nơi đây được dùng để lưu trữ, biên chép sách vở phụ cho Bí Thư Các ở Thăng Long, nhưng cũng nhờ thư viện này mà triều nhà Trần đã bảo tồn được thư tịch, sách vở sau khi quân Chiêm Thành của Chế Bồng Nga cướp phá đốt kinh thành năm 1371 và nội loạn năm 1378.

Đời nhà Hồ tuy ngắn ngủi 7 năm nhưng cũng đã cổ động dùng chữ Nôm (chiếu lên ngôi năm 1400 viết bằng chữ Nôm) và thi hành một số cải cách như cho tiền già, in 7 hạng tiền giấy, đề cử quan lại thay vì khoa cử (phải bỏ vì bị chống đối, nhưng ông định lại từ trường văn thể và bỏ phép ám-tả và từ năm 1404 thêm thi Toán pháp), ấn định phẩm phục các quan, guồng máy hành chánh, quân sự, chế súng Hỏa Mai, … Hồ Quý Ly dịch thiên Vô-dật trong Kinh Thi và thêm vào bài Tựa bằng chữ Nôm, đã soạn Quốc Ngữ Thi nghĩa (viết về giáo dục) và sách Minh Đạo lục (14 thiên thuyết lý, phê phán triết học, phổ dương cải cách, đổi mới, nay đã thất truyền – nhưng theo Hồ Hữu Tường và G. Cœdès thì người Nhật còn giữ phó bản). Năm 1406, nhà Minh lấy cớ “phù Trần diệt Hồ” đã xâm chiếm nước ta vơ vét hết sách vở gửi theo đường sông về Kim Lăng, kinh đô nhà Minh, phần khác sai đốt hủy đi (1416).

Năm 1428, vua Lê cho lập Quốc Tử Giám ở kinh-đô cho con em các quan chức và bổ nhiệm thầy dạy cho con nhà dân. Vua Lê Thánh Tôn không những chủ soái “Nhị thập bát tú” mà năm 1425, ông còn xuống chiếu thu thập tác phẩm của Nguyễn Trãi cũng như cho tìm sách vở, sử, truyện của tư nhân để soạn bộ Đại Việt Sử Ký. Năm 1485, triều đình ban phát sách học như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Văn Hiến Thông khảo, Văn tuyển và Cương mục học quan, … cho các học-quan ở phủ, lộ và sách thuốc cho các quan y ở các phủ.

Quốc Tử Giám tiếp tục vai trò giảng dạy và thêm việc lưu trữ sách vở và ván in kinh sách phân phát cho các địa phương – năm 1435, Lê Thái Tông cử Ngô Thời Trung giữ chức Thư-khố ở đây. Sử-Quán được tổ chức quy mô hơn trước, vua triệu tập các nhà khoa bảng để trước tác và biên soạn quốc-sử cũng như in ấn sách của triều đình. Quan trông coi sách được gọi là Giám Quốc Tử Thư-khố: Ngô Thời Trung năm 1435, Lương Như Hộc Trung-thư sảnh kiêm Bí-thư giám-học sĩ năm 1462, đến 1466 là Vũ Vĩnh Trinh. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1483) 15 quyển của Ngô Sĩ Liên và các sách Thiên Nam Dư Hạ Tập, Thiên Chinh Ký Sự, Đại Việt Thông Giám Thông Khảo (Vũ Quỳnh, 26 quyển), Đại Việt Lịch Đại Sử Ký, … được soạn và in ấn tại đây. Bí Thư Sảnh tiếp nối vai trò lưu trữ thư tịch và sách quốc sử của triều đình cũng như sưu tầm được – năm 1467, vua Lê Thánh Tôn yêu thích sách vở, thơ văn, đã ra lệnh tìm kiếm di-cảo của Nguyễn Trãi cũng như các dã sử, truyện ký trong dân gian; nộp sách hiếm quý thì được thưởng và cho dựng thêm kho tàng trữ sách ở Văn Miếu (1470). Sách của Trung-quốc cũng được khắc in lại như Tứ Thư Đại Toàn. Ngoài ra, Lê Quý Đôn có nói đến Bồng Lai Thư Viện. Thời vua Lê Thánh Tôn, văn học phát triển mạnh, vua chủ soái Hội Tao-đàn xướng họa thơ văn, sau tập hợp trong Hồng Đức Quốc Âm Thi-Tập. Thời thịnh Lê nhiều tác phẩm, sách, ký xuất hiện: Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, Đại Thanh Toán Pháp của Lương Thế Vinh, Bản Thảo Thực Vật của Phan Phù Tiên, Hý Đường Phả Lục của Lương Thế Vinh (1501) – là sách đầu tiên viết về kịch hát cổ truyền, … Cũng cần ghi nhận việc các vua chúa can thiệp vào công việc viết sử đã đành mà cả trong việc biên soạn tuyển tập như các bộ Hoàng Việt Văn Hải và Toàn Việt Thi Lục (1752-1758) là do Lê Quý Đôn làm theo sắc chỉ của triều đình – năm 1762 sau đó, ông và Nguyễn Bá Lân, Ngô Thì Sỹ được Chúa Trịnh cất làm học-sĩ để duyệt sách trong phủ Chúa.

Cuối đời Hậu Lê, chúa Trịnh chuyên quyền, chúa Nguyễn phải xuôi Nam, nạn kiêu binh trong triều và nhiều cuộc tao loạn đã xảy ra. Năm 1516, Trần Cảo gây náo loạn, phá kinh thành, sách vở rắc bỏ đầy đường. Nhà Mạc truy tầm, sưu tập lại được khá đầy đủ, nhưng khi vua Lê chúa Trịnh lấy lại kinh thành, sách vở bị lửa cháy. Lại phải tái lập các thư viện.

Từ thế kỷ 16, 17, các giáo-sĩ truyền giáo Âu Tây đến Việt-Nam viết tay và in ấn kinh sách trong nội bộ Nhà Chung, cũng ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt in ấn của người Việt.

Đời Tây Sơn, vua Quang Trung đề cao chữ Nôm và nền quốc-học cũng như ra lệnh dùng chữ Nôm trong các văn kiện chính thức, việc cai trị, hành chánh và thi cử – vua tự viết chữ Nôm trong các văn bản và giấy tờ. Ông đã cho thành lập thư viện Sùng Chính năm 1791 và cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, là nơi lưu trữ kinh sách và biên soạn, dịch chú một số Kinh sách Nho gia sang chữ Nôm, cũng là nơi dạy học. Vua còn cho biên soạn bộ Đại Việt Quốc Thư gồm văn thư ngoại giao và của triều đình. Đời vua Cảnh Thịnh sau đó, sử quán đã biên soạn và cho khắc in bộ Đại Việt Sử Ký Tiền Biên 17 quyển. Những năm 1786 – 1802, Hà-Nội và nhiều thành phố bị đốt và cướp bóc, sách vở và thư viện thêm một lần bị tàn phá, mất mát.

Đời Nguyễn kế thừa truyền thống sưu tầm và tàng trữ thư tịch của các triều đại trước, lấy đó làm cơ sở làm nên kho thư tịch phong phú và đa dạng cho đời sau; sách vở cũng được thu thập và các vua hạ chiếu dân chúng ghi chép và nộp cho các quan sở tại, kể cả việc nhà vua xuống chiếu thu thập tài liệu về triều Tây Sơn vào năm 1828. Từ năm 1803, vua Gia-Long sai Lê Quang Định đi nghiên cứu từ Lạng Sơn đến Hà-Tiên để viết Nhất Thống Địa Dư Chí. Sau đó vua sai soạn Duyên Hải Lục, Quốc Triều Thực Lục, ... Năm 1858, vua Tự Đức quan tâm về việc biên soạn sử cũng như thư tịch lịch sử và đã ra chỉ dụ về phương pháp và nguyên tắc viết sử, nhờ đó đã có nhiều bộ sử được in thời nhà Nguyễn.

Các sử quán và thư viện, văn khố được liên tục thành lập:

– Quốc Sử Quán khai mạc năm 1820 và hoạt động từ 1821 đến 1841, ở phường Phú Vân trong kinh thành, là cơ quan chính tiếp nối Sử-Cục thời Gia Long (và Lầu Tàng Thư là nơi lưu trữ công văn). Quốc Sử Quán lưu trữ nhiều sử liệu in và viết tay do các triều trước để lại và các văn kiện hành chánh, các Châu-bản (từ Gia Long, 1819) và văn bản ngoại-giao từ Nội Các chuyển ra. Đây cũng là nhà in và phát hành sách vở nhất là các bộ quốc sử, địa-phương chí, văn học sử và pháp sử do các quan Quốc Sử Quán biên soạn như các bộ Liệt Thánh Thực lục, Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương mục, Đại Nam Thực Lục cũng như của các quan chức như Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức, … Theo thư-mục Sử Quán Thủ sách (1907), số sách bấy giờ tại thư viện này có 169 bộ gồm Đại Nam thực lục, Ngọc điệp (Gia phả Hoàng tộc), Ngự chế thi tập (những tập thơ do các vua làm), di chiếu, hòa ước, thương ước cùng các ván in cho 68 bộ sách. Hai bộ phận ở Quốc Sử Quán: quản lý có Giám-tu, Tổng-tài, biên soạn và lưu trữ có Toản-tu, Biên-tu, Khảo-hiệu, Đằng-lục, Bút-thiếp-thức, Thư chưởng và Nhập-lưu, số nhân viên thay đổi tùy công tác. Năm 1841, đời vua Thiệu Trị thành lập Thư viện Quốc Sử Quán và bổ nhiệm chức quan Thư-trưởng (Trưởng Thư-giám) để quản thủ một cách hiệu lực hơn.

– Cổ Học Viện chứa sách Kinh, Sử, Tử, Tập của Trung Quốc và Quốc thư khố gồm sách Hán Nôm của Việt Nam. Tập Hiền Viện (1848) và Khai Kinh Điện được vua Tự Đức chọn làm nơi biên soạn sách vở;

– Thư viện Đông Các thành lập năm 1826, là thư viện riêng của vua, còn được gọi là Thư viện Nội Các. Năm 1902 có 7.190 bản sách. “Fonds annamites” của thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d’Extrême-Orient) gồm những bản sao chép các sách ở nơi đây. Theo Nội Các Thư Mục năm 1908 thì số sách tàng trữ tại đây “ghi rất sơ sài mỗi bộ chỉ có tên sách và số quyển, cũng chia làm 5 loại: Quốc triều thư mục, kinh, sử, tử, tập, không ghi tổng số”, Nội Các Thủ Sách năm 1914 thì cho biết chỉ còn 70 bộ sách sử và thơ văn triều Nguyễn (Trần Văn Giáp. Sđd tập 2, tr. 266, 267);

– Tụ Khuê Thư-viện từ 1852, xây cạnh thư viện Nội Các vì thư viện này có từ 1802 đã hết chỗ, tiếp tục lưu giữ sách Kinh, Sử, Tử, Tập và sách cổ do vua ra lệnh sưu tầm cả nước – năm 1866 có 80 bộ, 322 bản và năm 1881 có 77 bộ và 585 bản (Trần Văn Giáp. Sđd tập 2, tr. 265);

– Tân Thư-viện (Duy Tân, 1909) là thư viện cho trường Quốc Tử Giám đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, hội thảo và bình văn, giữ sách về Kinh, Sử, Tử, Tập và Quốc Thư, Tây Thư và là nơi lưu trữ sách của Cổ-Học Viện và trường Hậu Bổ. Từ năm 1908 dời theo trường về bên trong Kinh Thành, sau cửa Thượng Tứ. Đến năm 1923 lại dọn về đặt ở dãy nhà nằm bên trái phía sau Di Luân Đường vì phải nhường cơ-sở làm Viện Bảo-tàng Khải Định. Năm 1912 có khoảng 4.000 bộ với 58.850 bản, trong đó, 1.481 bản sách Việt-Nam (Trần Văn Giáp. Sđd tập 2, tr. 267). Năm 1914 có 2.640 bộ sách bao gồm 4.570 bản sách thuộc các bộ Kinh, Sử, Tử, Tập, 6.801 bản thuộc loại quốc thư. Năm 1933, trường Quốc-Tử Giám bị bãi bỏ và tòa nhà được dùng làm Thư-viện Bảo Đại.

– Thư viện Bảo-Đại được khai trương ngày 5-8-1934. Dịp này, Thượng-thư Phạm Quỳnh cho biết Thư-viện có 10.914 cuốn sách của tác giả Việt-Nam và Trung-quốc, và có một chi nhánh dành cho sĩ tử và độc giả (Nam Phong, số 201-202, 8-1934, tr. 31). Thư viện triều đình này được biết là một kho sách phong phú và quý hiếm vì sách vở của Lầu Tàng Thư và Tụ Khuê Thư viện được đưa về đây cũng như sách quý của gia đình các quan lại – đặt dưới sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Kỳ khoảng đầu thập niên 1940. Những năm 1934-1935 từng có kế hoạch biến Thư viện này thành Tổng Thư-Viện Trung-Ương nhưng không thành (Phạm Quỳnh cho biết thư viện này có thể gọi là “Thư-viện Quốc gia Việt-Nam” – Bđd, tr. 31).

Thư viện tư nhân có ở khắp miền đất nước và phong phú về nội dung, thể loại và đặc biệt sách chữ Nôm, đã là nguồn bổ sung cho thư viện triều đình thời bình cũng như thời loạn. Các nhà Nho mở trường dạy học hoặc các vị quan khi về hưu hay từ quan cũng có người mở trường dạy học, viết sách. Các vị này luôn có tủ sách gia đình và nhiều nhà có khối sách giá trị, quý hiếm – cả sách bị cấm. Nổi tiếng có tủ sách của dòng họ danh gia như Phúc Giang Thư-viện của dòng họ Nguyễn Huy, Long Cương Thư-viện của dòng họ Cao Xuân Dục, hoặc Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Lê Nguyên Trung, Ngô Thời Sĩ, v.v… Tu-viện và tư-phường, tư-gia cũng có khắc in sách vở, lập thư-trang xuất bản và bán sách cũng như trước-tác ngoài đường chính thức của triều-đình, quan chức.

Về in ấn, từ thuở cổ xưa, người Trung-quốc đã dùng trúc mộc, trúc bạch, giáp cốt, lụa, đồ đồng thau, đá (thạch khắc), đất sét, … để in ra nhiều bản, sau mới dùng đến gỗ tức mộc-thư (ván khắc) và với sáng chế ra giấy, được khắc và dùng để in ấn từ hai thế kỷ trước Công nguyên. Đến thế kỷ 11 mới có kỹ thuật in chữ rời (hoạt tự), do một nông dân tên Tất Thăng nghĩ ra; rồi chữ rời bằng thiếc, bằng chì. Ở Việt-Nam, hiện có nơi còn giữ được của triều Trần, thế kỷ 14 nhất là các Mộc Kinh Thư in kinh sách nhà Phật. Còn Mộc Văn Thư in sách văn thơ truyện ký thì có từ Lương Như Hộc đời Hậu Lê học nghề khắc mộc-thư sau khi đi sứ bên Trung-quốc về và ba làng Liễu Tràng, Thanh Liễu và Khuê Liễu vùng Hải Dương nổi tiếng về nghề in và khắc ván. Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Huy Oánh khi về trí sĩ, lập Phúc Giang thư-đường phát triển nghề ấn loát, trở thành nơi in sách giáo khoa quan trọng đưa đến việc chúa Trịnh Giang ban lệnh cấm chỉ nhập sách tứ-thư ngũ-kinh từ Trung-quốc vì nay đã có thể in tại thư-đường này. Cũng tại đây, ông lập xưởng chế khắc mộc-bản và Nguyễn Huy Tự (tác giả truyện Hoa Tiên), con ông, tiếp nối sự nghiệp. Đời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng lập Quốc Sử Quán và cho khắc in mộc bản để in nhiều đầu sách như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, … Ấn Thư-cục có nhiều người làm với chức vụ khác nhau như kiểm-hiệu, thư-lại, thợ khắc chữ, … Kho mộc bản nhà Nguyễn với trên 30.000 ván in từ năm 1960 được chính phủ Việt-Nam Cộng-Hòa chuyển về bảo tồn tại Đà-Lạt.

Về hình thức sách, đời nhà Thương (1776-1122 trước CN) có “giản sách” là sách viết trên mảnh tre – trên thẻ tre gọi là “trúc giản”. Thời Xuân Thu có sách viết trên lụa, gọi là “bạch thư”. Sau đó giấy được Thai Luân đời Đông Hán (125-220 trước CN) sáng chế. Từ khi giấy được phát minh và kỹ thuật khắc gỗ và in ấn ngày càng lan ra khắp các nước, sách được phổ biến và các thư viện sẽ được lập ra để tàng trữ. Đặc biệt, thời nhà Nguyễn đã có những sách bằng lụa và kim loại (vàng, bạc, đồng) viết chữ để tôn phong các vua chúa hoặc ban tặng cho các thành viên được sủng ái trong hoàng gia và hoàng tộc tùy địa vị và chức tước từ vua Gia Long đến Khải Định; ngoại lệ là cuốn khắc thơ vua Minh Mạng ngự chế gồm bài “đế hệ thi” và 10 bài “phiên-hệ thi” đặt chữ lót sẵn cho 20 thế hệ con cháu thuộc dòng chính và 10 dòng phụ của 10 anh em trai của vua; các sách này được đúc năm 1823, nay hình như đã không còn dấu vết (X. Paul Boudet. Bđd, tr. 245-253).

Thời lịch triều, sách kinh sử muốn được in ra hoặc phổ biến thường phải dâng vua ngự-lãm và phê chuẩn ban khen rồi mới được khắc in hoặc lưu trữ trong các thư viện, bí-thư khố. Công văn, tấu sớ được vua “châu điểm”, “châu phê”, “châu khuyên” hay “châu mạt” mới được gọi là “châu bản” sẽ là nguồn sử liệu chính thức được dùng để chép “thực-lục”. Riêng sách chữ Nôm thì có thời bị cấm in, như năm 1663, phủ Chúa Trịnh ra 47 điều giáo hóa trong đó có điều cấm in bán truyện thơ chữ Nôm không tuân thủ giáo điều (“nôm na mách qué”); nếu ai có phải nộp hoặc hủy đi – cũng là thời các nhà Nho sáng tác thơ truyện dồi dào và việc in ấn trở nên dễ dàng ngoài tầm kiểm soát của triều đình. Thơ truyện chữ Nôm thường được viết tay, tư nhân in khắc ván và phổ biến, như thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, … hoặc các thơ khuyết danh như Phan Trần, Quan Âm Thị Kính, Thạch Sanh, Bích Câu Kỳ Ngộ, Phạm Công Cúc Hoa, v.v…

Từ khi nước Việt-Nam có thư-viện, kinh sách chữ Hán luôn chiếm độc tôn rồi trở nên đa số với sự xuất hiện các tác phẩm chữ Nôm, và cuối cùng từ đầu thế kỷ 20, sách vở chữ Hán dần trở thành “tử ngữ” và cần được dịch thuật ra chữ quốc ngữ. Kỹ thuật in ấn cũng tiến hóa theo thời gian: ban đầu thỉnh mua kinh sách từ Trung-quốc, sau khắc in ngay trong nước, từ những ấn-thư cục trong triều đình lan ra đến chùa chiền và tư-nhân.

Từ khi chữ quốc-ngữ được chính thức sử dụng ở Nam-kỳ (1869) và triều đình Huế bỏ thi chữ Hán (1919), việc in ấn sẽ sử dụng chữ quốc-ngữ (1864, riêng cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và quyển giáo lý tiếng Việt của A. de Rhodes đã được in ở La Mã năm 1651. Ở Bangkok Thái-Lan cũng từng có nhà in kinh sách Tân Ước và Cựu Ước chữ quốc-ngữ. Kinh sách chữ Nôm thì cũng được viết và in ấn từ các Nhà Chung truyền giáo từ thế kỷ 17, 18 như cuốn Từ điển Dictionarium Annamico-Latinum của Tabert thì được khắc in ở Ninh Phú năm 1877) kéo dài cho đến khi có kỹ thuật điện toán và nhu liệu ký-tự chữ Việt từ giữa thập-niên 1980 – và từ đây “nhà xuất bản” có thể thu hẹp vào máy điện toán và do một người duy nhất điều động.

Mặt khác, từ ngày 29-11-1917, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã ký quyết định thành lập Thư-viện Trung-ương Đông Dương tại Hà-Nội và như vậy, thư-viện này song hành với các Thư-viện của triều đình Huế, dĩ nhiên nhiều sách báo ngoại ngữ bên cạnh sách chữ quốc ngữ (và một phần sách chữ Hán và Nôm) nhờ chính sách “dépôt légal” (nghị định nộp bản ngày 31-1-1922, nhưng trước đó từ 1897 nghị định áp dụng cho toàn cõi Đông dương).

Thư-Tịch Việt-Nam

Thư-tịch chí (bibliographie) – còn gọi là Kinh-tịch chí, là nguồn tài liệu văn học, lịch sử, cũng đồng nghĩa là nguồn văn hiến của một dân tộc – nói theo Trần Văn Giáp trong Mở đầu cho bộ Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm: “Chữ văn học ở đây có thể tương tự như chữ văn hiến nghĩa là các ‘tư liệu thành văn còn truyền lại’” (Bản 1984, tr. 14). Các “thư mục” đã xuất hiện sớm từ thời Hy-Lạp Cổ-đại, gọi là “bibliographo”, từ thế kỷ 15, xuất hiện thêm các từ “catalogue”, “catalogus” và từ thế kỷ 17, từ “bibliographica” trở thành chính thức sử dụng. Ở Đông phương, Lưu Hướng sống vào thế kỷ thứ nhất trước Công-nguyên là người đầu tiên lập thư-mục với từ “Biệt lục” rồi “Nghệ Văn Chí”. Sau thêm từ “Kinh tịch chí” từ thế kỷ thứ 7. Ở Việt-Nam, Lê Quý Đôn là nhà thư-mục đầu tiên, dùng từ “Văn Tịch Chí”, Phan Huy Chú dùng “Nghệ Văn Chí”, miền Nam trước 1975 dùng các từ “thư-tịch”, “mục-lục” còn miền Bắc từ 1954 và cả nước sau 1975 thì dùng từ “mục-lục” để chỉ các “thư-mục” là từ cuối cùng trở nên thuật-ngữ phổ biến nhất.

Điển lễ, hiến chương, văn chương sách vở tức kho tàng thư tịch Việt-Nam đã khốn đốn theo mệnh nước, cùng với hoàn cảnh dân tộc, đất nước, sau những cuộc ngoại xâm (Bắc thuộc, nhà Minh, Pháp thuộc) và chiến tranh, nội chiến, đã thất thoát cũng như bị hủy hoại rất nhiều. Sách vở còn truy tìm, sưu tầm lại được khá đầy đủ, nhưng các văn bản chiếu, sắc, lệnh cũng như các bài ca, tụng, các tờ tâu, biên bản về điều lệ, điển chương của các vương triều thì rất thiếu sót.

Lê Quý Đôn được xem là nhà thư-tịch đầu tiên của Việt-Nam, với thiên “Nghệ Văn Chí” trong Đại Việt Thông Sử với 115 tác phẩm từ đời Lý-Trần đến đầu đời Lê Trung Hưng tức từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII. Với hai chức vụ Thủ thư Viện Hàn Lâm năm 1754 và học sĩ ở Bí-Thư Các năm 1762, ông đã bỏ ra 10 năm để biên soạn Đại Việt Thông Sử. Năm 1775 ông được cử chức Quốc-sử quán tổng tài. Phan Huy Chú tiếp nối truyền thống với thiên “Văn Tịch Chí” trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí bao gồm 214 tác phẩm nhờ bổ túc thêm 99 thư tịch từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII – đời Lê Chiêu Thống.

Gần đây nhất là Trần Văn Giáp (1898-1973) đã chứng tỏ là nhà thư tịch học, thư mục học xuất chúng của Việt Nam, với Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm có giá trị như một nguồn tài liệu văn học, sử học Việt Nam đồng thời có giá trị đặc biệt về phương pháp thư mục học khoa học. Đây là bộ thư mục tổng hợp với một quy mô lớn gồm 2 tập: tập I xuất bản năm 1971, tái bản năm 1984 và tập II xuất bản năm 1990. Bộ thư mục này giới thiệu cho chúng ta trên 300 tác giả Việt Nam với đầy đủ tiểu sử và 470 bộ sách Hán Nôm được chọn lọc và phân tích kỹ lưỡng. Đây là một bộ thư mục tổng hợp, hồi cố, bao gồm đa phần kho tàng sách phong phú của nước ta, gồm những tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Nói chung, cả ba ông đều đã sử dụng phương pháp thư mục học đặc biệt, sáng tạo mang tính Việt Nam với phân loại sắp xếp sách trong thư mục theo phương pháp phân tích hình thức và nội dung các tác phẩm, tức không rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc.

Phân Loại, Sắp Xếp Sách

Thư viện ở các nước từ trước nay đều có những phương pháp và hệ thống phân loại sách báo in giấy hoặc sử dụng các kỹ thuật microches, microfilms, cassettes, videos, CD, DVD, v.v… Ở Âu Mỹ, Dewey thập phân và Library of Congress là hai hệ thống phân loại thường được sử dụng. Các thư viện ở Việt-Nam thì lịch sử cho thấy từ thế kỷ 18 mới có phân loại và thư-mục.

Phương pháp phân loại và sắp xếp sách ban đầu ở nước ta dựa theo cách của người Trung-quốc, theo Tứ khố Toàn thư (Trung Quốc cổ, xuất phát từ Lưu Hướng và Ban Cố) phân loại sách chia thành “tứ bộ 部”: 1. Kinh 經 bộ với 10 loại lớn, 2. Sử 史bộ 15 loại, 3. Tử 子 bộ 14 loại và 4. Tập 集 bộ 5 loại.

Những thư mục Việt-Nam được biên soạn và còn lưu lại có Tụ Khuê Thư viện Tổng mục ghi sách Trung-quốc chứa tại Thư viện Tụ Khuê triều Nguyễn phân chia theo 5 loại: Kinh bộ – Sử bộ – Tử bộ – Tập bộ và – Tây dương thư (sách dịch từ ngoại ngữ). Theo kiểm kê năm 1902 có 2.155 bộ, lẻ 263 bản Kinh, Sử, Tử, Tập: – Bản quốc thư 232 bộ, lẻ 703 bản – Kinh bộ có 776 bộ, lẻ 69 bản – Sử bộ 712 bộ, lẻ 173 bản – Tử bộ 1.081 bộ, lẻ 216 bản – Tập bộ 1.089 bộ, lẻ 84 bản – Tây thư 77 bộ, lẻ 96 bản và 50 tập. Cùng năm, thư-viện Đông Các có 7.190 bản.

Tân Thư Viện từ 1909, chia kho sách thành 3 khu: Sách Trung-quốc – Sách Bản quốc – Tây văn tức sách phương Tây. Vào năm 1912 có khoảng 4.000 bộ, xếp theo các kho Kinh, Sử, Tử, Tập và Quốc thư (sách Việt-Nam) – Tây thư (sách Tây phương dịch ra Hán văn).

Cổ Học Viện: theo Cổ Học Viện Thư Tịch Thủ Sách do Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Tiên Khiêm, … biên soạn năm 1924 ghi chép 11 cuốn mục lục với 9 phân loại: Tân thư – Kinh khố – Sử khố – Tứ khố – Tập khố – Ngự Chế – Văn thơ, truyện ký và – Quốc thư (sách Việt-Nam).

Ngoài ra, có Hoàng Lê Tứ Khố Thư Mục và Hoàng Nguyên Tứ Khố Thư Mục của Lê Trọng Hàm và nhóm Đồng Thiên Hội: Hoàng Lê Tứ Khố Thư Mục gồm 76 bộ sách có trước triều Nguyễn, phân chia làm 5 loại Hiến Chương 8 bộ – Kinh Sử 13 bộ – Thi Văn 29 bộ – Truyện Ký 28 bộ và Tạp loại 6 bộ. Hoàng Nguyên Tứ Khố Thư Mục ghi chép 159 bộ sách từ đầu đời nhà Nguyễn, sắp xếp theo địa dư: Thần kinh 20 bộ – Bắc kỳ 70 bộ – Trung kỳ 42 bộ – Nam kỳ 21 bộ – Các nữ sĩ 6 bộ.

Lê Nguyên Trung đời Thiệu Trị ghi lại thư mục Lê Thị Tích Thư Ký (1846) chia sách thư viện Chỉ Trai của gia đình thành 7 loại, xếp theo thứ tự số hiệu bổ sung: Kinh- Thư – Sử – Tử – Tập – Cử nghệ và Tạp trứ. Ông thích đọc sách và yêu quý sách như ông viết trong bài ký đầu thư-mục “Tôi đi làm quan đã lâu, tiêu pha tằn tiện, hễ còn tiền tôi đem mua sách để dành. Hễ mua được thì bộ nào đóng thành từng bộ ấy, và tự yên ủi: Ấy là ruộng báu nhà ta (…) Trung, Hiếu là của báu của nhà nho, kinh sử là của cải ruộng nương của nhà nho” và “Xưa kia, có người cứ đến ngày Canh Tý thì làm lễ bái kinh”.

Cách phân chia theo khu vực địa lý không thích hợp với thư mục và văn hóa dân tộc tổng hợp. Những cách trên nói chung hoặc quá đơn giản hoặc không thực sự phù hợp với nội dung thư-tịch của Việt-Nam. May thay, lịch sử thư-tịch Việt-Nam đã có được hai nhà bác học Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú.

Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn Vân Đài Loại Ngữ, là một thứ “bách-khoa toàn thư” với 9 đề mục tổng luận kiến thức khoa học và nhân văn Đông-Tây, trình bày và nhận xét, bình phẩm các nội dung và đề tài. Dù vẫn ảnh hưởng của vũ-trụ luận Tống Nho cùng trích dẫn kinh sách Trung-quốc, nhưng qua các giảng luận mạch lạc và cụ thể, ông đã chứng tỏ có kiến thức khoa học luận và lý luận, như việc ngày xưa áp dụng khoa thiên văn vào địa lý, xác định khu vực các vì sao tương ứng với khu vực quốc gia trên mặt đất và cũng từ đó quy ra các điềm lành hay dữ của trời đất đối với con người và ông nghi ngờ không có cơ sở những cái gọi là điều ứng hiện lành dữ trên. Ông đã nói đến bốn châu Á, Âu, Phi, Mỹ và cho rằng quả đất tròn và bài bác quan niệm cũ cho rằng “trời tròn đất vuông”. Quan trọng hơn nữa, đây là lần đầu, một hệ thống phân loại kiến thức được nêu ra rõ ràng và áp dụng trong biên khảo. Ông còn soạn Quần Thư Khảo-Biện khảo cứu và biện luận về các sách xưa và nay, và Kiến Văn Tiểu Lục ghi lại nhận xét và tài liệu, thơ văn, kinh sử liên quan khi đọc sách.

Với “Nghệ văn chí” (Đại Việt Thông Sử), Lê Quý Đôn đi xa hơn nữa và hệ thống hóa việc phân loại kiến thức và sách vở khởi đi từ phương pháp đã quen của Trung-quốc để đề ra một hệ thống phân-loại thích hợp cho nước Đại Việt. Ông đã nghiên cứu, tìm hiểu nội dung các sách từ các kho sách, từ các sách sử và đã chia 115 bộ sách thành 4 môn loại chính, trong mỗi môn loại lại sắp theo thứ tự thời gian. Mỗi sách có các chi tiết thư-mục như tên tác giả, tựa sách, phụ đề và bao nhiêu tập, kèm theo phân tích nội dung và lời bàn hoặc phê bình; cuối cùng là trình trạng thư tịch và ở đâu bao nhiêu bản – có khi sách không còn, ông vẫn ghi lại để truy tìm, bổ túc sau:

Hiến chương loại 16 bộ sách liên quan đến Nhà Nước, thể chế, luật pháp, văn sử và khoa học tự nhiên; 2. Thi văn loại 67 bộ; 3. Truyện ký loại 19 bộ và 4. Phương kỹ loại 14 bộ sách liên quan đến khoa học tự nhiên (X. ĐVTS, tr. 127-140).

Lê Quý Đôn còn có công với biên khảo và thư-mục Việt-Nam với các tuyển chọn thi ca (Toàn Việt Thi Lục), văn xuôi (Hoàng Việt Văn Hải), cùng tiểu truyện các danh nhân Việt và các nhà văn, thơ (Kiến Văn Tiểu Lục).

Phan Huy Chú (1782-1840) được vua Minh Mạng triệu vào triều đình làm Hàn lâm Biên-tu trường Quốc-Tử Giám năm 1821. Thời gian đầu ở đây, ông đã dâng lên vua bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí mà ông đã biên soạn trong 10 năm (1809-1819) và được nhà vua khen thưởng và cho khắc in. Bộ sách gồm 49 quyển chia thành 10 Chí, trong đó “Văn tịch chí” trình bày cách phân loại và sắp xếp sách cũng như văn liệu qua các đời. Cùng mục đích như “Nghệ văn chí”, 50 năm sau, Phan Huy Chú đã bổ sung nhiều tài liệu và “hiện đại hóa” phương pháp biên soạn. Mỗi sách ghi các chi tiết thư-mục như tên tác giả, tựa đề, phụ đề và số tập, thời gian ra đời, còn hay đã thất lạc, thiếu phần nào, hình thức chép tay hay được khắc in, cùng phân tích nội dung và lời bàn hoặc phê bình với dẫn chứng, cả nguồn thư mục tham khảo để tác giả biên soạn. Phan Huy Chú cũng đã ghi lại danh mục các sách bị người Tàu nhiều lần cướp đưa về và từ nay không còn dấu vết.

“Văn tịch chí” chia sách vở thành 4 mục (5, nếu so với “Nghệ văn chí”) với 214 tựa sách từ thời Hồng Bàng đến cuối triều đại Hậu Lê:

Hiến chương loại 26 bộ sách về tập diệp phả, điển lệ, hình luật, bản đồ, bang giao tức liên quan đến Nhà Nước;

Kinh sử loại 27 bộ gồm sách của nho gia trước thuật, giảng giải, bình luận nghĩa lý các kinh truyện, các bộ sử – so với “Nghệ văn chí”, phần này tách riêng và thu tóm, ghi nhận thêm nhiều kinh sách, sách dịch;

Thi văn loại 106 bộ gồm các tập ngự-chế của các triều, các tác phẩm của văn nhân hay công khanh có tiếng và các tuyển tập thơ văn qua các triều đại; và

Truyện ký loại 54 bộ gồm các bản thực-lục (không là chính sử) của các triều, các bản kiến-văn tạp chí, các sách địa lý cùng các tác phẩm văn xuôi và các sách tổng loại.

“Phương kỹ loại” trở thành phần phụ và gồm 10 tài liệu về các môn khoa học như toán, dược, đạo Phật, địa lý, … (X. LTHCLC tập 3, tr. 63-183).

Trong bài Tựa, ông viết: “Cái diệu trong chế tác tỏ ra ở điển lễ hiến chương, cái hay trong tâm thuật ngụ vào trong văn chương sách vở, cho nên xem đến tư văn thì biết được đạo đời. Thư tịch, văn minh của loài người là ở đó.

Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh, Lê dựng nước, đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý, Trần nội trị, văn vật mở mang, về tham định thì có những sách điển chương điều luật, về ngự chế thì có các thể chiếu sắc thi ca. Trị bình đời nối, văn nhã đủ điều. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có, văn chương nảy nở như rừng, sách vở ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn, thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy. Đến khi nhà Lê dựng nước, văn hóa lại càng thịnh dần, hơn ba trăm năm, chế tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại. Trong khi ấy các bực vua sáng tôi hiền cùng bàn bạc, các nhà học rộng tài cao soạn thuật ra, tinh thần ngụ đó, tiếng tăm lẫy lừng. Tóm lại mà xét, há chẳng phải là văn nghệ thịnh vượng sao! Nhưng trải qua bao cuộc bể dâu, nhiều phen binh lửa, như cuối đời Trần bị nạn giặc Minh, thư tịch đã mất một lần trước (khi nhà Nhuận Hồ thất thủ, tướng Minh là Trương Phụ lấy cả sách vở cổ kim đưa về Kim Lăng, đầu nhà Lê bị loạn Trần Cảo, thư tịch lại tan một lần sau (cuối năm Hồng Thuận, Trần Cảo làm loạn, kinh thành bị mất, nhân dân tranh nhau vào các nơi cung cấm dinh thự lấy tiền của, văn thư, sách vở ném ra đầy đường). Từ Trung hưng về sau, tuy đã cố tìm tòi, nhưng sau khi đã tản mát đi, thu thập lại được cũng khó. Nội các thì không có kho chứa sách riêng, sử thư lại không chép văn tịch khiến cho điển cổ các triều đều không còn nữa, người muốn khảo cổ vì thế phải phàn nàn mà rất tiếc.

Than ôi! Sách vở các đời đã từng tản mát, sách mất đã khó sưu tầm, sách còn lại nhiều sai lẫn, đằng đẵng ngàn năm, biết theo vào đâu mà khảo xét? Nhưng sự học ở các nhà nho quý ở tìm rộng, cần phải tìm tòi ở giấy má còn lại, đừng đổ cho là không có sách vở để làm bằng. Tôi bèn xét tìm sử cũ, tham khảo các nhà, biên hết tên sách, chia làm bốn loại: 1. Loại hiến chương, 2. Loại kinh sử, 3. Loại thi văn, 4. Loại truyện ký. Trong đó có nhiều thứ tên thì còn mà sách thì đã mất, cũng nêu đủ và chua rõ. Thứ nào còn thì đều có lời phê bình để cho người xem biết được đại cương những thuật xưa nay, thấy được đại khái hay dở của các sách, ngõ hầu giúp cho sự xem rộng biết nhiều. Các môn loại đều tóm tắt biên lên đầu để cho dễ hiểu” (Sđd, tập 3, tr. 63)

*

Chế độ nạp bản đã được áp dụng vào đời nhà Nguyễn. Các thư viện Cổ Học Viện, Tụ Khuê Thư viện, Tân Thư-viện và các thư-viện của Đông-Các Viện và Sử Quán đều áp dụng chế độ đăng ký sách. Mục đích là để xây dựng các mục-lục sách và hoàn thiện việc bổ sung và lưu trữ sách – gần giống như việc buộc các nhà xuất bản nộp-bản cho thư-viện quốc-gia ở các nước trên thế giới với mục đích kiểm soát thư-tịch và gầy dựng, bảo tồn gia tài văn hóa chung.

Việc cho mượn sách thư viện công thời lịch triều thì chúng tôi không có được chi tiết. Thư-viện ở các Quốc-Tử Giám chắc phải có hệ thống cho các học sinh, quan triều mượn sách để nghiên cứu và “dồi mài kinh sử”. Các sử-quan và nhân viên trực thuộc có thể tra cứu, tham khảo sách vở và tài liệu tại chỗ. Chỉ ghi lại đây việc Lê Thị Tích Thư Ký thư mục tủ sách gia đình của Lê Nguyên Trung đời Thiệu Trị cho biết vài ý niệm: “Bên cạnh tủ sách, tôi để quyển sổ ghi đủ 4 chi họ, ai cũng có thể mượn về đọc, ai mượn thì ghi rõ vào cuối bảng, khi trả lại, xóa tên đi. Việc này không thể xao lãng, để khỏi mất sách”.

Người trông coi các thư viện thời nay được gọi là thủ-thư, quản-thủ thư-viện. Ngày trước, quan thư-viện với trọng trách trông coi sách vở thì tùy thư-viện và trách nhiệm, được gọi lả Thủ Đại-Tạng kinh, Thủ Tạng thư, Giám Quốc Tử Thư-khố, Bí-thư giám học sĩ, Thủ thư, Học sĩ Bí-thư Các, Thư chưởng, … Để quản thủ các kho sách quốc gia, triều đại, cũng là kho tàng trí thức, gia sản văn hóa của đất nước, họ thường là những vị quan lớn trong triều đình hoặc đỗ đạt cao, quán thông kinh sử kim cổ như Lý Tế Xuyên, Trần Tôn, Lương Như Hộc, Vũ Vĩnh Trinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Chú, …

*

Tóm lại, thư viện luôn đã là “trí nhớ”, là “bộ não” của quốc gia, dân tộc và nơi đó là những trường lớp “đại học” cho các tầng lớp quý phái và bình dân (ai cũng có thể đi thi và làm quan nếu đỗ đạt). Thư viện thời lịch triều của Việt-Nam đã phát triển từ chỗ hạn hẹp (vua, con cháu vua quan, triều đình, thái học-sinh, tu viện và cả tư nhân) ra đến chỗ công chúng, đám đông (tỉnh, lộ, huyện, học sinh làng xã và độc giả có thể mua), từ chỗ mang tính triều đại, quốc gia thành nơi giáo dục, nghiên cứu, và từ kho lưu trữ trở thành nơi in ấn, phát hành và cuối cùng thành “thư viện” như hiện nay. Ban đầu, thư viện tập trung, lưu trữ tất cả mọi thể loại, từ kinh sách, sử, truyện ký, thơ ca cho đến chiếu chỉ, công văn và mọi thứ giấy tờ, nhưng từ cuối đời nhà Nguyễn cho đến nay, trở thành hai ngành gần gũi nhưng tách biệt nhau: “thư-viện” (library, bibliothèque) và “văn-khố” (archives). Ngoài các thư-viện lịch-triều như đã trình bày, năm 1825 vua Minh Mạng đã cho xây dựng Lầu Tàng Thư (藏書樓) để bảo quản sổ sách địa bạ, sổ thuế và sổ sách của Lục Bộ – trong khi Sở Bản Chương thuộc Nội Các thì chuyên lưu trữ tài liệu văn thư của vua và Nội-Các, các văn kiện ngoại giao, hiệp ước, … Thư-mục toàn bộ tài liệu theo thứ tự ngày tháng được ghi trong Tàng Thư Lâu Bạ-tịch. Riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây trước 1945 đã lên đến 12.000 tập. Ngoài ra nơi đây còn giữ nhiều bản thảo sách Nho, Y, Lý, Số, các bộ quốc sử, cùng rất nhiều bản gỗ (mộc bản). Sau Cách mạng Cộng sản tháng 8-1945, toàn bộ khối lượng sách khổng lồ của Tàng-Thư Lâu cũng như các thư viện khác nếu không bị cháy khi “cách mạng” đốt hoàng cung thì cũng đã thất thoát gần hết – có người đã nhìn thấy bán ở các chợ ở Huế. Vào năm 1947, Lầu Tàng Thư chính thức ngưng hoạt động, các địa bạ, điền bạ được chuyển đến Viện Văn hóa. Năm 1959, số tài liệu còn lại này được chuyển đến tàng trữ tại Viện Văn hóa Huế rồi năm 1961, chính quyền Việt-Nam Cộng Hòa chuyển toàn bộ khối “Châu bản triều Nguyễn” lên Văn khố tại Đà Lạt.

Nguyễn Vy Khanh

(trích NGÔN NGỮ – TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT – SỐ 8 1/7/2020)

Tài-liệu tham-khảo:

– Boudet, Paul. “Les Archives des empereurs d’Annam et l’histoire Annamite”. BAVH 29, no 3, 7-9/1942, tr. 229-259.

– Drège, Jean-Pierre. Les Bibliothèques en Chine au temps des manuscrits (jusqu’au Xe siècle). Paris: École francaise d’Extrême-Orient, 1991. 138 p.

– Dương Hổ-Tiểu Dương. Nghề Sách Trung Quốc. Nguyễn Mạnh Sơn dịch. TP. HCM: NXB Tổng hợp TP. HCM, 2011. 184 tr.

– Lê Quý Đôn Vân Đài Loại Ngữ. Bản dịch Phạm Vũ-Lê Hiền. Westminster CA: Tự Lực, s.d. 557 tr.

– Lê Quý Đôn Đại Việt Thông Sử. Bản dịch Ngô Thế Long-Văn Tân. NXB Văn Hóa-Thông Tin, 2006.

– Nguyễn Hùng Cường (1917-2004). Lược Khảo về thư-viện và thư-tịch Việt-Nam. Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu, 1972. 57 tr.

– Nguyễn Hùng Cường. “Tài liệu Việt học tại các thư viện lớn và các trung tâm Việt học”. Dòng Việt CA, số 2. tập 2, 1994, tr. 397-423.

– Nguyễn Vy Khanh. “Esquisse d’histoire de la bibliothéconomie viêtnamienne de XIe siècle jusqu’à l’occupation francaise” Projet de recherche, Université de Montréal, 1976. 20p.

– Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Bản dịch Viện Sử Học Việt-Nam. Hà-Nội: Khoa-học Xã-hội, 1992.

– Trần Văn Giáp. Tìm hiểu Kho Sách Hán Nôm: I- 1970; II- 1990 Tập I: Thư Viện Quốc Gia xuất bản năm 1971; Nxb Văn Hóa tái bản, Hà Nội, 1984. Tập II: Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.

___________________

NGÔN NGỮ – TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT – SỐ 8 1/7/2020

NHÓM CHỦ TRƯƠNG:

Luân Hoán – Song Thao – Nguyễn Vy Khanh – Hồ Đình Nghiêm - Lê Hân

CỘNG TÁC TRONG SỐ NÀY: Biển Cát, Bùi Dũng, Cao Nguyên, Cao Thoại Châu, Chân Phương, Châu Yến Loan, Chu Vương Miện, Cung Tích Biền, Đặng Hiền, Đức Phổ, Elena Pucillo Truong, Hiền Nguyễn, Hoài Ziang Duy, Hoàng Hương Trang, Hoàng Quân, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Liễu Ngạn, Lê Hân, Lê Hữu Minh Toán, Lê Thanh Hùng, Luân Hoán, Lữ Quỳnh, Mang Viên Long, Minh Ngọc, Minh Nguyễn, Mộng Hoa Võ Thị, Nguyên Cẩn, Nguyễn An Bình, Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Lê Hồng Hưng, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Minh Phúc, Nguyễn Quốc Hưng, Nguyễn Sông Trẹm, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Thành, Nguyễn Thiếu Dũng, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Vy Khanh, Như Không, NP Phan, Phạm Cao Hoàng, Phan Trang Hy, Phương Tấn, Sỹ Liêm, Song Thao, Thy An, Tiểu Nguyệt, Trần Dzạ Lữ, Trần Đình Sơn Cước, Trần Thị Nguyệt Mai, Trần Thị Trúc Hạ, Trần Trung Sáng, Trần Vạn Giã, Trương Thị Mỹ Vân, Việt Dương, Võ Kỳ Điền, Võ Phú, Võ Thạnh Văn, Vũ Hoàng Thư, Vy Thượng Ngã, Xuyên Trà, Y Thy.

BÌA: Uyên Nguyên Trần Triết
DÀN TRANG: Nguyễn Thành & Lê Hân
ĐỌC BẢN THẢO: Trần Thị Nguyệt Mai
LIÊN LẠC:
Thư và bài vở mời gởi về:
– Luân Hoán: lebao_hoang@yahoo.com
– Song Thao: tatrungson@hotmail.com
TÒA SOẠN & TRỊ SỰ:

Lê Hân: (408) 722-5626 han.le3359@gmail.com

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin