menu

Vai trò của các Thiền sư thời kỳ vận động Dân tộc Thế kỷ IX

View: 891 -     Nguyễn Hiền Ðức:       19/02/2019 05:02:33 am
Vai trò của các Thiền sư thời kỳ vận động Dân tộc Thế kỷ IX
Vai trò của các Thiền sư thời kỳ vận động Dân tộc Thế kỷ IX

 

HOA ÐÀM – Số 5
phát hành tháng 9, 2019 - Bìa sách: Uyên Nguyên

Chủ trương và thực hiện:
Hoa Ðàm Group, US.
Kết tập:
Nguyên Túc Nguyễn Sung ~ Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ
Nhuận Pháp Trần Lâm ~ Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh ~ Quảng Pháp Trần Minh Triết

 

Vai trò của các Thiền sư thời kỳ vận động Dân tộc Thế kỷ IX

Nếu hiểu tự chủ trong ý nghĩa sinh tồn của một dân tộc, là điều kiện tiên quyết, sống chết của một dân tộc và phải được trường kỳ tranh đấu trên mọi bình diện, trong điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử và địa lý… thì hơn ai hết, các Thiền sư Việt Nam đã phát khởi và tranh đấu cho ý thức tự chủ của Dân tộc.

Thật ra, cuộc vận động cho ý thức tự chủ để mà sinh tồn của dân tộc đã thành hình từ lâu và thực sự có qui cũ vào thế kỷ thứ VII để rồi hoàn thành một cách tốt đẹp ở thế kỷ X và đầu thế kỷ XI với sự xuất hiện của các Thiền sư Khuông Việt và Vạn Hạnh. Hai Thiền sư này thuộc hai hệ phái khác nhau, một bên gây được phong trào trong tầng lớp trí thức, bên kia có khuynh hướng, thần bí, giỏi phù sấm, đã gây được ảnh hưởng lớn lao đến tận hạ tầng cơ sở quần chúng. Nhưng đối tượng hoạt động dù có khác nhau, các Thiền sư đã thực sự phản ảnh dư luận của quần chúng, thực sự đại diện cho nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Trường hợp Cao Biền chẳng hạn, đối với lịch sử Trung hoa, ông là người có công dẹp giặc Nam chiếu, xây thành Đại la, làm hải cảng Thiên Uy và thiết lập những hải cảng chiến thuật… nên ông được sử Trung hoa và Việt Nam xem là công thần, nhưng đối với các Thiền sư Việt Nam, công trình của Biền chỉ là sự đe dọa trầm trọng, một xí đồ nguy hiểm và chỉ là một thứ “trù yểm”.

Sứ mệnh thứ hai của các Thiền sư, là vận động quần chúng trong mưu cầu tự tồn, tự quyết của dân tộc, cảnh giác quần chúng về mưu đồ của Bắc phương, và dự đoán sự thành hình của nhà Lý. Trường hợp Định Không là điển hình, trước nhà Lý đến hơn 200 năm mà đã có sấm ngôn về Lý Công Uẩn, đã có vụ mười khẩu chuông đồng, có tên làng Cổ pháp… Đây là giai đoạn các nhà Sư Việt Nam thực sự dấn thân và đã thể hiện một cách trọn vẹn tình tự yêu mến Quê hương Dân tộc.

Nhằm hỗ trợ hữu hiệu mục tiêu trên, các Thiền sư đã tham gia chính sự như trường hợp của Pháp Thuận và Khuông Việt, hai Ngài đã làm cố vấn cho vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và rất được Vua, Triều đình và dân chúng trọng vọng. Riêng về Pháp Thuận, Ngài làm việc cho cả hai triều Đinh Lê, và Ngài đã làm việc với một tinh thần tha thiết yêu mến Quê hương, Ngài đã không ngần ngại làm một người chèo đò tầm thường để đón sứ Tàu là Lý Giác và làm cho Lý Giác phải kính nể người Việt Nam…

Tiếp tục công trình dựng nước của các Thiền sư tiên phong, Vạn Hạnh đã trực tiếp tham gia chính trị và sự thành tựu tuyệt hảo nhất của Ngài trong lãnh vực này là đã xây dựng triều Lý – một triều đại huy hoàng nhất, sáng chói nhất, nhân đạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta không thể chối cãi được cái tác động mạnh mẽ, cái ảnh hưởng thâm sâu và tốt lành của Phật giáo Việt Nam trên triều đại này. Do ảnh hưởng này mà triều đại nhà Lý đã có những vị vua tha thiết với quốc gia và dân tộc, tha thiết yêu mến dân chúng. Sự kiện này chỉ có thể giải thích được bằng tình Đạo và tình Quê.

Vạn Hạnh đã dấn thân vào những hoạt động chính trị để đem lại những ảnh hưởng tốt đẹp cho nhà Lý. Và, tất cả những vàng son của Phật giáo Việt Nam, của Dân tộc Việt Nam đều do những bàn tay của các Thiền sư.

Tóm lại, qua hoạt động của các Thiền sư, nhà Lý đã bắt đầu một giai đoạn tự chủ dân tộc thực sự của lịch sử Việt Nam và Vạn Hạnh chính là người gây ý thức hệ dân tộc, đặt nền móng tâm linh của người Việt Nam, thể hiện sự ưu liệt của các tính và đặc chất của Phật giáo và Dân tộc Việt Nam. Nhưng có điều cần lưu tâm đặc biệt là, dù có dấn thân hay không dấn thân, dù có hoạt động chính trị hay không, các Thiền sư Việt Nam bao giờ cũng đem Đạo phụng sự cuộc đời, phụng sự Dân tộc và phụng sự Quốc gia…

Lý, Trần là hai triều đại sáng chói nhất trong lịch sử Phật giáo và Dân tộc Việt Nam, đã chứng tỏ một cách hùng hồn thế nào là bản sắc của một dân tộc, ý nghĩa sinh tồn của một quốc gia. Điều đó quá rõ ràng, rõ ràng đến nỗi hễ bất cứ ai còn có chút tình đối với quê hương tất phải cảm nghiệm được. Nơi đây, chúng tôi chỉ xét đến khía cạnh sự thành hình của văn hóa Việt Nam, công cuộc đặt nền móng tư thái cho người Việt Nam của hai triều đại này. Và điều tất nhiên là nền tảng của văn hóa Việt Nam là văn hóa Phật giáo. Tất cả đều bị ảnh hưởng của nền văn hóa này, và đây là niềm hãnh diện của Phật giáo Việt Nam vì đã cố gắng liên tục, kiên trì làm hậu thuẫn và tự mìh đóng góp một cách tích cực cho nền văn hóa đó.

Tuy nhiên, phải đợi đến nhà Trần (1225-1258), Phật giáo Việt Nam mới biểu lộ được tinh thần tự chủ trong đời sống tâm linh của mình. Vị vua của triều đại nà là Trần Nhân Tôn đã thể hiện một cách tuyệt hảo, đã dung hòa một cách trọn vẹn cái tinh thần của một chiến sĩ, đạo sĩ và thi sĩ. Sau khi từ giã ngai vàng, Ngài xuất gia và tự lập một phái Thiền mới mang tên là Trúc Lâm An Tử, đây là một Thiền phái không có mối liên hệ truyền thừa nào với các Thiền phái Trung hoa hay Ấn độ, mà hoàn toàn có tính chất sáng tạo, có tính cách học thuật Việt Nam để dung hòa giữa sứ mệnh Quốc gia và Phật giáo. Thể hiện cho tinh thần sáng tạo, đặc chất của dân tộc và Phật giáo Việt Nam là quyển Khóa hư lục do chính nhà vua soạn thảo.

Đây là pháp môn tu tập dành riêng cho người Việt căn cứ trên phương diện lịch sử và địa lý. Về phương diện lịch sử thì phải tranh đấu chính trị để sống còn – sống còn cho dân tộc và Đạo pháp – nhưng phải hành động thế nào để tránh những lầm lẫn, và do đó Khóa hư lục có đến 6 thời thay vì 1, và nhấn mạnh đến việc mỗi người phải luôn luôn suy tư mỗi mỗi hành động của mình. Về phương diện địa lý, nhân sinh và vũ trụ quan của Khóa hư lục theo thời tiết: bốn khổ thuận với bốn mùa, Sáu căn thuận với 6 thời. Thời tiết là cụ thể của thiên nhiên, do đó, Thiền Trúc Lâm An Tử đã khởi xướng một triết lý phấn đấu thiên nhiên để sống còn.

Tóm lại, nhà Trần đã thụ hưởng một gia sản quý giá của nhà Lý để rồi khởi xướng Triết lý hành động và cụ thể của nó bao trùm trong các lãnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và tất cả đều ảnh hưởng của Phật giáo.

Từ đây, chúng ta có thể kết luận rằng, với tinh thần Từ Bi và Vô Ngã của Phật giáo; với tinh thần Vô Úy và sự Hy Sinh lớn lao, Dân tộc Việt trong suốt dòng lịch sử hào hùng của mình đã ý thức thế nào là thích ứng để mà sống còn, thế nào là Quốc gia, Dân tộc, Đạo pháp và, chính vì ý thức đó mà trải qua bao lần, biết bao Phật tử Việt Nam đã chết trên quê hương khổ đau này. Họ chết cho sự tồn tại và sự lớn dậy của Quê hương… và những cái chết cao cả đó, quí giá đó gởi lại những gì cho những người còn sống…?

NGUYỄN HIỀN ĐỨC

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin