menu

Chiều Nhạc Kỷ Niệm 7 Năm Hương Thiền

View: 1112 -     Nguyên Giác Phan Tấn Hải       19/03/2019 10:03:10 am
Chiều Nhạc Kỷ Niệm 7 Năm Hương Thiền
Chiều Nhạc Kỷ Niệm 7 Năm Hương Thiền
Vậy là được 7 năm… Vậy là 7 năm hình thành Nhóm Hương Thiền, nơi những người yêu thích nhạc thiền, nhạc Phật muốn đóng góp cho một sinh hoạt hiếm hoi nơi cửa Phật. Dấu mốc này sẽ có một buổi văn nghệ kỷ niệm 7 năm.

Tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm trong tháng 3-2012, khi vui mừng nhận ra nghệ thuật đã chuyển tải được lời dạy của Đức Phật: …Không phải hôm qua… không phải ngày mai… mà là hôm nay… nơi đây… chánh niệm trọn đời…”

Đó là lời từ một ca khúc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và do Nhóm Hương Thiền trình bày.



Từ sáng kiến hoằng pháp của một nhạc sĩ và được hỗ trợ từ những người yêu nhạc, Nhóm Hương Thiền bây giờ sắp tròn 7 năm tuổi.

Tôi còn nhớ những đêm tập nhạc lúc đó của Nhóm Hương thiền hàng tuần ở Chùa Liên Hoa, nơi thành phố Garden Grove, tất cả mọi người trong nhóm, từ người đầu đàn gánh vác là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, tới 2 người thường giữ cương vị MC ứng đối nhanh nhẹn, trầm tĩnh và cả dí dỏm — chị Diệu Trang và anh Bùi Đường — cho tới tất cả các nghệ sĩ góp mặt trong nhóm sau khi mệt nhọc với việc làm mưu sinh hàng ngày là tìm tới niềm vui hát lời ngợi ca Đức Phật, mượn lời ca để trùng tuyên chánh pháp, dùng âm nhạc để mời gọi những người nghe ở Quận Cam cùng sống với lời dạy của Đức Phật. Lúc đó, cặp vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng Trọng Nghĩa và Mộng Lan cũng xông xáo giúp đỡ.

Các nghệ sĩ thường xuyên tập nhạc lúc đó là những Mộng Thủy, Chu Minh Quân, Quang Vinh, Khắc Hiền, Trọng Thái, Bích Trâm, Kim Yến… Và khán giả quan tâm còn là rất nhiều người khác, trong đó có Hòa Thượng Thích Chơn Thành, người cho mượn phòng hội Chùa Liên Hoa để Nhóm Hương Thiền ngồi tập nhạc…

Trong hàng khán giả thường xuyên là có tôi, không hiểu bao nhiêu về nhạc nhưng lại có cơ duyên giữ nhiệm vụ phóng viên thường xuyên để tường trình.

Nhóm Hương Thiền vì rất nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là không có tài chánh, chỉ thực hiện được mỗi năm một hay hai chương trình nhạc.

Nghĩa là, Nhóm Hương Thiền là con đò âm nhạc đưa người vượt qua dòng sông sinh tử mỗi năm chỉ một hay hai lần. Ai mà lỡ chuyến đò, xin mời vào thất ngồi thiền, chờ sang năm sau mới gặp lại cơ duyên âm nhạc này.

Nghĩa là, Nhóm Hương Thiền có thể hình dung như lời của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo trong ca khúc “Tịnh Mặc Nét Ai Cười”… trong đó, lời nhạc như dường đã tiền định cho công việc Nhóm:

Xin làm con đò chở nhân gian qua
Bờ bến trăm năm, thân chú mịt mù
Làm sông dài chảy mênh mang nhớ
Không có người… vốn không có người

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, tức Cư Sĩ Tâm Nguyện, trong một cuộc phỏng vấn riêng hồi năm 2012, đã giải thích về việc hình thành Nhóm Hương Thiền, nguyên khởi từ khoảng 20 Phật Tử — nhiều người trong đó là nhạc sĩ, ca sĩ — có cùng một ý tưởng là muốn sử dụng phương tiện âm nhạc để đưa Phật Pháp đến với thính chúng. Bởi vì trong các dạng văn xuôi, thi ca, âm nhạc, thì nhạc là hình thức nghệ thuật dễ đi vào lòng người nhất.


Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát (Ảnh: Uyên Nguyên)

Nhạc sĩ cũng cho biết ý nguyện ban đầu của Hương Thiền là muốn đóng góp vào việc đem nhạc thiền vào các sinh hoạt của Phật Giáo, nhất là tại các Chùa, các khóa tu, các lễ hội Phật Giáo được tổ chức nơi công cộng, để cảm hóa lòng người và góp phần vào việc hoằng pháp. Đặc biệt, quý anh chị Hương Thiền cũng muốn góp phần vào việc hướng dẫn, dạy cho các em Phật Tử về âm nhạc gồm sáng tác nhạc, ca hát, sử dụng các nhạc cụ để các em có thể tự mình đóng góp cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Quý anh chị Hương Thiền cũng cho biết nếu làm được như vậy thì mình sẽ gây được sinh khí cho việc đưa nhạc thiền vào các sinh hoạt từ trong chùa ra đến cộng đồng Phật Giáo và tạo sự thúc đẩy cho giới văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn nữa vào âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, mà hiện vẫn còn rất thiếu vắng.

Và bây giờ, chuyện của năm 2019: nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đã gưỉ lời mời tất cả đồng hương tham dự một chương trình đặc biệt, có tên là CHIỀU NHẠC KỶ NIỆM 7 NĂM HƯƠNG THIỀN.

Sẽ bắt đầu đúng giờ: 3:00PM Thứ Bảy 23/3/2019 tại Church of Religious Science (Sangha cũ), 7641 Talbert Ave., Huntington Beach, CA 92648.

Với các nghệ sĩ: Sangeeta Teresa Mai, Trịnh Hoàng Hải, Vũ Quang Vịnh, Thu Vàng, Nguyễn Đức Đạt, Diệu Vân, Hồ Quốc Việt, Kim Ngân, Lâm Dung, Thùy Lê, Đoàn Vũ Việt Cầm — Ban nhạc: Phạm Ngọc Tú (keyboard), Minh Tuấn (guitar), Nghiêm Phú Phát (piano) — Âm thanh & ánh sáng: Thạch Thông, Đoan Khánh, Trần Viết Trí — Nhóm Hương Thiền: Bích Liên, Diệu Trang, Đỗ Trọng Thái, Hoàng Huỳnh, Hương Xuân, Kim Anh, Kim Phượng, Lâm Kim Mai, Mạnh Tuấn, Minh Tuấn, Quốc Công, Tiên Dung, Thu Tuyết, Vân Anh, Xuân Thanh. Vé có số ghế: $25; vé đồng hạng: $10. Giữ vé, xing ọi: Kim Anh 7714-606-7901; Diệu Trang 714-271-2822; Hương Xuân 714-391-2429.

Nguồn: Việt Báo





Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và ước mơ về một ca đoàn Phật giáo

Ngọc Lan/Người Việt (June 1, 2012)

WESTMINSTER (NV) – Ôm ấp hoài bão phải làm sao để đưa âm nhạc đến với hoằng dương đạo pháp, “làm sao để từ những nét nhạc, lời ca mà người nghe có được sự thanh thản trong tâm hồn theo ý nghĩa của đạo pháp” là lý do thôi thúc nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nghĩ đến việc thành lập nhóm Hương Thiền, bước đầu cho ước mơ thành lập một ca đoàn Phật giáo trong tương lai.

Như lời nhạc sĩ tự nhận xét, “sở thích duy nhất” của ông là “hoạt động âm nhạc,” nên ngay từ nhỏ, cuộc đời ông đã gắn liền với các sinh hoạt văn nghệ. Từ trường tiểu học, lên tới trung học, vào đại học, cả khi vào lính, rồi trở lại với đời sống dân sự, thậm chí lúc vào tù cộng sản từ năm 1975 đến năm 1984, ông cũng “dùng khả năng văn nghệ của mình để sáng tác, viết lách và dùng nó như phương tiện đấu tranh.”

Ông cho biết, “Tôi không học trường chuyên về nhạc, nhưng tôi may mắn có hai người anh là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi và Nghiêm Phú Phương, tôi học nhạc từ họ.”

Mặc dù tốt nghiệp kỹ sư công chánh ở trường Kỹ Thuật Phú Thọ, “việc làm văn nghệ chỉ là thú vui” nhưng “văn nghệ lại chiếm nhiều thời gian và tim óc của tôi. Tôi từng là người thảo kế hoạch thành lập các đoàn văn tuyên trên toàn quốc và điều hành các đoàn văn tuyên trên toàn quốc, trừ đoàn văn tuyên trung ương tại Sài Gòn lúc đó.” Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói thêm.

Chính từ quá trình lâu dài gắn bó mật thiết với âm nhạc, với văn nghệ như thế, nên người nhạc sĩ này đủ thời gian và kinh nghiệm để nghiệm ra một điều “tác động của âm nhạc trong lòng con người mạnh lắm. Nó đi rất nhanh, đi rất sâu, và có thể tồn tại trong tâm hồn người ta nhiều hơn, lâu hơn những bộ môn nghệ thuật khác như văn thơ, nhiếp ảnh, hội họa, nghệ thuật nói chung.”

Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, thời gian gần đây nhất, “ở tuổi về già,” nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát “lại nghĩ đến chuyện làm sao đưa văn nghệ vào trong lãnh vực tâm linh với tư cách là một Phật tử mà cũng là người thấy nhu cầu đời sống tâm linh của mình phải được chăm sóc nhiều hơn.”

Ông nói, “Tôi có sáng tác vài chục ca khúc mang tính phổ biến đạo pháp và tôi ước mong là dùng những ca khúc này để có thể phẩn nào trợ duyên cho những sinh hoạt hoằng dương đạo pháp.”

Cách dùng âm nhạc trợ duyên cho những bài nói pháp, nếu có thể, để những nội dung thuyết pháp đó có thể đi vào lòng người một cách dễ dàng hơn và sâu hơn, theo người nhạc sĩ này chính là hình thức “pháp thí,” một trong ba pháp bố thí của nhà Phật là tại thí, pháp thí và vô ý thí.

“Bên cạnh đó, tôi cũng thấy được những ca khúc viết về đạo pháp hay mang những ý nghĩa của thiền, sẽ giúp người nghe cảm thấy được sự thanh thản của tâm hồn trước một cuộc sống đầy dẫy những sự căng thẳng của công việc, của gia đình, của đời sống xã hội,… Ai ai cũng muốn tâm hồn mình được bình dị, thanh thản, hạnh phúc hết.” Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát diễn giải thêm về ý nghĩa của dòng nhạc mang tính đạo pháp và chứa đựng chất thiền này.

Nhạc thiền và nhóm Hương Thiền

“Nhạc thiền” hay “thiền ca” là những chữ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, khi được hỏi “Nhạc thiền là gì? Như thế nào thì được xem là nhạc thiền?” nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, người sáng tác được một số bài hát “mang những ý nghĩa của thiền” thỉnh thoảng được phát trong chương trình thuyết pháp của các chùa trên các đài phát thanh hoặc được hát tại những sinh hoạt của nhà chùa trong những ngày lễ hoặc đại lễ, trả lời một cách thẳng thắn: “Thật sự nhạc thiền tôi chưa được học và cũng chưa nghe ai nói nhiều về nó.”

Mặc khác, ông nhận định, “Theo sự hiểu biết của tôi, một người chơi nhạc, viết nhạc, thưởng thức âm nhạc, và viết những ca khúc như thế và phổ biến một số thì thiền là một pháp môn tu của nhiều tôn giáo chứ không phải chỉ của đạo Phật. Ðây là pháp môn tu giúp cho tâm con người trở lại sự thanh thản, an bình, từ đó giúp cho con người sống được hạnh phúc, sống có ý nghĩa và làm được nhiều việc thiện trong cuộc đời mình.”

“Khi âm nhạc mang phần nhạc điệu và thể điệu cộng với lời ca mà chuyên chở được tính thiền thì mới gọi là nhạc thiền, ca khúc thiền hay thiền ca. Còn trong trường hợp chỉ là những lời ca mà lời nhạc ồn ào, náo nhiệt gây nên những xáo động trong lòng người nghe, thì phải coi lại đó có phải là nhạc thiền không.” Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát diễn giải thêm.

Chính từ suy nghĩ “thiền ca hay nhạc thiền sẽ giúp người nghe cảm thấy được sự thanh thản của tâm hồn trước một cuộc sống đầy dẫy những sự căng thẳng của công việc, của gia đình, của đời sống xã hội” mà nhóm nhạc Hương Thiền do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát thành lập chính thức ra đời vào Tháng Ba năm nay bằng một chương trình văn nghệ cũng mang tên “Hương Thiền” được nhiều người biết đến.

Việc thành lập nhóm nhạc với “mục đích tạo nên những thuận duyên đó,” theo nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát là “một sinh hoạt mang nội dung khá lạ, khá mới, chưa hề xảy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại.”

Tuy nhiên, “chương trình trình diễn văn nghệ mang tên Hương Thiền được quần chúng Phật tử đánh giá khá thuận lợi” và “yêu cầu thực hiện thường xuyên chương trình này.

Hiện tại, theo nhạc sĩ, “nhân sự của nhóm Hương Thiền là một số anh chị em văn nghệ sĩ là Phật tử, có được sự giúp đỡ của nhạc sĩ Võ Tá Hân và một vài tác phẩm của anh Hoàng Quốc Bảo” và nhóm đang trong quá trình “hợp thức hóa thành một nhóm non-profit để có tư cách pháp nhân hoạt động trong cộng đồng Việt Nam, để từ đó mới mời gọi được mọi người tham gia cùng.”

“Chúng tôi muốn kêu gọi những bạn trẻ tham gia vào nhóm này, từ đó sẽ có một chương trình diễn ra vào ngày Lễ Vu Lan sắp tới,” người thành lập nhóm nhạc Hương Thiền kêu gọi.

Những ai yêu thích đời sống âm nhạc, yêu thích cuộc sống tâm linh, yêu thích sự an bình, thanh thản, muốn tham gia vào nhóm Hương Thiền, có thể liên lạc với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát qua email: patricknghiem@yahoo.com hoặc điện thoại: (714) 852-2777.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin