HIỆN PHÁP LẠC TRỤ (TRÚ) LÀ GÌ? TRUYỀN THỪA – HỌC TẬP VÀ TỰ PHÁT
View: 1133 - Pháp Hiền cư sỹ 19/09/2019 06:09:27 am
OṂ! Đảnh lễ Pháp.Trên phương diện lịch sử, Phật giáo truyền đến Trung Hoa (không kể Việt Nam) vào thế kỷ thứ 1, cụ thể là năm Mậu Thìn, Vĩnh Bình thập nhất niên (永平十一年), tức là năm 67- 68 Tây lịch và Phật lịch là 611-612 (theo Phật giáo sử niên biểu). Bấy giờ vị Tăng sỹ người Trung Ấn là Nhiếp Ma Đằng (攝摩騰) và Trúc Pháp Lan (竺法蘭) đã dịch bản kinh Tứ Thập Nhị Chương (四十二章) và đến năm 68, tức Phật lịch 612, thì Trúc Pháp Lan đã dịch bản kinh Phật Bản Hành Kinh (佛本行經). Tất nhiên trước đó, vào năm Giáp Tý, Phật lịch 608, vua Minh Đế nằm mộng thấy đấng Thân vàng (夜夢金人), chỉ cho Phật thân, bấy giờ vua mới truyền cho họ Thái Cảnh (泰景) tiến nhập Tây Tạng cầu thỉnh Phật Kinh.
Tóm lại, Phật điển truyền đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ 1 và trước tiên manh nha từ Tây Tạng.
Vậy, Phật điển truyền nhập Trung Hoa bằng Phạn điển và được chư sư Ấn Độ chuyển dịch thành Hoa ngữ. Bằng chứng này cho biết, Phật điển Phạn ngữ, có mặt tại Trung Hoa, tuy muộn hơn là hệ thống ngữ pháp chỉnh thể của nền ngôn ngữ này tới 8 thế kỷ, nghĩa là Phạn văn, với hình thái ngôn ngữ hoàn chỉnh của mình đã “tràn” vào khu vực Á Châu (Trung Hoa, Nhật Bản) và Đông Nam Á khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên (theo Grammar 101 by Kathleen Sears, p. 128). Điều này cho phép ta suy ra rằng, khi muốn tìm hiểu nghĩa của bất cứ dịch bản nào từ Phật điển mà nguyên điển còn, thì ta phải đối chiếu với ngữ nguồn này, bởi vì, hầu hết ngữ pháp Hoa ngữ khi chuyển dịch Phật kinh đều y trên luật ngữ pháp của Phạn văn. Và, yếu tố này là tuyệt đối không thể thiếu.
Dựa trên Phạn văn để tìm về chân nghĩa của Phật điển, có thể xem như là hình thái “truyền thừa” khả tín cho cách đọc Hoa điển.
Tuy nhiên, hình thái quy chiếu “nguyên ngôn” này đã dần mất đi tầm ảnh hưởng đích thực của nó vào khoảng giữa thế kỷ thứ 20, khi mà giới cư sỹ với những điều kiện rộng rải hơn là giới Tăng sỹ - thời gian, tiền bạc và được dịp đi du học nơi những nước tiến bộ - thì, bấy giờ cái học xuay chiều theo hướng tham chiếu triết học Tây phương trên Phật điển và sự tham chiếu này, một ít đã bỏ qua nền tảng Phạn văn; bởi vì, những nghiên cứu sâu rộng của học giới Tây phương đủ làm nền cho mọi quy chiếu tham duyệt của chúng ta.
Sự phát triển tương đối mới từ giới trí thức Tây học đã kéo theo xu thế “rời nguồn” và sức sáng tạo từ Phật điển hoàn toàn theo hướng Tây hóa. Và, như ta biết, với xu thế “tân thị quan Phật giáo” như vậy, ta có được một khu rừng khổng lồ về Phật học và nó cho phép ta chọn bất cứ loại “gỗ” nào tùy thích. Phật học gắn liền cùng nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, trà đạo, thư pháp…tất cả thành một bản tham chiếu mở cho mọi tầm cầu và những thiên hướng như thế, tự thân chúng đã cấp cho mình một số loại giấy thông hành ra ngoài Phật giáo, giáo lý tối sơ từ Phật – ta muốn nói giáo huấn Phật ẩn mình trong Phạn điển, kể cả Nam và bắc truyền, ngay từ đầu chúng vốn không hấp dẫn là bao, huống chi giờ được thay bằng Tây học qua lời hiệu triệu của một số “tổ sư triết học” như Heidegger, Sartre…tất nhiên có những tiếp tay từ các nhà trí thức “thiên tài” của Việt Nam và ta tự biết các vị đó là ai, và tầm ảnh hưởng của họ như thế nào.
Khi ngọn gió Thiền tông tràn vào Tây phương qua đại công của D.T. Suzuki, kết hợp với mầm mống Hippie nơi nước Mỹ, thì sự “phá chấp’ thành là một trào lưu trí thức và rồi, những giáo chỉ VI DIỆU của THIỀN TÔNG được tìm thấy trong các buổi trà dư, tửu chán của cả một thế hệ thanh niên. Thậm chí, Thiền được xem như là một phần của “thọ ảo giác” được chia sẻ từ những hạn ngữ PHI THƯỜNG CỦA THIỀN TÔNG: vô ngã, vô chấp, vô niệm, vô tướng mà hữu tướng, phi ngôn tức ngôn, Phật tại tâm, tức tâm tức Phật…Những bộ giáp trụ này đã làm cho một số ít thanh niên cảm thấy hài lòng khi mặc chúng, tuy có vẻ giống robot hơn là một cơ thể sống.
NHỮNG HẠN TỪ PHI THƯỜNG, như đã đề cập, vì, chúng được sinh ra từ bản kinh LĂNG GIÀ, một bản Kinh được cho là “thượng sư” của Thiền tông trong mọi hành tướng tánh tướng và mọi loại biểu tượng ngôn ngữ từ Thiền tông mà chư tổ sư dùng để nhiếp-thông đồ chúng mình và nhất là yếu chỉ được rút ra từ Lăng Già được cho là “tổ vị” của tông phong này vốn đã tự “mịt mờ”. Do vậy, giờ đây, khi “đàm Thiện luận giáo”, thì bản kinh Lăng Già hầu như chỉ còn là một bóng mờ vô thưởng vô phạt, và ý chỉ diệu hành từ Thiền Trung Hoa đã dứt tuyệt truyền thừa – mọi phá cách được các nhà trí giả dùng đều mang dấu vết của triết Tây và Trung Hoa phi Lăng Già. Đây là một thực trạng.
Thậm chí, những điển ngữ hay giáo chỉ sâu sắc thâm thúy nhất của Thiền tông như, “HIỆN PHÁP LẠC TRỤ (TRÚ), BẤT LẬP VĂN TỰ, GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN…được người ta dùng theo cảm tính nhiều hơn là tính giáo quy huyền diệu siêu đẳng của chúng. Thậm chí, có một số người khi nghe tới BẤT LẬP VĂN TỰ và một vài chứng cứ lịch sử “đốt sách cấm học’ nơi cửa Thiền đã vội cho Thiền tông là một tông phái bài xích học tập, thui chột tri thức…
Những giáo chỉ thâm diệu như thế, đều có nguồn gốc từ kinh Lăng Già và đương nhiên, chư tổ sư Trung Hoa không bao giờ và không bao giờ “dám” tự chế.
Tâm truyền tâm, giờ là Vật truyền Vật.
Bản chất của vấn đề, tức là bản chất của mạt pháp, chớ chẳng phải ở đâu xa cả. Song, có khi nào ta hỏi những “hành tướng, diệu tướng ấy” có từ đâu vậy. Khi một cái gì đó được tỏ rõ cội nguồn đáng kính quý của chúng thì chẳng ai dám khinh xuất khi dùng, khi trầm tư và khi nghiên cứu. Ở đây, ta chẳng dám nói “tu”, mà chỉ nói đến thuần học tập để hiểu và hiểu tạm đúng thôi.
Chẳng hạn, giáo chỉ, “HIỆN PHÁP LẠC TRỤ”.
Khuynh hướng chung của ngày hôm này, đã xem “hiện pháp” là hiện tại (present) và khuynh hướng này, cho biết là rằng, quá khứ thì đã chết, tương lai thì chưa tới, cho nên hiện tại là ‘ưu việt”. Quan điểm này xem ra rất hợp lý, trên mặt thời gian
và, điều này cho ta một không gian để thở, vì chỉ có hiện tại và chỉ cần biết chứng hiện tại thôi.
Tuy nhiên, ở mức độ phổ thông, hiện tại là gì, khi nó luôn được nối kết giữa hai đầu – quá khứ và tương lai.
Tìm được câu trả lời, cả trong “triết học’ Phật giáo và trong Vật Lý đương đại là điều không phải dễ dàng.
Ở đây, ta chưa nói đến “ngữ nguyên” của giáo pháp này. Lạc trú hiện tại, giống như “một quan tham có quyền” nào đó, liền ra lệnh “quy hoặch đất dân” và bán chênh lệch giá, vì “trú an lạc nơi pháp hiện tại” – lấy tiền xài cho hiện tại thôi, chẳng cần biết đến hệ quả tương lai và cũng chẳng cần biết nguồn gốc đất ấy có từ đâu và của ai. Ta có thể dựa vào bất cứ lập luận gì để tôn vinh hiện pháp, thế nhưng, hiểu “hiện pháp” là pháp hiện tại, là hoàn toàn sai với “ngữ nguyên” của nó và, từ việc hiểu sai này, dẫn đến hệ “đoạn kiến”, thủ tiêu thời gian và mang lấy ‘trọng tội” với nhân dân và tối hậu là vương vào vòng lao lý của “khẩu nghiệp”.
Vậy, “hiện pháp lạc trụ (trú) là gì?
Trước hết, “hiện pháp lạc trụ (trú), là một “huyền ngôn” đến từ bản kinh Lăng Già, trước tiên được Phật Qang đại từ điển lý giải như sau:
“梵語 dṛṣṭa-dharma-sukha-vihāra。色界四等持之一,禪定七名之一。即依定之結果而有此稱。「後法樂住」之對稱。又作現法樂、現法安樂住、現法喜樂住。無學之聖者經由修善靜慮,住於解脫之法樂。據俱舍論卷二十八載,即依淨、無漏之四根本靜慮而得現前之法樂。大毘婆沙論卷二十六列舉出家樂、遠離樂、寂靜樂、三菩提樂等四種現法樂住。又此現法樂住唯限於色界四靜慮,不通於近分及無色界。〔俱舍論卷二十八、大毘婆沙論卷八十一、顯揚聖教論卷十九、阿毘達磨順正理論卷七十九〕(參閱「定」3171).
Tạm dịch phần Hán văn:
” HIỆN PHÁP LẠC TRỤ là một trong bốn đẳng trì sắc giới và ngữ đoạn này cũng chỉ cho một tên gọi trong 7 mệnh danh thiền định, tức là (người ta) dựa trên quả định - kết quả thiền định – để đặt tên cho danh xưng này. danh xưng tương đối của nó là [hậu pháp lạc trụ 後法樂住 trụ an lạc sau khi đắc pháp, sau pháp được thấy pháp]. Đôi khi ngữ đoạn này còn được gọi là hiện pháp lạc, hiện pháp an lạc trụ, hiện pháp hỷ lạc trụ. Ngữ đoạn hay trạng thái trụ lạc hiện pháp này, chỉ cho thánh giả vô học (tức thánh giả A-La-Hán) kinh qua tu hành thiện tịnh lự, trụ trong pháp lạc giải thoát. Căn cứ vào LUẬN CÂU XÁ quyển 28 truyền tải, tức y trên tịnh, là bốn tịnh lự căn bản của vô lậu mà đắc pháp lạc hiền tiền (hiện tiền, chớ không phải là hiện tại tính theo thời gian – HIỆN TIỀN là một hạn từ có nguồn gốc từ KINH KIM CANG, khi đức Phật thọ thực xong, ngài tĩnh tọa và “đặt thiền định ngay trước mặt”, thỉnh xem kinh Kim Cang, Phạn bản) trong quyển thứ 26 của Luận Đại Tỳ Bà Sa, còn liệt kê ra bốn trạng thái lạc trụ, đó là: Xuất Gia Lạc, Viễn Ly Lạc, Tịch Tịnh Lạc, và Tam Bồ Đề Lạc. Do vậy, “Hiện Pháp Lạc Trụ”, được cho là giới hạn trong bốn tịnh lự đẳng trì thuộc sắc giới, không liên hệ đến “cận phần” hay vô sắc giới.”
Phiến ngữ hay cụm danh ngữ làm chủ ngữ trên, chiếu theo ngữ pháp Phạn văn, thì nó có hai thành phần ngữ pháp như tiếng Anh: ngữ pháp ellipses và động từ tuyến tính (copula verb), tức [to be] ẩn tàng trong đó.
Như ta thấy, cả đoạn Hán ngữ lý giải trên, không có chữ nào nói đến “thì hiện tại” cả. Vậy, Hiện, trong “hiện pháp” là gì?
Như vừa nêu, câu Phạn ngữ, chủ ngữ trên, như tiếng Anh – câu không cần động từ - chỉ cần ellipses và ellipses tuyến tính là đủ nghĩa rồi.
dṛṣṭa-dharma-sukha-vihāra, gồm bốn từ:
1/ dṛṣṭa
2/ dharma
3/ sukha
4/ vihāra
Ở đây, từ chủ đạo là vihāra, giống đực hoặc trung tính, thế thì, ba từ còn lại buộc phải là giống đực hoặc trung tính tùy ngữ cảnh.
1/ dṛṣṭa, là quá khứ phân từ bị động của động từ √dṛś thấy, nhận biết, (thuộc về) quán – được thấy.
2/ dharma là pháp
3/ sukha, là lạc, an lạc, hỷ lạc…
4/ vihāra là già lam, tịnh xứ, an trụ, phòng xá.
Vậy, dṛṣṭa-dharma-sukha-vihāra, tạm dịch là:
“an trụ lạc xứ khi được thấy pháp”, “khi được thấy Pháp”, có nghĩa là “Pháp được HIỆN ra”. Do chữ “hiện” này, người ta liền ghép luôn “hiện [tại]” vào và từ đó diễn sinh đoạn kiến về thời gian. Giáo chỉ này, cho ta biết rằng, hễ ai mà thấy pháp, thì người đó sẽ trụ an lạc xứ, bất kể là ở quá khứ, hiện tại hay tương lai và, chớ hề nói là “quá khứ đã chết, tương lai chưa tới…chỉ vui với pháp hiện tại thôi”, là hoàn toàn lạc mất đề tài của chính “hiện pháp”, là đoạn kiến với tiềm năng chứng ngộ của tâm thức trong một sát-na hiển hiện, tức là đoạn tuyệt với cảnh giới, với trạng thái “thiện tĩnh lự” thuộc sắc giới của tâm thức.
Thậm chí, hành giả thiện tịnh lự về một sát na quá khứ hay tương lai nào đó mà hoát nhiên chứng ngộ “hiện tiền”, thì trạng thái ấy cũng được kể vào “hiện pháp lạc trụ” vậy.
Vì, hiện pháp lạc trụ là thuộc về sắc xứ, nó chỉ là một phần của “niết bàn” và không thể cho là trạng thái giải thoát, như một số khuynh hướng hiện nay, nhất là khuynh hướng gán ghép “triết Tây” đối thoại với triết Đông, như ta vừa trình bày.
Nguồn diệu pháp của Phật giáo không cần bất cứ cuộc đối thoại nào. Nguồn diệu pháp ấy là thể tính uyên nguyên (gaṃbhīra) của trí Bát Nhã, nó không cần đến bất cứ cuộc đối thoại nào, nếu có thể, “đối thoại” là để người muốn đối thoại học từ đó thôi, thì còn có thể chấp nhận.
Mang một số kiến thức về triết Tây để hiển nghĩa Phật giáo có thể cần trong một thời đại tối tăm nào đó, nhưng học về uyên ngữ chân ngôn của Phật giáo thì cần hơn trong bất cứ thời đại nào.
Triết học, dù là triết hệ nào, thì đối với Phật giáo, chỉ là “phụ chú” mà thôi.
Trở lại, Hiện Pháp Lạc Trụ, được kinh Lăng Già, chỉ dạy như sau:
“yogināṃ nilayo hyeṣa dṛṣṭadharma-sukhavihāriṇām/
Anukampyo’ si yaksendra sugatānāṃ mamnāpica // Laṅk 122
([Này Đại Huệ!] phải tự giác hiện pháp lạc trụ theo hướng thánh giả, chớ nên rời phương tiện.)
Theo kinh Lăng Già, “hiện pháp lạc trú” chỉ là phương tiện để hướng đến cảnh giới Phật tự chứng và, ở đây không có bất kỳ “thì hiện tại” nào cả.
Hiện pháp, có thể hiểu như là “hiện tiền”, tức là “đặt thiền định ở trước mặt” như Kinh Kim Cang đã dạy.
Đây là một phần “hiện pháp lạc trụ” theo quan điểm “Đại Thừa”, còn “hiện pháp lạc trụ” theo sở chứng của chư thánh giả Nguyên Thủy là như thế nào, thì ta cần phải tham học từ các vị ấy.
Tuy nhiên, bài viết này, chỉ thuần là cách nghiên cứu theo một số tài liệu mà người viết hiện có và nhất là chủ điểm của nó là “y trên văn liệu” và không là suy diễn theo bất cứ lộ trình nào, dù lộ trình đó “uy tín” cỡ nào. Do vậy, bản văn cần đến những đóng góp tích cực từ những ai có vốn hiểu biết nhiều hơn.
Học và học trên cơ sở dữ liệu là điều cần thiết, trước khi nghe bất cứ pháp thoại nào. Nhất là, đối với cá nhân tôi, tôi không bao giờ “lạm dụng” những giáo ngữ uyên thâm của Phật giáo trong “văn viết” hoặc trong “làm thơ” của mình, khi mà, những diệu ngữ, chân ngôn ấy ta chưa hề biết, hoặc chưa từng học qua.
Ngữ nguồn của Phật giáo quan trọng hơn bất cứ học thuyết nào.
Do vậy, chuẩn bị làm một Phật tử, theo tôi là vô cùng khó. Khó đến mức độ, một chữ một câu từ Kinh, từ Phật, tôi luôn muốn để nó trong vùng tịch lặng của tâm thức tôi.
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Thắng Bỉ Thế Gian Âm.
Pháp Hiền cư sỹ, 18/9/2019